Ông Nguyễn Minh Hồng cho biết: Chương trình đưa thông tin về cơ sở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ (giai đoạn 2011-2015), nhằm phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, tuyên truyền giữa các vùng miền; tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
|
Cùng với Internet, nhiều ấn phẩm báo chí đã đến tận tay nông dân Quảng Ninh. |
Chương trình gồm 3 dự án thành phần: Tăng cường năng lực cán bộ thông tin truyền thông (TT-TT) cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống TT-TT cơ sở; tăng cường nội dung TT-TT về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trong hơn 1 năm thực hiện chương trình này, tỉnh Quảng Ninh đã cụ thể hóa những mục tiêu nói trên như thế nào, thưa ông?
- Dù không phải là một trong những địa phương được Bộ TT-TT chọn làm điểm, nhưng Quảng Ninh đã tích cực, chủ động xây dựng chương trình cụ thể, sát hợp với điều kiện của tỉnh. Trong đó có chỉ tiêu cụ thể như đưa Internet về đến 100% nhà văn hóa thôn, bản; phủ sóng phát thanh, truyền hình đến 100% xã (đến nay đã phủ đến hơn 90% xã, riêng đảo Cô Tô đã có 100% số hộ được tỉnh trích kinh phí mua tặng chảo thu tín hiệu vệ tinh). Tỉnh cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ đưa các ấn phẩm báo chí thiết thực đến người dân nông thôn.
Là tỉnh có địa bàn rộng, gồm cả miền núi và hải đảo, liệu tiến độ đưa Internet về thôn bản có đảm bảo mục tiêu đề ra?
- Mục tiêu chung của tỉnh là đến năm 2015, đảm bảo cho 100% nhà văn hóa thôn, bản (hay nhà văn hóa cộng đồng) có điểm truy cập Internet. Nhưng Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện, phấn đấu đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành mục tiêu này để phù hợp và đồng bộ với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh vào năm 2014.
Khi mỗi thôn bản xây xong nhà văn hóa, cơ sở hạ tầng đi kèm và có nhân sự quản lý (những hạng mục này tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban Xây dựng Nông thôn mới của tỉnh và các địa phương làm đầu mối thực hiện), Viễn thông Quảng Ninh và các trung tâm của doanh nghiệp này sẽ đến lắp đặt modem, đường dây miễn phí. Riêng máy tính sẽ do Chương trình Nông thôn mới trang bị.
Người dân nông thôn sẽ được hưởng lợi ích cụ thể nào từ chương trình này?
- Khi đã có mạng lưới Internet về tận thôn, bản, người dân và cán bộ địa phương có thể khai thác thông tin nói chung và thông tin chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn, kỹ thuật phục vụ sản xuất, thông tin thị trường... Trước đây chúng ta xây dựng tủ sách truyền thống, nay với Internet, các thôn, bản sẽ xây dựng “tủ sách điện tử”, khai thác kho tư liệu điện tử, tìm hiểu kỹ thuật, tìm câu trả lời cho câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì, bán ở đâu, giá bao nhiêu.
Nhưng thực tế hiện nay là rất ít người dân biết cách vào mạng và khai thác hiệu quả thông tin trên mạng. Ai sẽ giúp họ cụ thể hóa được những lợi ích nói trên?
- Chúng tôi đã tính đến điều này. Khi có điểm kết nối Internet ở nhà văn hóa thôn bản, cần có người quản lý tài sản, biết cách sử dụng và khai thác tài nguyên Internet, hình thành thư viện điện tử, kho tư liệu dùng chung cho người dân tham khảo, hoặc hướng dẫn cho người dân biết cách khai thác Internet. Còn về đào tạo, Ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh, Viễn thông Quảng Ninh và các địa phương sẽ phối hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho họ.
Nguồn nhân lực này sẽ được lấy từ đâu?
- Các địa phương đang tham mưu cho tỉnh về nội dung này. Có nơi đề nghị giao cho tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, có nơi giao cho Cựu Chiến binh, Hội Nông dân… Giao cho ai thì cũng phải là người cẩn thận, đủ năng lực và điều kiện làm nhiệm vụ. Chúng tôi đang nghiên cứu và có trách nhiệm tham mưu cho tỉnh về vấn đề này.
Vậy kinh phí để trả lương cho lực lượng này được lấy ngân sách hay người dân phải đóng góp?
- Chi phí hay thù lao cho người quản lý là sẽ phải xã hội hóa, địa phương hoặc người dân phải cộng đồng trách nhiệm.
Việc trang bị, lắp đặt Internet và thư viện dùng chung là một chỉ tiêu phải hoàn thành trong năm 2011, theo đó 50% số thôn trong tỉnh (toàn tỉnh Quảng Ninh có 994 thôn, bản) được trang bị hệ thống máy tính, tủ sách, kết nối Internet. Ban xây dựng nông thôn mới cùng đơn vị tư vấn đã hoàn thiện Dự án, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, nhưng đến nay vẫn đang chờ được phê duyệt.
(Nguồn: Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới Quảng Ninh)
Ông đánh giá kênh thông tin báo chí có vai trò như thế nào trong chương trình đưa thông tin về cơ sở ở Quảng Ninh?
- Chúng tôi coi trọng kênh thông tin báo chí, vì báo chí là một trong những phương tiện thiết thực trong việc đưa thông tin về cơ sở, đồng thời phản ánh sinh động thực tiễn cơ sở, giúp chính quyền địa phương thêm một kênh để nắm bắt tình hình, quản lý xã hội hiệu quả hơn.
Ngoài báo Nhân Dân và báo Quảng Ninh phát hành đến tận các chi bộ, hiện có số lượng khá lớn các báo Trung ương đã về đến tận cơ sở như: Báo Nông Thôn Ngày Nay về đến tận các thôn, bản, báo Lao Động về đến tận cơ sở sản xuất, công ty, báo Thanh Niên về đến tận các cơ sở Đoàn Thanh niên…
Chúng tôi hy vọng báo Nông Thôn Ngày Nay nói riêng và báo chí nói chung góp phần đắc lực và hiệu quả hơn nữa cho Chương trình đưa thông tin về cơ sở và Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Sơn – Anh Tuấn (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.