Tổng thống Putin đã được sự cho phép
của Duma quốc gia để thực hiện các hoạt động quân sự nhằm bảo vệ các
công dân Nga cũng như lợi ích của họ tại khu tự trị Crimea. Quân đội
Ukraine cũng đã ra lệnh cho quân đội chuyển sang tình trạng báo động
cao.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot của Ukraine có sức mạnh ngang T-90 Nga nhưng số lượng là rất ít, không đáng kể.
Một câu hỏi đang được dư luận thế giới
quan tâm là quân đội Ukraine có đủ sức chống đỡ một cuộc can thiệp quân
sự từ Moscow. So với Gruzia họ có dễ dàng bị Nga “xơi tái” như 5 năm về
trước không?
Nắm đấm tăng thiết giáp
Không còn nghi ngờ gì nữa, tăng thiết
giáp chính là lực lượng hỏa lực mạnh nhất bây giờ của quân đội Ukraine.
Kiev từng là một phần của nền công nghiệp xe tăng hùng hậu dưới thời
Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, Kiev nắm trong tay nhiều công nghệ và nhà
máy quan trọng để có thể độc lập xây dựng nền công nghiệp xe tăng của
riêng mình. Thực tế thì Kiev đã bắt đầu xuất khẩu xe tăng ra thế giới.
Mạnh nhất trong lực lượng tăng thiết
giáp Ukraine là xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot, đây là một sản
phẩm do Ukraine chế tạo dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 do Liên
Xô sản xuất trước đây. T-84 được đánh giá là một đối thủ đáng gờm của xe
tăng T-90 Nga.
Tuy nhiên, số lượng T-84 của Ukraine
chỉ vỏn vẹn khoảng hơn 10 chiếc nếu so với lực lượng gần 800 chiếc T-90
của Nga thì chẳng khác nào “châu chấu đá xe”. Mạnh thứ 2 trong lực lượng
tăng thiết giáp của Kiev là “xe tăng bay” T-80UD khoảng 271 chiếc đang
hoạt động. Số xe tăng bay T-80UD này cũng chẳng thấm vào đâu so với
4.500 chiếc T-80 của Nga. Mặc dù Nga đã ngưng sử dụng T-80 nhưng con số
271 chiếc T-80UD của Ukraine rất khó để làm nên sự khác biệt.
Xe tăng “bảo quốc” T-64 có khoảng
2.281 chiếc cùng 76 chiếc T-64BM Bulat nâng cấp. Ukraine có khoảng 1.300
chiếc T-72, trong khi đó con số T-72 của Nga khoảng 2.200 chiếc, phần
lớn trong đó đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn T-72B2/B3. Moscow còn
khoảng 8.000 chiếc T-72 đang dự trữ nhưng chắc họ chẳng cần dùng đến.
Lực lượng xe chiến đấu bộ binh của hai
bên khá đồng đều nhau, phần lớn những loại xe chiến đấu bộ binh này đều
được sản xuất dưới thời Liên Xô như: BMP-1/2, BTR-60/70/80…MB-LT. Tổng
cộng Ukraine có khoảng 6.431 chiếc đang hoạt động, con số này của Nga
khoảng 20.000 chiếc trong đó có khoảng 6.100 chiếc đang hoạt động.
Xe tăng T-90 Nga.
Pháo binh các loại Ukraine cũng rất
mạnh, họ có trong biên chế hầu hết các loại pháo tự hành mà Nga đang có
như: 2S19 Msta-S, 2S3 Akatsiya, 2S1 Gvozdika, pháo kéo xe D-20 152mm,
D-30 130mm tổng cộng khoảng 1.646 khẩu. Đáng chú ý là Ukraine có trong
biên chế khoảng 100 dàn pháo phản lực bắn loạt được đánh giá mạnh nhất
thế giới hiện nay BM-30 Smerch tầm bắn 90km.
Ukraine cũng có một quân bài chiến
lược rất quan trọng là tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka tầm bắn
180km. So với Iskander của Nga thì nó không mạnh bằng nhưng hoàn toàn
thể gây tổn thất lớn cho lực lượng quân sự Nga nhất là hạm đội biển Đen.
Xét về lực lượng tăng thiết giáp, Nga
có sự vượt trội về chất lượng và số lượng nhưng điều đó không có nghĩa
là Nga sẽ dễ dàng với một cuộc chiến tại đây. Gruzia có thể cho thấy
rằng lực lượng tăng thiết giáp của Nga rất dễ gặp tổn thất nhất là ở
khu vực đô thị.
Nếu Nga ở phía tấn công, S-300 của Ukraine là mối nguy hiểm rất lớn.
Phòng không - lực lượng răn đe mạnh nhất
Phòng không chính là lực lượng mạnh
thứ 2 của Kiev sau tăng thiết giáp. Họ có trong biên chế hầu hết các hệ
thống phòng không mà Nga đang có (ngoại trừ S-400). S-300P/PS, S-300V,
S-200V, 9K37 Buk, Buk-M1/2. 9K33 Tor..sẽ là những thách thức vô cùng to
lớn đối với một chiến dịch không kích của Nga vào Ukraine. Ngay như Mỹ
cũng chưa dám động binh với Syria vì thông tin Nga đã chuyển giao S-300
cho Damascus.
Bán kính tác chiến của phòng không
Ukraine lên đến 250km, nếu Nga sử dụng lại kịch bản như họ đã từng sử
dụng ở Gruzia sẽ gặp nhiều bất lợi bởi hệ thống phòng không đồ sộ này.
Cần nhớ rằng Kiev sở hữu nhiều hệ thống radar tối tân trong đó đáng chú ý
nhất là hệ thống trinh sát điện từ thụ động Kolchuga.
Với mạng lưới radar đồ sộ, Không quân
Nga sẽ bị vạch mặt sớm bởi lực lượng radar cảnh giới này. Lợi thế áp đảo
về số lượng và chất lượng của Không quân Nga có thể bị lực lượng phòng
không Ukraine trung hòa nó. Lực lượng phòng không chính là trở ngại lớn
nhất đối với kế hoạch không kích nếu có của Nga vào Ukraine.
Mặc dù có lực lượng phòng không mặt
đất rất mạnh nhưng Không quân Ukraine lại khá yếu. Họ chỉ có khoảng 36
chiếc Su-27, 80 chiếc MiG-29, 59 chiếc Su-24. Lực lượng không quân này
chắc chắn khó lòng gây được trở ngại nào lớn cho Không quân Nga.
Tiêm kích Su-27 của Không quân Ukraine.
Hải quân chưa đánh đã thua
Hải quân chính là lực lượng yếu nhất
của Ukraine, “vốn liếng” của họ chỉ là 27 chiếc tàu chiến cũ kỹ được
đóng dưới thời Liên Xô. Họ không có chiếc tàu chiến nào được trang bị
tên lửa chống hạm nên năng lực tác chiến rất hạn chế.
So với quy mô của Hạm đội biển Đen,
Nga đóng chân tại Sevastopol thì Hải quân Ukraine chỉ như “tí hon so với
gã khổng lồ”. Mặc dù, Nga vẫn chưa có hành động cụ thể nào về khả năng
can thiệp quân sự vào Ukraine nhưng chiếc tàu chiến lớn nhất, hiện đại
nhất của nước này như Hetman Sahaydachny đã treo cờ Nga thay vì lá cờ
đất nước mình. Điều đó cho thấy rằng “Hải quân Ukraine chưa đánh đã tự
thua”.
Mặc dù một cuộc can thiệp quân sự của
Nga vào Ukraine vẫn chỉ là một trong các khả năng có thể xảy ra nhưng
điểm qua thực lực quân đội của Ukraine cho thấy sức chiến đấu của họ tập
trung chủ yếu vào lực lượng tăng thiết giáp, khả năng phòng ngự chủ yếu
dựa vào lực lượng phòng không.
Tuy nhiên, điểm mặt vũ khí trang bị đôi bên chỉ là một trong nhiều yếu tố cần và đủ để dành chiến thắng trong một cuộc chiến.
Kiến Thức (Theo Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.