"Biết rồi, nói mãi", vẫn thay đổi giấy đi đường

Nguyễn An Thanh Thứ hai, ngày 06/09/2021 13:30 PM (GMT+7)
Chỉ trong khoảng thời gian 40 ngày, Hà Nội đã 4 lần thay đổi giấy đi đường. Để có di chuyển an toàn, di chuyển xanh, liệu có cách quản lý nào tốt hơn được không?
Bình luận 0

Kể từ 23/7, đây là lần thứ 4 Hà Nội thay đổi cách cấp, quản lý giấy đi đường. Lần này thay vì 7 đối tượng được cấp giờ chỉ còn 6 và có thêm QR Code trên giấy đi đường. Ngay lần thay đổi thứ 4 này cũng đã có 3 sự điều chỉnh trước giờ G áp dụng. Đầu tiên, dự kiến CA đảm nhất việc cấp giấy đi đường, rồi sau đó điều chỉnh lại cơ quan CA, chính quyền phường, xã chỉ còn đảm nhận việc cấp giấy đi đường cho 2 đối tượng, 4 đối tượng còn lại vẫn do người đứng đầu đơn vị đảm nhiệm. Tiếp đến là 2 ngày đầu triển khai chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở.

Xung quanh chuyện giấy đi đường của Hà Nội đã trở thành một đề tài lớn, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng triệu người dân và hàng ngàn doanh nghiệp. Mới đây, trong đánh giá Chỉ số Phục hồi Covid-19 tháng 8 của tờ báo Nikkei Asia nổi tiếng của Nhật Bản thì Việt Nam tụt xuống đáy bảng, thứ hạng 121/121. Điểm mấu chốt là Nikkei đã chọn 3 tiêu chí để xếp hạng, đó là Quản lý ca nhiễm, Tỷ lệ tiêm chủng, và Khả năng dịch chuyển trong xã hội.  

Nikkei Asia là một tờ báo quốc tế thiên về mảng kinh tế, tài chính. Tư duy của họ muốn Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sớm mở cửa cho các doanh nghiệp phục hồi kinh doanh chứ không lập rào cản di chuyển như hiện nay. Di chuyển an toàn, di chuyển xanh "llue moving" là giải pháp tốt nhất để an sinh xã hội và cứu nền kinh tế. Tại cuộc họp giữa Thủ tướng với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tối 4/9 tinh thần này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất cao.

 Ngày xưa, mẹ con Cám trộn lúa vào gạo cũng chỉ để lập rào cản, khiến Tấm khó khăn hơn trong việc ra khỏi nhà, đi chơi hội. Xung quanh giấy đi đường 4.0 này trên tất cả các mặt báo, mạng xã hội người ta bàn ra, tán vào xôn xao. Chuyên gia quốc tế về dịch tễ lại cho rằng: "Kinh nghiệm phong tỏa 76 ngày của Vũ Hán đang còn đấy. Xã hội muốn tồn tại thì chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh vẫn phải tồn tại sự di chuyển của con người. Nếu không thấu đáo dễ sinh ra lúng túng và nhầm lẫn khi cho rằng việc lây lan dịch bệnh Covid-19 là do di chuyển của con người. Cứ có di chuyển của con người trên đường là làm lây lan dịch bệnh".

"Nhưng thực ra bản thân di chuyển của con người chưa phải là lây lan dịch bệnh, mà phải là, di chuyển không an toàn mới làm lây lan dịch bệnh. Còn di chuyển an toàn thì không làm lây lan dịch bệnh. Hà Nội và các địa phương khi muốn cấm (hạn chế) cái phần di chuyển không an toàn thì bắt buộc phải nâng cao cái phần di chuyền an toàn lên. Hạn chế người đã tiêm đủ 2 mũi vacccine (an toàn) là làm ngược xu thế của thế giới".

"Biết rồi, nói mãi", vẫn thay đổi giấy đi đường - Ảnh 2.

Sáng nay 6/9, tại chốt cầu Diễn (một trong 39 chốt vùng đỏ nằm tại quận Bắc Từ Liêm), dòng xe ùn ứ kéo dài. Ảnh Ngọc Hải.

Nhiều người, kể cả vị nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Nguyễn Huy Nga cũng thắc mắc: Chả nhẽ tiêm 2 mũi vaccine xong rồi cũng... nằm nhà?. Như Hà Nội đến thời điểm này (5/9) công bố đã tiêm xong mũi 1 cho 46,24% dân số phải tiêm, mũi 2 cho 6,43% thì phải là đối tượng được ra đường, phục vụ các công việc liên quan đến chống dịch và khôi phục kinh tế. 

Theo thống kê của WHO, với người đã tiêm 1 mũi, cơ hội được bảo vệ là 40-50%. Đã đến lúc Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi, như là một "hộ chiếu vaccine" để thực thi các công việc xã hội cần. Đó thực sự là "người xanh, có giấy xanh" cần sớm được bình thường hóa trở lại như các quốc gia khác trên thế giới. Trong phạm vi toàn quốc tính đến ngày 2/9 có trên 20,58 triệu liều vaccine đã được sử dụng, trong số này có trên 2,73 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi, nếu không đưa họ vào đối tượng cấp giấy đi đường thì quá lãng phí nguồn lực. Đà Nẵng, Củ Chi, Quận 7 (TP.HCM), Bắc Giang đã và đang làm tốt quy định quản lý, cấp giấy thông hành mùa dịch. Với những người am hiểu luật pháp thì lại băn khoăn rằng việc cấp giấy đi đường như hiện nay không thuộc chức năng của cơ quan nhà nước.  

Việc cấp giấy đi đường, giấy đi công tác, giấy công vụ là việc của cơ quan chủ quản thực hiện, nhằm đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, đơn vị theo Luật Doanh nghiệp. Việc chính quyền, CA cấp rồi cũng chính CA và chính quyền lập chốt kiểm tra khiến nhiều người lăn tăn, suy nghĩ. Giám đốc của một doanh nghiệp vận tải Hà Nội than trời: "Mất cả ngày và điên đầu hơn nữa là gửi hồ sơ qua email lấy QR code để làm gì khi mà cuối cùng thì lại phải là tờ giấy đóng dấu đỏ ?". Rõ ràng trong thời đại công nghệ 4.0, cần áp dụng các biện pháp để giảm sự tập trung đông người không cần thiết, không gây ùn tắc tại các điểm chốt.

Hơn 1 năm 3 tháng trước Trung Quốc cũng từng sử dụng QR Code làm giấy thông hành. Chỉ có một khác biệt nho nhỏ giữa hai nơi: Ở Trung Quốc ai có QR Code an toàn về Covid (màu xanh) thì được đi, bất kể đi đâu, còn ở Hà Nội đối tượng nào có được lý do ra đường,được cấp phép thì được đi, bất kể đã an toàn về Covid hay không. Khác biệt lớn về tư duy quản lý di chuyển của xã hội!

Thực tình thì Công an Hà Nội đã rất nỗ lực, hướng dẫn chi tiết các đơn vị tham gia cấp giấy đi đường, chi tiết đến từ việc mua sắm máy tính, bàn ghế để thực hiện, nhưng thực tế cho thấy vẫn khó lòng bao quát hết các tình huống xẩy ra ngoài thực tế. Ví dụ đối tượng 5 được phép ra đường ghi rõ: "Người đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; đi tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về)". Nhưng ai sẽ được phép đưa bệnh nhân đi khám thì lại không nói rõ.   

Không ít cụ già than vãn: "Mình ngoài 70 rồi. Có giấy hẹn khám định kỳ ở bệnh viện. Bây giờ đi kiểu gì? Thân già thì tự đi bộ thì không được, taxi thì không có, xe ôm càng không. Định gọi con đến đưa đi viện, nhưng đến nhà mình nó còn không đến được huống hồ đưa đi bệnh viện. Hỏi cảnh sát khu vực cũng chịu". 

Rồi các đơn vị TW đóng trên địa bàn một phường, nhưng các đơn vị trực thuộc lại nằm ở các địa bàn khác thì việc cấp giấy đi đường như thế nào? Ông Hoàng Văn Triệu, Trưởng ga Giáp Bát cho biết: "Tại địa bàn ga có tới 50 đầu mối làm việc, tới tận cuối chiều 5/9 vẫn chưa có đơn vị nào báo có được giấy đi đường mẫu mới, không hiểu ngày mai anh em làm thế nào đến ga để phục vụ công tác chạy tàu đây?".

 Đến 18 giờ 30 ngày 5/9, Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Hà Nội đã phải có công văn gửi CATP các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn có trụ sở (vùng 1) vẫn chưa được cấp giấy đi đường mới và đề nghị được tạm thời sử dụng giấy đã cấp. Không chỉ đường sắt, ngân hàng mà hàng trăm đơn vị khác cũng vướng vào tình trạng này. 

Thực tình mà nói, trong quá trình kiểm tra tại các chốt, không ít cá nhân, đơn vị không chấp hành nghiêm quy định về cấp và sử dụng giấy đi đường. Tình trạng cấp khống, làm giấy tờ giả, hay cấp sai đối tượng đang làm cho số lượng người tham gia lưu thông trên các đường phố vẫn được đánh giá cao hơn kỳ vọng và tính toán. Thậm chí có trường cao đẳng nghề (Gia Lâm) còn yêu cầu giáo viên phải di chuyển đến trường, offline để dạy online, chuyện thật như đùa. Những kiểu đối phó như trên rất cần được xử lý nghiêm để sớm khống chế được dịch bệnh. 

Thực tế, ngày đầu áp dụng quy định mới, người đi ngoài đường vẫn đông, sáng nay nhiều con đường vẫn tắc cứng. Người dân đang cần câu trả lời: "Có cách nào phù hợp hơn, thay thế cho giấy đi đường đang triển khai và gây tắc cục bộ ngoài đường như hiện nay? Liệu Hà Nội còn tiếp tục thay đổi giấy đi đường lẫn thứ 5 nữa không? Hà Nội và nhiều thành phố lớn đã và đang quyết liệt chống dịch. 

Trong cuộc họp trực tuyến chiều qua (5/9) với các địa phương đến cấp phường xã, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình Hà Nội và một số địa phương khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông. Vì thế, việc này đã nên gây bức xúc không đáng có trong dư luận quần chúng.

Không thế "biết rồi, nói mãi", vẫn cứ liên tục thay đổi giấy đi đường như hiện nay. Một thử thách thực sự đang chờ Hà Nội!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem