Phu trầm ở rừng Trăm Tỷ

Thứ tư, ngày 23/03/2011 15:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên có khu rừng tên là rừng Trăm Tỷ. Nhiều năm qua, hàng ngàn người đã đến đây đào xới để tìm trầm, với hy vọng được mau chóng đổi đời.
Bình luận 0

Thứ trầm mà họ đào xới để tìm là trầm bì. Khu rừng này ngày xưa có 2 loại cây dó tạo trầm - dó bầu tạo kỳ nam và dó gạch tạo trầm bì. Cây dó bầu sau một thời gian bị khai thác đã tuyệt chủng. Riêng cây dó gạch, trước đây những người đi khai thác dùng rựa bửa vào thân cây để tìm trầm sánh, khiến cây gãy gục. Khi gục xuống, bị chôn vùi dưới lá rừng, cây này lại sinh ra trầm cám bám ngoài da, gọi là trầm bì.

img
Cả khu rừng rộng lớn, hàng trăm phu trầm dàn hàng ngang cuốc đất xới đất rừng.

Giá trầm bì không cao như kỳ nam, nhưng nếu trúng lớn vẫn có trăm triệu đến bạc tỷ. Vì thế, nhiều năm qua, khu rừng này chưa có lấy một ngày bình yên bởi dân cuốc đất tìm trầm bì.

"Phân lô" rừng già

Khu rừng Trăm Tỷ rộng cả nghìn hecta, tính từ xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) đến dốc Bom (giáp ranh làng Mèo, tỉnh Gia Lai), vậy mà giờ đây không một chỗ nào không có dấu cuốc của dân tìm trầm. Chúng tôi theo chân phu trầm Phạm Thành Đồng vào rừng. Đi không bao xa đã gặp hàng trăm người dàn hàng ngang dưới bóng cây già, tay cầm cuốc lật từng nhát đất để moi tìm trầm bì.

img Cây dó bầu tự nhiên giờ là cây cổ tích. Sẽ không còn ai nhìn thấy chúng trong khu rừng hơn 20.000ha này. img

Theo lời ông Đồng, khu rừng già rộng lớn này đã bị cuốc đi cuốc lại 2-3 lần, cuốc đến nỗi thục (xốp) đất luôn. "Có người đi trước cuốc rất kỹ mà không thấy chi, nhưng người đi sau liếc qua lại phát hiện. Đầu tháng 2 vừa rồi, có người đi sau mà trúng mấy khúc trầm, bán được 200 triệu đồng, sau đó họ mua gà, đầu heo lên cúng" - ông Đồng kể.

Chúng tôi len lỏi vào rừng và không tin nổi mắt mình, chỗ nào cũng thấy người. "Riêng vạt rừng này rộng 200ha, mà người đông đến nỗi mỗi người chỉ được "chia"có 300m2 để tìm trầm"- phu trầm Nguyễn Văn Hùng (thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1) cho biết. Dù đông vậy nhưng đất "của" ai người ấy làm, không tranh giành.

Có những quy định bất thành văn nhưng được tôn trọng trong chốn rừng sâu này: Khi ai đó trúng trầm thì không được cuốc thêm nhát nào nữa, chỉ lấy trầm và chạy về mua gà, vàng mã lên cúng. Cúng xong nếu thích đào tiếp mới được đào. Mà ai đã đặt cuốc chỗ nào thì người khác không được đụng đến, dù biết đó là nơi có trầm.

Trong rừng Trăm Tỷ, vắt nhiều vô kể. Phu trầm sợ nhất là loại vắt này. Anh Trần Văn Cường - một phu trầm lâu năm, ngán ngẩm: "Vắt rừng đu trên lá cây bắt hơi người, chớp cánh bay ào ào. Loại này hút máu không kém gì đỉa đói. "Món" thứ 2 mà ai cũng phải sợ nữa là cây lát nai. Cây này lá bén như dao lam, ai bước qua vô ý chạm phải thì da thịt bị cứa chảy máu ròng ròng.

Am giữa rừng sâu

Đi giữa rừng sâu, chúng tôi bắt gặp những cái am nghi ngút khói hương khiến ai nấy nổi da gà. Nào là am ông Tèo, am ông Cư, am ông Minh… Đây là nơi thờ cúng người đã bỏ mạng giữa chốn rừng thiêng nước độc khi đi tìm trầm.

img Ngoài vắt hút máu, cây lát nai, phu trầm phải chịu đựng sốt rét rừng hành hạ. Nhiều người sau nhiều chuyến đi trầm về trở "thân tàn, ma dại". Có người bị sốt rét, bò không nổi, phải nhờ bạn đi cùng cõng về... img

Cách đây khoảng 3 tháng, ông Nguyễn Ngọc Cư (thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1) đang ngồi ăn cơm trưa thì bất ngờ một nhánh cây khô rơi xuống trúng đầu, ông gục chết tại chỗ. Trước đó, anh Nguyễn Văn Minh (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) trong một lần dời trại bị trượt chân rơi xuống vực sâu, chết không một lời trăn trối…

Ai "ra đi" chỗ nào thì bạn trầm dựng cho cái am thờ chỗ đó. Trong đó, am "thiêng" nhất mà dân trầm phải vái khi bước chân vào khu rừng này là am "bà cậu". Thấy chúng tôi tò mò sao lại là "bà cậu", ông Chín Thanh - một phu trầm, kể: Hồi chống Pháp có một nữ cán bộ bị địch bao vây kẹt ở rừng sâu này. Khi đó bà lại đang có thai. Cậu con trai chào đời vài hôm thì cả hai mẹ con cùng trút hơi thở cuối cùng vì lạnh và đói. "Bà cậu" ở đây là bà mẹ và cậu con trai. Cả hai rất "linh", ai lỡ nói phạm gì tới họ là tai họa ập đến liền, dân làm trầm sợ nhất là am này.

Trầm cổ tích

Cũng không phải trầm bì chỉ là câu chuyện tưởng tượng. Thực tế, đã có một số người trúng bạc tỷ. Ở huyện Đồng Xuân có những thôn mà hầu hết người dân sống bằng nghề tìm trầm bì. Trong đó có thôn khá lên, như Kỳ Lộ (Xuân Quang 1). "80% nhà ở thôn này có xe tay ga từ trầm mà ra"-một cán bộ xã Xuân Quang 1 thổ lộ.

Việc hàng ngàn người cần mẫn cuốc đất trong rừng cũng có cái lợi là làm cho đất rừng tơi xốp. Nhờ vậy mà cây rừng nói chung, các loại cây gỗ quý nói riêng (như chò, sến, cứt sắt, bằng lăng…), có điều kiện phát triển tươi tốt, cao hàng chục mét, thẳng đuột. Theo phu trầm Phạm Thành Đồng, khu rừng này thời chiến tranh bị rải chất độc hóa học, cây cối trơ trụi. Nhờ dân tìm trầm cuốc xới mà khu rừng hồi sinh.

Tuy nhiên, điều tai hại dễ thấy là các loại cây tạo trầm, nhất là dó bầu tự nhiên, bị dân săn trầm làm cho tuyệt chủng. Điều lo ngại hơn là nạn cháy rừng do dân tìm trầm gây ra. Hàng chục ngàn con người tập trung vô rừng, nấu cơm, thắp nhang, hút thuốc... là những nguy cơ gây ra cháy rừng, nhất là khi mùa khô đang đến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem