Sốc với chiêu bôi dầu ăn lên mặt của sách dạy làm đẹp

Tử Đằng Thứ hai, ngày 01/02/2016 18:59 PM (GMT+7)
Một cuốn sách làm đẹp của 2 blogger Việt khuyên người dùng bôi dầu ăn lên mặt để làm dịu da.
Bình luận 0

Một cuốn sách hướng dẫn các phương pháp chăm sóc nhan sắc của 2 blogger nổi tiếng vừa được xuất bản đã nhận phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng những người mê làm đẹp Việt Nam. Một số lời khuyên trong sách được phát hiện ra sai về kiến thức cơ bản. Nếu áp dụng theo thì người dùng có thể gây hại đến làn da của chính họ. 

img

img

Chỉ dẫn bị cộng đồng mê làm đẹp "ném đá"

Cụ thể, trong sách có mục "Liệu trình làm dịu da 0 đồng của bạn". Theo phân tích cùa nhiều người đọc, bản thân tên của mục đã là một hình thức đánh tráo khái niệm. Cuốn sách có đề cập tới các phương pháp dùng sản phẩm thiên nhiên như yến mạch, mật ong, hay sữa chua... để dưỡng da. Những thứ này thực tế thường có sẵn trong nhà bếp, tuy nhiên chúng đều có giá trị, đều phải tốn chi phí để mua chứ không hề "vô giá" như tác giả bài viết nêu.

Tuy nhiên phần sai lầm nghiêm trọng nhất là hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để "làm dịu da" sau đó "nếu phải ra đường, đừng quên kem chống nắng". Bản chất da mặt là một trong những vùng da nhạy cảm nhất trên cơ thể. Dưới da còn có bộ máy sản xuất dầu cộng thêm đặc thù không khí tại Việt Nam vốn bức bí khiến lỗ chân lông khó thông thoáng. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người Việt phải đối phó với "đại dịch" mụn dai dẳng. Đối với da mụn, việc dưỡng da phải hết sức cẩn trọng. Việc khuyên bôi dầu ăn lên da là một lời chỉ dẫn đặc biệt nguy hiểm với da tổn thương và da mụn. 

img

Bất cứ nguyên liệu nào trong chỉ dẫn cũng đều tốn tiền chứ không hề "0 đồng" như các bạn tác giả nêu

Tại các hãng mỹ phẩm luôn có những loại dầu đặc thù riêng được tinh chế và lọc sạch mọi tạp chất, làm nhẹ dầu để da dễ thẩm thấu. Trong khi đó dầu ăn không phải dầu dùng trong mỹ phẩm, không được bất cứ một chuyên gia da liễu nào khuyến khích dùng trên da, kể cả loại dầu extra de virgin. 

Một yếu tố nữa là khi chọn dầu sử dụng trên da, về cơ bản, người dùng còn phải hiểu được loại dầu nào phù hợp với mình dựa trên tỷ lệ các chất lauric acid, punicic acid (omega-5), gamma-linolenic acid(omega-6), linoleic acid(omega-6), oleic acid(omega-9), gadoleic acid, erucic acid... Có những loại dầu phù hợp với đặc thù da của người này nhưng lại không thích hợp với đặc thù da của người khác. Trong số các loại dầu được sách khuyên dùng, dầu olive (loại dùng nấu ăn) là một trong những loại dầu nặng, có thể gây bí lỗ chân lông, dễ bị mụn và viêm nặng hơn.Vì vậy lời khuyên "dầu ăn, dầu oliu hoặc bất cứ loại dầu ở nhà bạn: Các loại dầu này có khả năng ngăn mất nước qua da và trám vào phần thế trận nội bào hư hỏng" mang tính chất chung chung và thiếu cẩn trọng. 

Thêm vào đó, trong một nghiên cứu của Tiến sĩ da liễu Rachael Eckel (Anh quốc) cho biết lạm dụng dầu dưỡng ẩm cho da còn khiến da mất dần đi khả năng điều hòa độ ẩm tự nhiên. Nghiên cứu này cũng khẳng định về lâu dài, dầu, kể cả dầu do chính cơ thể sản sinh, là nguyên nhân khiến da xuống cấp. Thay vì đó, người dùng nên chú trọng cấp ẩm bằng nước.

Một trong những điểm không đúng khác trong cuốn sách đó là chỉ ra trong sữa chua, sữa bò, sữa chua chứa acid citric. Đây là sai lầm cơ bản bởi trong sữa chứa acid lactic còn axit citric có trong các loại hoa quả. 

img

Tác giả chỉ ra trong sữa có chứa axit citric

Ngoài ra trong sách nêu một số chi tiết khiến những người yêu làm đẹp không hài lòng như hút dầu bằng bột ngô hay hướng dẫn tẩy da chết bằng đường. Tác giả không chỉ rõ khi thực hiện nên dùng loại đường thật mịn. Đường hạt quá to có thể gây trầy xước, tạo những vết thương nhỏ trên da dẫn tới viêm nhiễm. Ngoài ra dùng bột sắn, bột ngô không sạch sẽ làm tình trạng mụn trên da thêm trầm trọng. 

Nhiều độc giả cho rằng kiến thức trên sách cần được kiểm tra kỹ càng, bởi sách là nguồn tìm kiếm thông tin đáng tin cậy hàng đầu. Do đó, những kiến thức sai lệch có thể gây ảnh hưởng xấu khó lường. 

Trước làn sóng phản đối từ cộng đồng người mê làm đẹp, TĐ, đồng tác giả của cuốn sách và cũng là người sáng lập ra một cơ sở đào tạo làm mỹ phẩm, đã trần tình trên trang cá nhân: "Chúng mình chưa dám tự nhận là chuyên gia, không phải đi dạy đời. Và các cuốn sách nước ngoài cũng vậy, họ phát hiện các vấn đề ở bản trước, họ làm những edition (ấn bản) sau để cập nhật. Mỹ phẩm cũng thế. Có thành phần được dùng rộng rãi, sau lại bị cấm."

Tuy nhiên phản ứng này của TĐ vẫn khiến nhiều người bức xúc. Có không ít ý kiến cho rằng lời phân trần đồng tác giả của cuốn sách chỉ mang tính chất bao biện và vô trách nhiệm.

"Chờ đến khi có ấn bản sau thì nhiều người đã làm theo và rước họa vào thân. Trong sách có quá nhiều chi tiết sai mà người làm nghề như các bạn ấy không được phép mắc. Mình không thể chấp nhận nổi lời giải thích này." - Một độc giả bày tỏ rõ sự bất bình. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem