Quanh chuyện đạp đổ cổng trường và bài văn điểm 0

Thứ tư, ngày 16/05/2012 19:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về 1 bài văn “lạ”, có câu: “Còn bạo lực về cả vấn đề tâm lý, hay người ta còn gọi là "khủng bố" tinh thần. Ví dụ là học sinh không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong giờ học...
Bình luận 0

Bài văn mà một tờ báo cho là “bá đạo” này tất nhiên nhận điểm 0, nhưng nó lại nhận hàng trăm bình luận, hàng ngàn tán thưởng. Thậm chí, cả chục ý kiến cho rằng bài luận, theo “phong cách toán lý”- đang nói trúng vấn đề chất lượng sống của học sinh… trường mình.

Không biết là chất lượng sống có ảnh hưởng gì tới bạo lực học đường hay không, chỉ biết là bạo lực học đường giờ không thuần túy chỉ là những vụ “nữ sinh tát bạn hộc máu mồm”. Ở Quảng Nam, án mạng đã xảy ra khi 2 học sinh lớp 10 rút dao giết chết bảo vệ nhà trường. Sau khi gây án, cả hung thủ vị thành niên về phòng nội trú tắm rửa rồi... đi ngủ.

Câu hỏi ngay lập tức được đặt ra: Vì sao những học sinh lớp 10 lại chọn bạo lực để giải quyết câu chuyện tưởng như là rất nhỏ? Hình như câu chuyện ở Bắc Trà My liên quan ít nhiều đến Đại học FPT ở Hà Nội và THCS Tân Phú ở Bình Phước.

Ở thủ đô, Đại học FPT vừa đưa những sinh viên trễ nộp học phí, bất cần biết lý do vào diện “tự ý nghỉ học”- và bắt nộp 100USD để được học tiếp. Một mức phạt được cho là “nặng hơn cả vay nặng lãi”.

Còn phụ huynh học sinh ở Bình Phước thì “há mồm” khi hay tin Ban Giám hiệu Trường THCS Tân Phú đọc tên rồi “mời ra khỏi phòng thi 31 học sinh bán trú chỉ vì các em còn... nợ tiền cơm. Trả lời báo chí sau đó, bà hiệu trưởng cho biết, chính bà yêu cầu giám thị làm vậy với lý do “sắp nghỉ hè, sợ khó thu tiền ăn còn nợ”.

Hình như không tuần nào không xuất hiện những câu chuyện tiền bạc, đạo lý, chuyện bạo lực, tình dục xảy ra trong các trường học mái trường. Thế nên, chẳng cần phải dóng chuông báo động làm gì vì quá nhàm, rất nhiều phụ huynh đã chầu chực xếp hàng cả đêm để mua đơn xin học cho con em mình vào bằng được trường “thực nghiệm”. Dường như, các bậc phụ huynh đã mất hẳn niềm tin vào các trường không... “thực nghiệm”.

Câu chuyện cánh cổng bị đạp đổ đang cho thấy có rất nhiều cánh cổng khác trong ngành giáo dục cần được mở ra. Bởi đây cũng không phải chỉ là câu chuyện “bắc cầu Kiều” trong đạo học- đơn giản là phụ huynh chỉ muốn con em mình được đi học, học một cách đàng hoàng và an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem