Nông dân Sóc Trăng học Bác, giúp nhau vượt khó, làm giàu

Quang Bình Thứ hai, ngày 01/07/2019 05:30 AM (GMT+7)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội Nông dân các cấp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai sâu rộng tới hội viên, nông dân thực hiện phong trào đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Phong trào đã tạo sức lan tỏa, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên nông dân…
Bình luận 0

Nông dân năng động, sáng tạo

“Nói đi đôi với làm” - đó là lời dạy của Bác Hồ được Hội Nông dân các cấp tỉnh Sóc Trăng thực hiện theo. Các cấp Hội đã vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn... Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm nông nghiệp.

Từ việc hăng say trong lao động, nông dân tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, biết áp dụng khoa học kỹ thuật… làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn cung cấp cho thị trường.

Điển hình như ông Dương Minh Thiện, ấp Giồng Giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề) thành công với mô hình làm kinh tế “trồng và kinh doanh lúa gạo”; ông Hứa Thanh Bình, nông dân ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Bình (TX.Ngã Năm) thành công với mô hình làm kinh tế “3 cây 1 con”...

img

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch và an toàn được nông dân tỉnh Sóc Trăng áp dụng. Ảnh: Quang Bình

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cho thấy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nề nếp trong sản xuất. Hộ ông Phan Ngọc Thành, ấp An Ninh (thị trấn An Lạc Thôn, Kế Sách) là một ví dụ, ông luôn tiên phong, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân phát động, đặc biệt là học tập và làm theo Bác.

Với mong muốn góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, ông Thành đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển số ruộng kém hiệu quả thành vườn và cải tạo vườn tạp, đê bao khép kín trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế.

Ông Thành cho biết: “Lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu khoa học kỹ thuật, nhưng nhờ chịu khó học hỏi từ những mô hình ăn nên làm ra của các nông dân giàu kinh nghiệm, tôi có thêm kinh nghiệm để áp dụng cho vườn cây ăn trái của mình. Hiện nay, vườn của gia đình tôi trồng chủ lực gồm: Thanh long ruột tím, măng cụt, chôm chôm, vú sữa… đều là những loại trái cây đạt hiệu quả kinh tế cao, hướng đến xuất khẩu”.

Hội Nông dân các cấp cũng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu những gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác với nhiều hình thức phong phú, nhằm định hướng việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, hội viên, nông dân. 

Ở địa phương, ông Thành được nhiều người biết đến với mô hình làm vườn cho lợi nhuận rất cao (trên 1 tỷ đồng/năm). Ông Thành đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 20 - 25 lao động theo thời vụ, giúp được 10 hộ xóa nghèo, trong đó có 4 hộ trở nên khá giàu, góp phần ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, ông Thành còn tích cực hướng dẫn cho bà con cách trồng, kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn nông dân tiếp cận các kiến thức, nắm bắt thị trường tiêu thụ nông sản, động viên, khuyến khích bà con cùng nhau thi đua, sản xuất, học tập và làm theo Bác…

Tham gia xây dựng quê hương

Để giúp hội viên, nông dân tiếp cận, thực hiện có hiệu quả hơn trong sản xuất, Hội Nông dân các cấp tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức triển khai, hướng dẫn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm… giúp hội viên, nông dân nâng cao trình độ canh tác.

Trong quá trình công tác, Hội Nông dân các cấp gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện các phong trào thi đua, như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới… Nhờ đó, việc học tập và làm theo Bác thực sự trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên, khơi dậy ý chí tự cường và tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất.

Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới… Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn mới, điển hình là nông dân Lâm Văn Phấn, ấp Tắc Gồng (xã Tham Đôn, Mỹ Xuyên).

Ông Phấn bộc bạch: “Là người nông dân, tôi luôn học tập và làm theo Bác. Bản thân và gia đình đã tích cực tham gia thực hiện tốt phong trào do địa phương phát động. Kết quả đã vận động Mạnh Thường Quân được 768 triệu đồng làm 3 tuyến đường với chiều dài 2.500m, làm 5 cây cầu, 2 nhà mát… Ngoài ra, trong 3 năm, gia đình tôi đã hỗ trợ đóng góp khoảng 200 triệu đồng. Hiện tại trong năm 2019, bản thân đang tiếp tục vận động làm 2 đường lộ dài khoảng 708m với số tiền 125 triệu đồng và 1 cây cầu khoảng 60 triệu đồng”.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xác định nội dung là: Tác phong gương mẫu “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, “làm việc khoa học”… Từ đó bản thân cán bộ Hội, hội viên, nông dân tự giác tu dưỡng, rèn luyện, góp sức xây dựng quê hương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem