Nước mắt đắng cay của kiều nữ miền Tây ham chồng ngoại

Thứ bảy, ngày 23/03/2013 12:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”... hôm nay câu ca nghe như lời oán thán của các cô gái miền Tây lấy chồng ngoại, bị bạc đãi, hành hạ thân xác, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người.
Bình luận 0

Nuôi tôm thất bại, nợ nần đến gần 800 triệu đồng, cùng đường, ông Lý Văn Tư (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đành nghĩ đến việc gả con cho người nước ngoài với hy vọng con mình có được chỗ nương nhờ và gia đình có thêm món tiền “hồi môn” để xoay xở nợ nần.

img
Bến phà này từng đưa hàng trăm cô gái ở Cù Lao Dung sang sông lấy chồng ngoại.

Qua người quen giới thiệu, ông Tư được một người ngụ ở phường 8, TP.Bạc Liêu tìm giúp mối gả cô con gái Lý Thị Đào (20 tuổi) sang Trung Quốc.

Vỡ mộng giàu sang

Sau màn “coi giò, coi cẳng”, người đàn ông A Hào đồng ý rước Đào về làm vợ. Thấy chàng rể "áo quần bảnh bao", ông Tư tràn trề hy vọng. Thế nhưng, niềm hy vọng ấy bỗng tan thành mây khói. Sau buổi tiệc, A Hào chỉ dúi vào tay bố vợ đúng 12 triệu đồng. Một số tiền dưới mong đợi của ông.

Sau màn thất vọng về tiền “hồi môn”, ông Tư chuyển sang hy vọng con gái có cuộc sống bớt khổ hơn ở quê nhà. Nào ngờ, mấy tháng nay ông như người mất hồn khi không tìm đủ 150 triệu đồng gửi sang Trung Quốc để chuộc con gái mình về.

Trao đổi với chúng tôi, ông ứa nước mắt: “Nó điện về than khổ quá, gia đình bên chồng sống trên núi, hằng ngày bắt nó phải đi đốn củi rồi lo dọn việc nhà. Làm việc khổ cực, nhưng mỗi bữa chỉ được ăn một bát cơm, lại thường xuyên bị nhà chồng hành hạ đủ điều. Thương con, tôi muốn nó về quê nhưng bên chồng nó nói phải trả 150 triệu mới chuộc được”.

Không kham nổi số tiền “khổng lồ” này, ông Tư liên lạc với người mai mối. Sau nhiều lần “cò kè bớt một thêm hai”, trả giá như mua mớ rau ngoài chợ, cuối cùng phía nhà chồng của cô gái mới đồng ý hạ giá chuộc xuống còn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, như thế cũng là món tiền quá lớn với gia cảnh đang nợ nần của ông Tư. Bí đường, ông đành bấm gan, bấm ruột làm đơn tố cáo, nhờ Công an tỉnh Bạc Liêu can thiệp.

Cùng hoàn cảnh với ông Tư, sau 2 tháng gả con, gia đình ông Ngô Thanh Mai nhận được tin dữ, cô con gái Phương Trúc vì không chịu nổi cảnh hà khắc của quê chồng đã bỏ nhà ra đi. Do không rành đường, cô bị nhà chồng bắt lại. Sau khi ăn trận đòn no, Trúc đã bị biệt giam và hành xử tệ bạc hơn cả con ở.

Trong một lần gia đình bên chồng lơi lỏng, Phương Trúc lén lấy trộm điện thoại gọi về cầu cứu. Thương con đứt ruột nhưng không biết cách nào giải cứu vì không có tiền, ông Mai đành làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng.

Nhiều gia đình sau khi gả con ra nước ngoài đã nhanh chóng rơi vào cảnh “mất cả chì lẫn chài”. Trao đổi với PV Dòng Đời, bà Sơn Thị Nhung (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) quệt nước mắt: “Con nhỏ hổng chịu lấy chồng nước ngoài, nhưng vì thương tui, nó chấp nhận đi với bà mai lên TP.HCM.

Không biết trên đó thế nào mà mấy hôm nay, bà mai điện thoại về bảo nó bỏ trốn đi mất tiêu và bắt tui phải đưa 50 triệu đồng tiền bồi thường. Giờ tui mất con, lại mắc nợ 50 triệu”.

img
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Những kể về hoàn cảnh của con gái mình sau khi lấy chồng Trung Quốc.

Mới đây, Công an thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã phá một đường dây môi giới lấy chồng nước ngoài bất hợp pháp, chủ yếu là người Trung Quốc. Sự việc được phát giác khi cả thị xã có đến 201 người lấy chồng nước ngoài. Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra thì phát hiện có đến 10 cô dâu đã bỏ trốn khỏi nhà chồng hoặc được gia đình trả tiền chuộc về.

Cô Châu Thị Chênh (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) được mai mối lấy một người chồng Trung Quốc. Khi đến quê chồng, Chênh như rơi xuống vực sâu của sự thất vọng khi cô được đưa thẳng lên miền núi sống cùng với một người đàn ông già hơn tuổi cha mình và rất nghèo.

Không chỉ thường xuyên bị hành hạ, đánh đập vì những trận ghen bóng, ghen gió do khoảng cách tuổi tác quá lớn, Chênh còn bị bắt đi làm thuê trả nợ khoản tiền mà chồng đã mượn trước đó để đi “cưới” mình. Tưởng sẽ tàn đời trên đất khách thì may mắn đã đến với Chênh. Từ vụ phá đường dây môi giới bất hợp pháp, Công an tỉnh Sóc Trăng đã giải cứu được 10 cô gái lấy chồng ngoại, trong đó có Chênh.

Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo Công an tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, có 15 trường hợp người dân nhờ giải thoát cho con gái làm dâu bên Hàn Quốc, Trung Quốc. Con số này tại Sóc Trăng cao gấp đôi và ở TP.Cần Thơ là trên 50 trường hợp.

Thượng tá Võ Tấn Phong, Trưởng Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhận định: “Đa số trường hợp lấy chồng nước ngoài đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định. Lợi dụng điều này, những người làm mai mối bất hợp pháp tiếp cận và hứa hẹn, sau khi lấy chồng nước ngoài sẽ cho mỗi gia đình từ 80 - 100 triệu đồng để làm vốn. Tuy nhiên, thực tế sau khi kết hôn, nhiều gia đình chỉ nhận được từ 5 - 20 triệu đồng. Có gia đình chẳng nhận được đồng nào”.

Mặc dù vậy, ngay tại vùng quê này, nhiều thiếu nữ vẫn ôm giấc mộng lấy chồng nước ngoài. Làn sóng lấy chồng ngoại vẫn âm ỉ chảy trong lòng những người dân quê nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại nơi đây, có hẳn những vùng quê, những cồn đất, cù lao… được mệnh danh là “cồn Đài Loan”, “cù lao Hàn Quốc”. Ở đó, có những cô gái “sang sông” mà không có ngày quay trở về đất mẹ.

Những cù lao "lấy chồng ngoại"

Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vốn được mệnh danh là “cù lao cây trái”, giờ được giới truyền thông đặt cho cái tên mới “cù lao lấy chồng ngoại” bởi nơi đây đã có hàng trăm cô gái một đi không trở về.

img
Mẹ của chị Võ Thị Minh Phương thất thần khi nghe tin con gái cùng 2 cháu ngoại tự tử

Ông Lê Hoài Thanh, Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh Nhứt (huyện Cù Lao Dung) xác nhận, năm 1990, A Sị, một kỹ sư thi công công trình tại Cù Lao Dung đã phải lòng chị Dự. Một năm sau, họ thành vợ chồng và dắt nhau về Đài Loan chung sống. Hai vợ chồng hay trở về đất cù lao rồi bung ra làm ăn ngày một khấm khá. Cũng từ đó, An Thạnh Nhứt rộ lên phong trào lấy chồng Đài Loan.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng xã An Thạnh Nhứt có đến trên 500 trường hợp lấy chồng ngoại. Tuy nhiên, theo bà Thắm, một chủ quán giải khát trước trụ sở UBND xã, trường hợp vợ chồng A Sị có lẽ là “đốm sáng cá biệt”.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, lấy chồng Đài Loan giống như… đi buôn, nhưng đó là cuộc buôn lời ít, lỗ nhiều. Năm thì mười họa mới có một cô may mắn lấy được chồng khá giả, Tết mới được về quê. Có người gả con đi cả chục năm nay chưa thấy con mò về lần nào.

Ngược dòng sông Hậu, chúng tôi tiếp tục tìm về cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), nơi từng được mệnh danh là “cù lao tỷ phú” vào những năm con cá tra giúp bà con “ăn nên, làm ra”. Giờ đây, khi con cá tra “xuống dốc”, nơi đây lại nổi tiếng với tên "cù lao Đài Loan" vì có đến trên 600 phụ nữ lên xe hoa theo chồng về xứ người.

Chuyện bắt đầu từ năm 1993, khi làm ăn thất bại, nợ nần chồng chất, ông Võ Minh Phương (xã Tân Lộc) gả con gái cho một người Đài Loan. Hai năm sau, vợ chồng cô con gái về Tân Lộc đưa cả gia đình sang Đài Loan du lịch. Sau chuyến đi, ông Phương cất nhà khang trang và tiếp tục gả cô gái út sang Đài Loan. May mắn đến với ông lần nữa khi cô con gái út lấy được người chồng khá giả, gửi tiền về cho vợ chồng ông mặc sức tiêu xài.

Vậy là nhiều người khác “noi gương” ông, gả con gái sang xứ Đài. Một vị lãnh đạo xã Tân Lộc cho biết, nhiều gia đình có 3 - 4 người đều lấy chồng Đài Loan. Chuyện lấy chồng Đài Loan trở thành chuyện thường ngày ở cù lao Tân Lộc. Thậm chí có người có đến 3 đời chồng đều là người Đài Loan.

Ông Lê Minh Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc, chép miệng: “Chúng tôi không thể ngăn cản được. Họ đến UBND xã xác nhận tình trạng hôn nhân. Là cấp chính quyền, mình phải làm đúng luật. Các đoàn thể cũng tuyên truyền vận động nhưng xem ra chẳng ăn thua…”.

Thấy được “hơi” tiền, những đối tượng môi giới hôn nhân bất hợp pháp đã ra sức lặn lội, len lỏi vào tận các vùng sâu, vùng kinh tế còn khó khăn để gạ gẫm, chào mời.

Phần vì cần tiền, phần kém hiểu biết, đã có hàng ngàn gia đình chấp nhận những cuộc hôn nhân chớp nhoáng cho con em mình, hoặc con cái trốn cha mẹ đi lấy chồng nước ngoài trước sự bất lực của cấp chính quyền cơ sở. Để rồi không ít cô gái phải kết liễu cuộc đời ở tuổi còn xanh, như trường hợp của Võ Thị Minh Phương (SN 1985, ở ấp Hòa Quế B, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).

Là con gái út trong một gia đình có 6 anh chị em, cách đây 8 năm, Phương được một số bạn bè làm việc tại TP.HCM giới thiệu gặp những người đàn ông Hàn Quốc “tuyển vợ”. Dù cha mẹ (ông Võ Văn Rô, 66 tuổi và bà Võ Thị Ảnh, 64 tuổi) đã ra sức ngăn cản nhưng Phương vẫn cương quyết lấy Kim Yeong Hwa (SN 1965, ngụ Busan, Hàn Quốc).

Sau khi sinh được 2 đứa con (con gái lớn 7 tuổi và con trai nhỏ 3 tuổi) thì vợ chồng Phương xảy ra lục đục. Phương thường xuyên bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Và cuộc hôn nhân kết thúc bi thảm vào ngày 23/11/2012 khi Phương ôm 2 con nhảy lầu tự tử.

Sự bất lực của chính quyền

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại đồng bằng sông Cửu Long có trên 100.000 cô gái lấy chồng nước ngoài, trong đó nhiều nhất là lấy người Đài Loan. Gần đây có sự chuyển hướng sang lấy chồng Trung Quốc. Địa phương có phụ nữ lấy chồng ngoại nhiều nhất là Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng…

img
Vợ chồng chi Võ Thị Minh Phương trong ngày cưới.

Tại Hậu Giang, nơi có cô dâu Võ Thị Minh Phương vừa ôm hai con nhảy lầu tự tử, có đến 4.000 cô gái lấy chồng nước ngoài.

Tuy nhiên, con số báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh này cho thấy, trong năm 2012 chỉ có trên 400 trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Tại Sóc Trăng, mới chỉ ở một thị xã đã có đến 201 người lấy chồng nước ngoài, nhưng theo con số báo cáo chính thức của Sở Tư pháp Sóc Trăng, toàn tỉnh chỉ có 210 trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng, ưu tư: “Con số đăng ký chính thức rất ít, điều này cho thấy hôn nhân bất hợp pháp có dấu hiệu gia tăng. Chúng tôi đã mở nhiều đợt tuyên truyền đến các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh để người dân hiểu và đăng ký kết hôn chính thức”.

Con đường “chính ngạch” đăng ký kết hôn với người nước ngoài xem ra còn quá xa lạ với những người dân vùng quê nghèo của đồng bằng sông Cửu Long. Ông Kim Sà Wach, Phó chủ tịch UBND xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), nơi mà trong năm 2012 có đến gần 70 cô gái lấy chồng Trung Quốc, ngậm ngùi: “Người dân đến đây xác nhận tình trạng hôn nhân, chúng tôi biết thế nào cũng lấy chồng nước ngoài.

Dù chúng tôi hết lời giải thích, nhưng họ không nghe. Đến khi con cái bị ngược đãi nơi xứ người, họ nhận ra thì đã quá muộn”.

Cuối năm 2012, khi Công an thị xã Vĩnh Châu phát hiện đường dây môi giới lấy chồng ngoại bất hợp pháp và 10 cô gái trốn thoát trở về trong đau đớn, làn sóng lấy chồng Trung Quốc tại xã Lai Hòa mới tạm lắng dịu.

Nhưng thực tế từ nhiều địa phương khác cho thấy, sự lắng dịu đó chỉ mang tính tạm thời.

Thừa nhận tình trạng hôn nhân với người nước ngoài diễn ra nhiều năm nay, bà Nguyễn Thu Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sóc Trăng - chia sẻ: “Chúng tôi rất thông cảm cho các em. Để ngăn chặn việc môi giới hôn nhân bất hợp pháp, chúng tôi đã tuyên truyền nhiều đợt, giúp các em nhận thức đúng đắn về quyết định của mình khi lấy chồng nước ngoài”.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế, chính các bậc làm cha, làm mẹ mới là những người quyết định chuyện lấy chồng của con cái họ. Bởi đến nay, quan niệm hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” vẫn còn ăn sâu tại nhiều vùng thôn quê, nên dù không muốn nhưng các thôn nữ vẫn chấp nhận lấy một người chồng bất đồng ngôn ngữ, khác xa tập quán và chẳng có tình yêu. Bởi không ít cô nghĩ rằng, lấy chồng nước ngoài là cách duy nhất để báo hiếu cha mẹ.

Bà Trần Hồng Chiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: “Hầu hết môi giới hôn nhân với người nước ngoài đều ở vùng nông thôn, nơi có cuộc sống kinh tế khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế. Chúng tôi không có quyền cấm phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Khi gặp trường hợp như vậy, chúng tôi tư vấn, phân tích thiệt hơn để gia đình tự quyết định”.
Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem