Nỗi lòng của những người xa quê đón Tết ở Thủ đô

Hải Đường Chủ nhật, ngày 04/02/2024 07:00 AM (GMT+7)
Vào những ngày cuối cùng của năm, Hà Nội ngập tràn trong không khí sắc xuân, nhiều gia đình gác lại công chuyện để cùng nhau vui xuân đón Tết. Thế nhưng, với nhiều người từ tứ xứ về Thủ đô sinh sống, đây lại là thời điểm mà những nỗi buồn, lo toan càng thêm nặng trĩu.
Bình luận 0

Vất vả mưu sinh 

Tết Nguyên Đán sắp đến, nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền không cho phép những người lao động mưu sinh được nghỉ ngơi. Cũng bởi vậy nhiều người dân chọn cách ở lại nơi đất khách quê người, lao động xuyên Tết để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. 

Ông Nguyễn Việt Hùng (81 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, ông làm nghề chạy xe ôm trên Thủ đô đã hơn 30 năm, Tết là cơ hội để ông kiếm thêm thu nhập gửi về cho gia đình. 

"Những năm gần đây, tôi thường ở lại Hà Nội chạy xe ôm xuyên Tết để kiếm thêm thu nhập. Thời điểm Tết mọi người có nhu cầu di chuyển nhiều hơn so với ngày thường. Vì vậy, có những ngày Tết, tôi chở được số cuốc xe nhiều hơn gấp 3 lần ngày bình thường, được tổng số tiền gần 500.000 đồng/1 ngày", ông Hùng bộc bạch.

Nỗi lòng của những người xa quê đón Tết ở Thủ đô- Ảnh 1.

Ông Hùng dù tuổi đã cao nhưng vẫn ở lại Hà Nội dịp Tết nguyên đán để lao động kiếm thêm thu nhập.

Ông Hùng chia sẻ thêm, ngoài làm xe ôm ông còn có một góc nhỏ nhận sửa chữa và bơm vá xe nhưng công việc này cũng gặp không ít khó khăn: "Tôi xin được một chỗ ngồi nhỏ trên vỉa hè, chỉ đủ để tôi có thể dựng công cụ hành nghề. Tuy nhiên, cũng nhiều lần tôi đi chở khách, có người đến lấy trộm một số đồ đạc của tôi. Việc mưu sinh ở Thủ đô này càng khó khăn hơn".

Bà Hiền (50 tuổi, Phú Thọ) làm nghề bán bánh ngọt dạo ở Hà Nội cũng không về quê ăn Tết Giáp Thìn năm 2024. Bà Hiền nói: "Làm nghề này không kiếm được bao nhiêu, dù tiết kiệm lắm tôi cũng chỉ kiếm được vài triệu một tháng. Những ngày Tết, tôi bán bánh được hơn vì phần lớn khách hàng đều thoáng và mừng tuổi lì xì".

Tết đoàn viên là một điều xa xỉ với những người vô gia cư

Đối với những người lao động, dù công việc có bấp bênh nhưng họ vẫn có nhà để về, vẫn có những lúc đoàn tụ cùng gia đình. Còn đối với những người vô gia cư ở Thủ đô, họ không có gia đình để sum vầy, chỉ có thể lang thang nơi vỉa hè, lề đường. Nỗi buồn tủi và sự cô đơn bao trùm lấy họ trong những ngày trước và trong Tết. 

Ông Nguyễn Văn Bản (87 tuổi), một người vô gia cư lưu lạc trên đất Hà Nội chia sẻ: "Nhìn dòng người hối hả mua sắm, trang hoàng nhà cửa đón Tết, tôi lại càng thêm chạnh lòng. Cả cuộc đời tôi, bao nhiêu năm lang bạt từ Nam ra Bắc, tôi chưa bao giờ được hưởng một cái Tết trọn vẹn có đầy đủ người thân quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Dù đã quen với hoàn cảnh khốn khó này, nhưng mỗi một mùa xuân đến, tôi lại thấy lòng mình xót xa".

Nỗi lòng của những người xa quê đón Tết ở Thủ đô- Ảnh 2.

Ông Bản tuổi cao sức yếu.

Tết đối với những người vô gia cư chỉ là những ngày bình thường như bao ngày khác, thậm chí còn ảm đạm hơn vì họ càng cảm nhận được sự thiếu thốn và cô đơn. Với trường hợp éo le của anh Đặng Lê Anh (35 tuổi) cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa.

"Tôi lên Hà Nội được hơn 1 tháng, chưa kịp xin việc làm thì bị mất giấy tờ tùy thân. Không có việc làm, trong người lại không còn một đồng nào, tôi đành đi nhặt ve chai để có tiền mua cái bánh, gói mì ăn qua ngày", anh Lê Anh nói.

Nỗi lòng của những người xa quê đón Tết ở Thủ đô- Ảnh 3.

Anh Lê Anh ban ngày đi nhặt ve chai, tối về lại lo tìm nơi trú thân.

Anh Lê Anh cho hay, đối với anh, Tết cũng không khác gì ngày thường, thậm chí còn ảm đạm hơn vì mọi người về quê ăn Tết hết, đường xá vắng tanh.

"Tôi cũng giống như bao con người, cũng có mưu cầu hạnh phúc. Nhìn người ta có mái ấm trong khi mình chỉ có mái hiên vỉa hè che nắng che mưa, tôi thấy tủi thân, chạnh lòng", anh Lê Anh bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem