Phải chăng, Rock Việt đã "chết"?

Thạch Tâm Thứ năm, ngày 07/03/2024 08:30 AM (GMT+7)
"Rock'n roll never dies" (Rock'n roll bất tử), câu nói ấy đã quen với rất nhiều khán giả yêu mến dòng nhạc cá tính này. Nhưng cũng có một câu hỏi mà khán giả rock đặt ra nhiều năm qua: "Phải chăng, Rock đã chết?".
Bình luận 0

Rock Việt đã bao giờ "sống" đâu mà "chết"?

Đây là một câu hỏi thậm xưng đúng nghĩa. Ngay cả khi Don MacLean cất lên câu hát "The day the music died" cảm thán sau tai nạn máy bay của Buddy Holly và Ritchie Valens đi nữa, cũng chẳng ai nghĩ âm nhạc đã chết. Âm nhạc không bao giờ chết. Rock bất tử. Nhưng chính nỗi buồn khi chứng kiến thế giới rock không còn náo nhiệt như quá khứ mà họ luôn hồi tưởng, rock fans đặt ra câu hỏi thậm xưng ấy như một cái cớ để củng cố thêm tình yêu trong mình.

Phải chăng, Rock Việt đã "chết"?- Ảnh 1.

Bức Tường từng cùng một số ban nhạc tạo ra "thời kỳ" của Rock. Ảnh: TL

Ở Việt Nam, câu hỏi này cũng không phải lạ lẫm gì. Song, với những người yêu rock Việt, họ có cảm nhận đó dai dẳng và sâu sắc hơn, khi thị trường âm nhạc dường như vẫn chưa có cánh cửa đủ rộng nào dành cho dòng nhạc mà họ yêu thích. Và riêng với câu hỏi này của những fans rock Việt, câu trả lời nên là một câu hỏi khác "Rock đã bao giờ "sống" đâu mà có sự chết?".

Hỏi cắc cớ như thế, ắt rất dễ bị ném đá bởi sự giận dữ của fans rock, nhất là những fans cực đoan. Tuy nhiên, hãy nhìn chữ "sống" kia trong ngoặc kép. Thực tế, rock chưa thể "sống" nổi trong một thị trường văn hoá đại chúng Việt Nam mà chủ đạo là gu thưởng thức tương đối một màu.

Không mấy nhà sản xuất dám đứng ra tổ chức các concert cho rock, trừ phi phải có tài trợ khủng. Giá vé cho Rock cũng luôn thấp hơn so với các dòng nhạc phổ biến khác, dù chất lượng nghệ thuật nhiều khi còn cao hơn rất nhiều. Một ví dụ rất điển hình mà chúng ta có thể nhìn thấy chính là kể từ khi nhà tài trợ quyết định chia tay, Rock Storms đã không còn nữa. Từ đó, những lá cờ của Ngũ Cung hay Microwave, Bức Tường cũng không còn được phất lên trong những sân vận động đông người.

Cách đây mấy năm, cũng có một đơn vị (tất nhiên cũng có tài trợ) đã làm một game show cho Rock, nhưng nó bị đè bẹp bởi Rap Việt. Đời sống Rock vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Và các nghệ sĩ theo dòng nhạc Rock chỉ còn có thể tìm được góc riêng cho mình thông qua ghi âm, phát hành và đi diễn ở những sân khấu rất nhỏ. Thi thoảng lắm mới có sự kiện của các nhãn hàng phù hợp (kiểu như xe gắn máy, nước tăng lực, bia…) có sử dụng các nghệ sĩ nhạc Rock. Còn lại, trông chờ lớn của họ là những lễ hội âm nhạc như Moonson hay Hò Dzô, mỗi năm một lần.

Không có sinh quyển, nghệ sĩ Rock cũng không hoạt động một cách chuyên nghiệp đúng nghĩa. Gần như 100% nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc Rock đều có một nghề tay trái khác. Nói đúng hơn, họ có một nghề tay phải để nuôi thân, nuôi gia đình và nghề tay trái chính là chơi nhạc Rock.

Đại đa số những nghệ sĩ Rock Việt, kể cả thuộc diện sao hạng A của Rock, thực tế đều đang hàng ngày làm một công việc khác. Điển hình, các thành viên của Bức Tường đều đang đi làm công ty; Tùng Trần của Microwave đang kinh doanh nhà hàng; Thắng - guitarist của Ngũ Cung đâng kinh doanh nhạc cụ… Phần còn lại, nếu không có một công việc khác thì cũng sống theo kiểu công nhật đi chơi nhạc cover ở các quán bar nho nhỏ.

Phải chăng, Rock Việt đã "chết"?- Ảnh 2.

Chill band - thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều sắc thái mới cho Rock Việt. Ảnh: FBNV

Nói thẳng, nghệ sĩ Rock Việt không thể sống vững vàng bằng nghề. Chính vì thế, doanh thu âm nhạc cũng không đủ để tái đầu tư cho nghề. Đa số những đầu tư cho sản phẩm của các nghệ sĩ Rock đều đến từ "vác tiền nhà" ra tiêu chứ không phải là một khoản xoay vòng đến từ doanh thu âm nhạc.

Khi không có đầu tư đều đặn, sản phẩm Rock cũng ra mắt rất thưa thớt. Mà khốn nỗi, đã ra mắt thưa thớt như vậy, chúng lại không được "trang bị tận răng" như các thể loại nhạc khác. Nếu điểm lại, kể từ năm 2000 tới nay, có lẽ số MV Rock Việt chưa tới con số 20. Mà âm nhạc đại chúng thời đại này lại đòi hỏi rất nhiều thứ để thu hút khán giả. Rock có đặc biệt đến mấy đi nữa cũng không thể nằm ngoài vòng quay đó. Bởi thế, việc mở rộng tệp khán giả của Rock luôn gần như giậm chân tại chỗ.

Trong khi đó, fans Rock lại thiên về "chất". Họ xem những hành động kiểu như fans Sơn Tùng M-TP cày views cho "boss" của mình là phù phiếm. Họ không thực hành những hành động kiểu ấy và bỏ qua chi tiết là sản phẩm Rock cũng cần sống bằng lượt nghe, lượt xem như bất kỳ loại hình âm nhạc nào.

Trông chờ duy nhất của các nghệ sĩ Rock chỉ là các show diễn. Và nếu nhìn vào giá vé, chúng ta sẽ càng nhận ra rõ hơn môi trường hiện tại của Rock là như thế nào. Trong khi một chương trình nhạc Pop, kể cả là kiểu phòng trà, có giá vé tăng gấp 10 so với năm 2004 thì giá vé của Rock vẫn không thể vượt qua con số 500 nghìn. Khi mà lượng vé bán thì thấp và giá vé cũng thấp nốt, không hiểu Rock tồn tại theo cách nào?

Đó chính là thứ đủ để chúng ta nói rằng "Rock đã "sống" bao giờ đâu mà có sự chết?".

Ai, cái gì sẽ làm Rock Việt "hồi sinh"?

Nhưng độ hai năm trở lại đây, bắt đầu có vài tín hiệu le lói cho thấy có thể có một khe cửa hẹp nào đó cho Rock. Lớp khán giả trẻ mới hiện nay, với sự tiếp cận đa dạng từ thế giới hơn hẳn thế hệ cũ, đã không còn tư duy nghe nhạc một màu theo kiểu "chỉ loại nhạc tôi yêu thích mới là âm nhạc". Lớp trẻ ấy cởi mở hơn. Họ có thể say sưa với rất nhiều lắc lư hiphop nhưng cũng vẫn biết đắm mình vào giai điệu đẹp, câu chuyện đẹp của Rock. Từ đó, những band nhạc như Ngọt, Chillies đã bắt đầu chinh phục khán giả số đông và tạo động lực cho kha khá nghệ sĩ đi sau mình.

Phải chăng, Rock Việt đã "chết"?- Ảnh 3.

Microwave và Chill sẽ là hai ban nhạc tham gia series Rock mới có tên Just Rock. Ảnh: FBNV

Các band Rock trẻ sau này bắt đầu chăm ra sản phẩm hơn. Những band nhạc như Giấy Gấp, Dấu Vân Tay, Cá Hồi Hoang, Gác Mái, Tầng 13… đã bắt đầu ý thức hơn về chuyện cần phải ra single liên tục để có cái mới cho khán giả. Họ cũng bắt đầu mềm hoá âm nhạc của mình bằng giai điệu dễ nghe hơn, ca từ gần gũi hơn. Nhưng thực tế, nỗ lực đó chỉ cho thấy sự thay đổi tích cực của Rock Việt so với chính nó cách đây hơn chục năm. Rock vẫn chưa thể nào so sánh sòng phẳng trên thị trường với các dòng nhạc khác khi mà đòi hỏi đầu tư luôn là vô tiền khoáng hậu.

Tín hiệu le lói hôm nay của Rock cần rất nhiều chiều kích để có thể khiến Rock "sống" thực sự, giúp nghệ sĩ Rock Việt chỉ chuyên tâm với nghề thay vì phải đi làm việc tay trái (hoặc phải) khác. Nó cần sự quan tâm lớn nhất từ những nhà sản xuất chương trình. Cơ bản nhất, những nhà sản xuất chương trình chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên họ luôn muốn chạy theo những thứ phổ cập, vốn hứa hẹn sự an toàn. Họ còn nhìn Rock bằng con mắt khá lạnh nhạt và chính điều đó, theo một vòng lặp, lại đẩy khán giả đại chúng vào chỗ "chỉ quen nghe một màu".

2024 đang hứa hẹn hơi với vài nhà sản xuất chương trình trẻ tuổi gan dạ với niềm đam mê rock của mình mà ví dụ điển hình nhất là show rock "Just Rock" ngày 8/3 tới đây ở nhà thi đấu Hồ Xuân Hương, TPHCM. Rock cần thêm những nhà sản xuất chương trình liều lĩnh như thế để tạo cho nó một sức sống thực thụ. Và phép thử giá vé, phép thử tài trợ sẽ xem họ kiên định được bao lâu với đam mê ấy. Nếu sự kiên định đủ để tập cho thị trường một thói quen, chắc chắn, lúc đó Rock sẽ có một đời sống đúng nghĩa.

Nhưng cơ bản hơn cả vẫn phải là khán giả. Chỉ có cách mở rộng tệp khán giả mới có thể kích thích nhu cầu và khiến nhiều nhà sản xuất chương trình quan tâm hơn tới rock. Khán giả Rock hiện nay có thể vẫn dễ dàng mở lòng nghe các thể loại nhạc khác (đây là thay đổi rất lớn so với thế hệ cũ) song đa số khá giả các dòng nhạc khác vẫn giữ định kiến về Rock như nhiều thập niên trước: ồn ào và kích động.

Và không chỉ các nhà sản xuất chương trình, chính các nhà tổ chức các giải thưởng cũng phải có sự quan tâm tới Rock. Nếu đặt các nghệ sĩ, tác phẩm Rock vào đề cử cùng với các dòng nhạc khác và đánh giá trên tiêu chí lựa chọn của công chúng, điều đó sẽ là "tiêu diệt rock" chứ không phải ủng hộ Rock. Rock là một thế giới khác biệt và nó cần được đặt ở một vị trí ghi nhận riêng, với giải thưởng riêng, trang trọng ngang hàng với các dòng nhạc phổ thông còn lại.

Hãy nhớ, truyền hình đã từng giúp sức cho Bức Tường ra sao để có thể hình dung ra chuyện các giải thưởng uy tín sẽ nâng tầm các band Rock hôm nay theo cách nào. Thêm một phần ủng hộ đó, Rock sẽ thêm sự ưu ái từ công chúng. Thêm sự ưu ái từ công chúng, nghệ sĩ Rock có thể sống với nghề và từ đó, Rock sẽ sống đúng nghĩa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem