Nhớ Tết Ca Dong

Thứ sáu, ngày 08/02/2013 07:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chúng tôi trở lại vùng tâm chấn động đất (Bắc Trà My, Quảng Nam) trong cái nắng hanh hao cuối năm. Nỗi lo động đất đang rình rập, nỗi ám ảnh “cái ăn, cái mặc” đang đè nặng lên đôi vai người dân nơi đây.
Bình luận 0

7 năm, đồng bào sống ở khu tái định cư (TĐC), đồng nghĩa với 7 năm không đất, không ruộng, không nương, không rẫy, với bao phong tục truyền thống của người Ca Dong phai mờ theo năm tháng.

img
Cồng chiêng, những dụng cụ nương rẫy của người Ca Dong bị bỏ quên không được cất xếp cẩn thận như xưa.

Ông Nguyễn Đình Thông- Phó phòng Dân tộc huyện Bắc Trà My, nhớ lại: “Từ xưa, người Ca Dong ở đây sống theo từng làng, mỗi làng là một cộng đồng gồm những người cùng hay không cùng huyết thống. Mỗi làng có nhiều nóc nhà mái thấp, lợp bằng lá nón xúm xít nhau, xen vào giữa là những kho thóc của từng gia đình. Người Ca Dong sống bằng trồng trọt và săn bắt, vì vậy họ thường thích ở những nơi cao, lưng chừng núi hoặc thung lũng nơi gần nguồn nước và thường có một ngôi nhà sàn ở giữa làng, là nơi để tụ tập vui chơi, tổ chức các lễ hội đâm trâu, cúng máng nước, ăn mừng lúa mới...”.

Đó là nếp sống của đồng bào Ca Dong vùng Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc 7 năm về trước. Bây giờ rời bỏ làng bản về khu TĐC, tất cả những phong tục đó không còn nữa. Trước khi mất đất, mất rẫy, đồng bào ở đây đã đánh mất nguồn cội văn hóa của mình. Trong những ngôi nhà TĐC, có những chiếc cồng, chiêng, áo, mũ, dụng cụ nương rẫy của đồng bào bị bỏ quên trong góc bếp, phần vì không có dịp để dùng đến, phần vì không có nhà sàn cố định để lưu giữ.

img
Nhiều trẻ em, phụ nữ Ca Dong ở khu TÐC Thủy điện Sông Tranh nhớ tết, nhớ hội truyền thống.

Chúng tôi gặp nhiều bà cụ say sưa kể về tết xưa. Rằng sau mỗi mùa thu hoạch lúa, vào tháng 1 (tính theo mùa rẫy), đồng bào Ca Dong lại háo hức đón tết. Khác với người Kinh, các làng Ca Dong không ăn tết cùng ngày, mỗi làng tổ chức ăn tết khi lúa đã thu hoạch xong, phơi khô và cất hết vào kho.

“Chúng tôi nhớ cảnh quây quần bên nhau bên những bếp lửa đỏ rực trong nhà sàn; nhớ cảnh cùng đánh cồng chiêng trong các lễ hội... Giờ, tất cả không còn nữa. Chúng tôi không còn nhà sàn, không cây nêu, chỗ ở cũng chưa yên, động đất liên miên, sống thấp thỏm trong lo lắng”.

Ngày tết rất được coi trọng, nhất là trong việc cúng bái ông bà, tổ tiên. Các gia đình chuẩn bị cho một cái tết rất chu đáo, nào làm men ủ rượu, nào mổ heo, gà, cá khô, nhưng thứ không thể thiếu là lúa mới. Trong làng có bao nhiêu nóc nhà thì bấy nhiêu nhà phải ăn tết cùng một ngày, rồi cùng nhau sang nhà họ hàng, bà con, anh em chúc tết và chung vui. Đêm đến thì tất cả tụ tập trước nhà sàn của làng để đốt lửa, nhảy múa, đánh cồng chiêng...

“Ở khu TĐC này, đồng bào chưa ai được chia ruộng, rẫy, không ai có lúa mới, và vì vậy, cũng không còn tết xưa nữa. Chỉ có động đất mang đến nỗi lo dai dẳng từ ngày này sang ngày khác” - già Xí xót xa.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem