Những túp lều canh nương

Bùi Việt Phương Thứ năm, ngày 18/06/2015 15:00 PM (GMT+7)
Với  người miền núi, mỗi khi đi rừng trên những con đường mòn lạc lối, gặp cơn mưa xối xả hay khi màn đêm buông xuống lại thường bắt gặp một túp lều canh nương để nghỉ chân, cùng chia nhau nắm cơm, mồi lửa mà thấy tình người ấm áp vô cùng.
Bình luận 0
Người đồng bằng trong những ngày đồng áng, gặp khi trưa nắng gắt hay cơn mưa rào bất chợt thường tìm đến trú dưới gốc đa, hoặc điếm canh như mái nhà ấm cúng. Khi đó, họ vừa có cảm giác được che chở, vừa là dịp để cùng nhau hàn huyên, chia sẻ những chuyện làng, chuyện nước. Nhưng với  người miền núi, mỗi khi đi rừng trên những con đường mòn lạc lối, gặp cơn mưa xối xả hay khi màn đêm buông xuống lại may mắn bắt gặp một túp lều canh nương để nghỉ chân hoặc cùng chia nhau nắm cơm, mồi lửa mới thấy tình người ấm áp vô cùng.
img
Những mái lều trông nương (ảnh: Lò Xoa)

Nhớ lại những năm 90 của thế kỉ trước, khi ấy rừng và nương rẫy còn khá um tùm, ở những bản làng miền Tây Bắc bà con sống với nhau rất chân thành. Có người đói qua nương sắn của bạn đào được củ sắn nướng thì cũng không quên chặt thân sắn làm nhiều khúc rồi ươm xuống đất coi như trả ơn người chủ nương. Đến những nơi xa làng bản, ta vẫn bắt gặp những túp lều canh nương. Lớp mái tranh được làm theo kiểu nhà gác nằm cao hơn mặt đất để tránh ẩm thấp hay côn trùng cắn. Người ta ngủ canh nương chủ yếu để tiện chăm sóc mỗi khi phát hiện ra mầm mống sâu bệnh, để xua đuổi chim và muông thú phá hoại cây trồng và còn để kết hợp săn bắn.

Nhớ những lần đi kiếm củi, tìm phong lan rừng hay đến mùa bẻ ngô, dỡ sắn…gặp cơn mưa rừng như trút nước từ non cao rừng già đổ về, không có những mái lều bé nhỏ ấy hẳn sẽ ướt sũng. Có lần, ghé vào căn lều gặp người chủ nương sẵn sàng san sẻ nắm cơm nếp với con cá suối. Cũng có khi chỉ có khúc sắn, củ khoai nướng nhưng cái tình của người xa lạ bỗng thành gần gũi, thân tình trong căn lều nhỏ giữa cảnh núi rừng vắng vẻ.

Trên bức tranh nơi dẻo cao, những mái lều nằm khiêm tốn nơi góc nương, bên mái đá, góc rừng. Một chút gì đó của không gian sống được giản lược, thu nhỏ lại thành cuộc sống dã chiến, đơn sơ. Gói thuốc lào giúp bác thợ săn giải khuây khi nghỉ chân hay cầm máu vết thương; thuốc chữa rắn cắn, củ gừng ngậm phòng khi nóng sốt… Dường như, đó là một góc nhỏ của cuộc đời người dân miền núi nằm khuất lấp mà không phải ai cũng biết được.

Những mái lều nương bạc màu tranh ghi dấu những tháng năm vất vả nắng mưa của người làm nương rẫy đã bám đất để làm ra củ sắn, bắp ngô, hạt lúa. Và rồi một ngày ghé lại lều nương sẽ bắt gặp những người trẻ tuổi, hỏi thăm câu chuyện về ông, bà, cha me họ chỉ được biết con cháu đã thay họ đi nương, để họ được thanh thản tuổi già dưới mái nhà ấm cúng. Thời gian trôi qua, con người cũng đổi thay, chỉ những mái lều nương thì còn mãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem