Nỗ lực đưa lao động Hàn Quốc về đúng hạn

Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 23/10/2020 06:12 AM (GMT+7)
Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc khá đông, tuy nhiên tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp ở đây cũng rất phổ biến. Chính bởi vậy, thời gian qua Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp nhằm truyền thông kêu gọi người lao động bất hợp pháp về nước.
Bình luận 0

Số lao động về nước tăng do dịch bệnh

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hàng nghìn lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất việc, thiếu việc làm và cuộc sống bị ảnh hưởng. Nhiều lao động không có việc làm, chưa thể về nước vì thiếu chuyến bay.

Nỗ lực đưa lao động Hàn Quốc về đúng hạn - Ảnh 1.

Buổi tư vấn truyền thông vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định tại Hoằng Hóa. Ảnh: P.V

"Từ năm 2010 đến nay, Thanh Hóa có trên 7.000 lao động làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Những người đi làm việc theo chương trình này được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, chi phí thấp, mức thu nhập cao".

Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa

Nguyễn Văn Huy (25 tuổi, Hoằng Lưu, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hiện đang làm việc tại xưởng chế tạo linh kiện điện tử tại Hàn Quốc cho biết, chỉ còn 3 tháng nữa là hết hợp đồng nhưng hiện giờ anh cũng đang mong hết hạn là sẽ mua được vé máy bay về nước. Anh Huy tâm sự: "Hiện giờ có nhiều lao động muốn mua vé máy bay về nước mà không được. Vé thương mại thì đắt, vé cứu trợ đi theo kênh đại sứ quán thì không nhiều".

Cũng theo Huy, lao động hợp pháp đã vất vả, lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn vất vả hơn. Vì không có giấy phép cư trú, làm việc nên họ rất ngại ra trình diện, đi khám bệnh mỗi khi mắc bệnh. "Qua trò chuyện, tôi thấy bạn bè nhiều người làm việc bất hợp pháp cũng có nhu cầu muốn về nước lắm. Vì thế nếu giờ vận động họ, và chỉ cần có chuyến bay là họ sẽ về rất nhiều" - anh Huy nói.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) dẫn thông tin từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho thấy, lao động làm việc tại Hàn Quốc trong diện có hợp đồng công việc không có nhiều biến động. Số lao động nghỉ việc, tạm ngừng việc trong đối tượng này là không nhiều. Đáng quan ngại nhất là số lao động hết hạn không về nước được do dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê, thời điểm cao nhất, có tới hơn 2.000 lao động hết hạn không thể về nước. Con số này luôn biến động, tới nay khoảng 1.000 người trong số họ đã đăng ký về nước.

"Dịch bệnh là cơ hội để truyền thông kêu gọi lao động về nước đúng thời hạn, đồng thời kêu gọi số lượng lao động còn làm việc bất hợp pháp trở về" - ông Liêm nói. Cơ quan quản lý nhà nước và nhiều tỉnh, thành đang xúc tiến việc truyền thông này.

Tiếp tục kêu gọi lao động về nước

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp Sở LĐTBXH Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức hội nghị tuyên truyền vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định.

Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước, tổng số lao động của tỉnh Thanh Hóa hết hợp đồng tại Hàn Quốc chưa về nước từ năm 2010 đến hết tháng 2/2020 là 1.007 người. Đây là nguyên nhân khiến Chính phủ Hàn Quốc và Bộ LĐTBXH phải tạm dừng tuyển dụng lao động một số địa phương của tỉnh, trong đó có huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa và TP.Thanh Hóa.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tổ chức, đơn vị, địa phương và đại diện các gia đình có người lao động làm việc tại Hàn Quốc đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước đã cung cấp thêm thông tin về tình hình thị trường lao động, những chính sách của Hàn Quốc và quy định của Việt Nam liên quan đến người lao động làm việc tại Hàn Quốc cũng như đối với người lao động cư trú bất hợp pháp… qua đó góp phần nâng cao hiệu quả chương trình xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Ông Nguyễn Đình Dục - Phó phòng LĐTBXH huyện Hoằng Hóa cho biết: Thống kê đến nay, toàn huyện có gần 3.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Tính riêng năm 2019, có 837 lao động được giới thiệu và tham gia lao động ở nước ngoài, trong đó những xã có số lượng nhiều như: Hoằng Phụ, Hoằng Thắng, Hoằng Châu, Hoằng Đạt...

"Lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm cả đi Hàn Quốc, hàng năm đã mang về cho địa phương một nguồn kiều hối rất lớn. Điều này góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân ở địa phương. Tuy vậy, tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp cũng khiến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc, gặp nhiều khó khăn" - ông Dục nói.

Theo ông Dục, hàng quý, hàng tháng, phòng LĐTBXH cũng liên tục đốc thúc các xã, nhất là các xã có đông lao động còn làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc thực hiện truyền thông kêu gọi lao động về nước. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tìm kiếm chuyến bay về nước gặp khó khăn nên nhiều lao động không về nước được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem