Hôm ấy, vừa tới nơi chúng tôi đã thấy trên chiếc bàn gỗ thông ngổn ngang nào là hoa đu đủ, rau mùi tàu, rau hung chó, tía tô, một chút lá gừng. Đặc biệt, còn có cả miệng bát lạc, củ kiệu, và mấy quả cà dại vứt lăn lóc. Chưa rõ những thứ đó dùng vào món gì đã thấy chủ nhà giục mọi người vào việc.
Đầu tiên là sơ chế những bông đu đủ đực. Hoa được nhặt bỏ phần cuống già, đợi khi nồi nước trên bếp sôi liền thả vào luộc. Khi hoa đu đủ đã gần chín mọi người lại bỏ những quả cà dại vào luộc cùng bởi cà mềm rất nhanh chín. Khi dùng đũa gắp hoa đu đủ ra bấm thử thấy hoa đa mềm mới vớt ra để ráo nước.
Điều đặc biệt nhất trong cách chế biến của chủ nhà đến đây mới thực sự xuất hiện làm những người lần đầu được chứng kiến như tôi hết sức bất ngờ. Hoa đu đủ và cà dại luộc được trộn với chút gia vị bỏ vào cối giã nát. Tưởng chỉ có vậy nhưng sau đó, tất cả lại được đổ vào chiếc chảo mỡ xào đều tay. Vừa khi đổ ra chiếc bát tộ lớn, cũng là lúc tôi và mấy người bạn đã thái nhỏ củ kiệu, lá gừng, mùi tàu, húng chó…tất cả lại được trộn đều với nhau lần nữa. Củ kiệu vốn được biết đến như là một gia vị quý gắn với truyền thuyết về người tìm ra nó là công chúa Mỵ Nương thời Hùng Vương. Lá gừng, lá mùi tàu, rau hung cho đều là những thứ lá quen thuộc đã có bao đời nay trong vườn nhà. Bởi thế, chúng có tác dụng chế ngự vị hoang dã của hoa đu đủ rừng, cà dại.
Khi món ăn được bỏ vào đĩa men, trước khi đặt lên mâm còn được rắc thêm chút lạc giã nhỏ. Cũng bởi được trộn nhiều lần giữa các món ăn, được chế biến qua nhiều công đoạn khá công phu và đặc biệt là hoàn toàn chay tịnh nên khi thưởng thức đem lại hương vị rất hấp dẫn. Thế mới biết đâu phải những thứ vật liệu quen thuộc không tạo ra những món lạ miệng mà cần phải để công tìm tòi, học hỏi trong đời sống mới giúp chúng ta có thể đổi món, tạo ra cảm giác ngon miệng hơn trong những bữa cơm quần quần bên gia đình và bạn bè.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.