Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Lâm Đồng: Dân giàu lên, nông thôn đáng sống hơn
Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Lâm Đồng: Dân giàu lên, nông thôn ngày càng đáng sống
Văn Long
Thứ sáu, ngày 19/08/2022 06:12 AM (GMT+7)
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 66.000 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”, trong đó có hàng ngàn hộ nông dân vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới...
Vừa qua, phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Tường Vi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng về kết quả 5 năm triển khai phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (nông dân SXKDG) giai đoạn 2017-2022.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi khẳng định: "Phong trào nông dân SXKDG trong 5 năm qua đã thực sự trở thành một phong trào chủ đạo nòng cốt trên địa bàn tỉnh. Phong trào đã lan tỏa, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp-lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng được nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn trước, số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp tăng hơn 7%. Các hộ có số hộ đạt danh hiệu trên cao như Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đơn Dương".
Theo bà Vi, trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phong trào như: Hỗ trợ vốn; hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công tác quản lý trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nông dân cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ thông tin, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa; Hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 66.200 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Trong đó, số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp Trung ương là 292, cấp tỉnh hơn 3.800 hộ, cấp huyện hơn 19.000 hộ và cấp cơ sở là hơn 42.000 hộ.
"Các cấp Hội thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, sinh động, từng bước đi vào chiều sâu, đảm bảo về chất lượng. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức hơn 16.000 buổi tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của Hội.
Thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền đã giúp chuyển biến nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về tư duy kinh tế, sản xuất gắn với thị trường. Từ đó, từng bước tiến tới sản xuất lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường", bà Vi thông tin.
Tác động to lớn đến hội viên, nông dân
Phong trào nông dân SXKDG tại Lâm Đồng đã tác động rất lớn đến cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh. Phong trào đã góp phần hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
Đặc biệt, phong trào đã đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói giảm nghèo và củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phong trào đã đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói giảm nghèo tại Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long.
"Nói đến phong trào này, chúng ta nghĩ ngay đến những nông dân làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm như ông Lê Sỹ Hòa (huyện Bảo Lâm) vừa được chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 với lợi nhuận hàng năm khoảng 6 tỷ đồng. Hay ông Nguyễn Minh Hoàng Diệp, trồng 10ha sầu riêng cho thu nhập bình quân khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm.
Thế nhưng, cần phải nhắc thêm đến những nông dân SXKDG nhưng tích cực tham gia phong trào hội, đoàn kết giúp nhau làm giàu, phát triển kinh tế, giảm nghèo. Tiêu biểu như ông Nguyễn Hữu Trí (TP.Đà Lạt) với mô hình trồng hoa lily trên giá thể, thu nhập bình quân từ 5-7 tỷ đồng/ha/năm. Ông Trí còn đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng các công trình ở địa phương, xây dựng nhiều nhà tình thương. Bên cạnh đó, ủng hộ các hộ khó khăn 150 triệu đồng, 4 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác...", bà Vi cho biết.
Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Tường Vi, phong trào vẫn còn chưa đồng đều giữa các địa phương. Công tác tuyên truyền chưa làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận nông dân trong khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua lao động sản xuất, khai thác thế mạnh nông nghiệp của địa phương để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Ngoài ra, một số đơn vị khi xét các hộ nông dân đạt danh hiệu thi đua các cấp chưa quan tâm đến các tiêu chí giúp nhau giảm nghèo, tham gia các hoạt động xã hội...làm cho kết quả của phong trào chưa toàn diện. Việc xây dựng và tổ chức nhân rộng mô hình nông dân SXKDG còn lúng túng và thiếu nguồn lực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.