“Số hoá” di sản: Đi tìm những thế giới đã mất

Thứ sáu, ngày 29/10/2010 12:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Số hoá di sản" giúp đem lại nhiều lợi ích trong tái tạo, nghiên cứu, quảng bá, tham quan di sản cũng như những hoạt động sáng tạo nghệ thuật liên quan.
Bình luận 0
img
 Đinh Việt Phương

NTNN đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư trẻ Đinh Việt Phương  - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty 3D Hà Nội.

Cho đến nay thì công nghệ số hoá di sản của các bạn đã được ứng dụng như thế nào?

- Năm 2004 chúng tôi bắt đầu dự án phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng 3D. Sau đó là quá trình số hoá không gian Hoàng thành Thăng Long và nhiều di sản khác của Hà Nội cùng những hoạ tiết, hoa văn, chi tiết kiến trúc, mỹ thuật trong các công trình của Hoàng thành. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu số hoá không gian Sài Gòn cổ xưa để hướng tới kỷ niệm Sài Gòn 310 năm.

Vậy có khó khăn gì khi các bạn xuất thân là kiến trúc sư chứ không phải là các nhà hội hoạ, khảo cổ…?

- Cái khó là nguồn tư liệu. Có tư liệu đến đâu, chúng tôi làm đến đấy. Thực chất, đây là cuộc chơi liên ngành khi phải tìm hiểu, ứng dụng kết quả nghiên cứu của nhiều ngành vào việc tạo dựng các không gian, hình ảnh.

Tôi rất mê và hội thảo nào về Hoàng thành cũng cố tìm đến, nhưng cũng thấy lạ là hội thảo của ngành kiến trúc thì không có nhà khảo cổ, hội thảo của lĩnh vực hội hoạ thì không có ngành lịch sử… Dựa trên các kết quả nghiên cứu, với cách hình dung và tính toán có cơ sở của chuyên môn kiến trúc, xây dựng, chúng ta có thể chứng minh những phán đoán, giả thiết về quy mô, hình thức di sản có hợp lý hay không... Từ đó sẽ tái tạo lại được rất nhiều thứ đã mất.

Vậy các bạn có quan tâm những thứ đang tồn tại?

- Kể cả những gì đang còn lại thì cũng có sự mai một theo thời gian. Với những công trình, hiện vật này, số hoá giải quyết vấn đề bảo quản hình thức và thông số của chúng bằng công nghệ, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu quảng bá.

Và như vậy sẽ có rất nhiều ứng dụng, kể cả một hy vọng cho sự kết nối với nghệ thuật điện ảnh?

- Đúng vậy! Tuỳ theo nhu cầu của các thành phần công chúng khác nhau mà ta có thể có ứng dụng phù hợp. Ví dụ như phục vụ cho các chuyên gia trong công tác truyền thông khoa học, phục vụ người dân khi muốn thưởng thức không gian, hiện vật cổ trên mạng với những thao tác nhanh gọn và dễ dàng. Còn điện ảnh thì hoàn toàn có thể để tạo ra những cảnh nền đồ sộ, hoành tráng và như thật của các đền đài, thành quách, lăng tẩm…

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem