Sống khổ bên khu công nghiệp

Thứ năm, ngày 25/11/2010 19:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vật nuôi nhiễm bệnh và chết, ao hồ phải bỏ hoang, giếng nước nhiễm độc… là tình cảnh mà hàng nghìn hộ dân xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế phải gánh chịu do nước thải từ Khu công nghiệp Phú Bài.
Bình luận 0

 Nhiều người dân xã Thủy Phù sốt sắng dẫn chúng tôi ra “kích mục” sông Phú Bài đang “giãy chết”.

Dòng sông bao đời là nơi tắm giặt của người dân nay đã bị nước thải biến thành dòng sông chết. Nước sông có màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc, mặt nước nổi váng đặc quánh. Người dân cảnh báo: “Lội xuống là da sẽ nổi ngứa và bị lở loét. Tôm cá dưới sông hầu như đã chết sạch rồi”.

Tiệt đường sống

img
Nguyễn Thị Vân bên những con trâu bị lở loét nặng do ảnh hưởng từ nước thải

Từ khi sông Phú Bài bị đầu độc, người dân các thôn của xã Thủy Phù sống cạnh con sông này bị triệt đường sinh nhai. Đưa chúng tôi ra xem 4 hồ nuôi ba ba của gia đình đã bỏ hoang từ 1 năm nay, anh Nguyễn Đăng Tuấn (thôn 2), thở dài: “Bỏ hàng chục triệu đồng xây hồ nhưng nuôi được vài vụ thì ba ba nhiễm bệnh và chết nên phải bỏ hoang hồ nuôi”.

Nhiều hồ nuôi cá của gia đình anh Tuấn cũng đã phải bỏ không lâu nay do cá bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Nguyên do là các hồ nuôi này phải lấy nước từ sông Phú Bài trong khi nước sông đã bị ô nhiễm nặng nề.

“Trước đây 1 năm nhà tui lãi ròng 40-50 triệu đồng từ nuôi cá và ba ba, chừ phải bỏ nghề nên đời sống rất khó khăn”- chị Phan Thị Hảo, vợ anh Tuấn, kể. Tương tự, 114 hộ dân khác ở thôn 2 cũng rơi vào cảnh sạt nghiệp vì nước thải Khu công nghiệp Phú Bài khiến các ao nuôi cá, ếch, ba ba của họ phải bỏ hoang.

Chưa hết, 264 hộ dân thôn 7 đang lo đến mất ăn mất ngủ vì trâu nuôi có hiện tượng lở loét. “Dù đã bôi thuốc rất nhiều nhưng các vết lở loét vẫn lan rộng, ăn vào tận xương, một số con phải nằm tại chỗ vì không đi lại được”- chị Nguyễn Thị Vân vừa loay hoay xức thuốc lên hàng loạt vết lở loét cho đàn trâu nhà mình, vừa kể.

Ông Nguyễn Anh - Trưởng thôn 7 cho biết, toàn thôn đã có hơn 50 con trâu bị lở loét nặng khiến người dân rất hoang mang. “Nhà tui có 7 con thì cả 7 con đều bị lở loét. Do đây gần khu công nghiệp, trâu ăn cỏ và đằm ở nơi có nước thải nên mới bị loại bệnh lạ này”- ông Anh khẳng định. Đã nhiều năm liền người dân thôn 7 cũng như nhiều thôn khác của xã Thủy Phù phải thắt ruột nhìn cảnh trâu nuôi của mình đẻ non do nước thải.

Kêu trời không thấu

Ông Ngô Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù dẫn chúng tôi đi nắm tình hình ô nhiễm với tâm trạng hết sức bức xúc. Ông Vinh kể rằng, người dân và chính quyền xã đã nhiều lần phát hiện doanh nghiệp xả nước thải có mùi hôi thối nồng nặc ra sông. Nhưng khi xã đề nghị các cơ quan chức năng như Cảnh sát môi trường và Chi cục Bảo vệ môi trường về thì các cơ quan lại cho rằng nước thải này… đạt tiêu chuẩn. “Mắt thường đã thấy được nước thải rất ô nhiễm, không hiểu sao họ nói vậy”, ông Vinh nói.

Ông Phan Anh Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cũng bỏ dở công việc để gặp phóng viên giãi bày nỗi khốn khổ của địa phương. Theo ông Tuấn, nước thải từ khu công nghiệp đã và đang làm tiệt đường sống của hàng nghìn hộ dân ở 8 thôn của xã, nghiêm trọng nhất là thôn 2 và thôn 7.

Vừa qua, người dân và chính quyền xã đã hai lần phát hiện Nhà máy Vinh Phát xả thải chưa qua xử lý ra sông Phú Bài làm cá chết hàng loạt. Cảnh sát môi trường của tỉnh và thị xã về làm việc, nhà máy này thừa nhận đã xả thải nhưng sự việc sau đó “chìm xuồng”. “Kết cục chẳng có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân” - ông Tuấn bức xúc.

Để làm rõ hơn sự việc, chúng tôi mang bức xúc của người dân và chính quyền xã Thủy Phù lên gặp ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên- Huế. Tuy nhiên, câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ ông Hùng là: “Trước đây nước thải có gây ô nhiễm nhưng giờ hết rồi do khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải”.

Khi được hỏi đã có bao nhiêu nhà máy đấu nối hệ thống xả thải vào hệ thống xử lý nước thải này thì ông Hùng cho biết do hệ thống đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa biết bao nhiêu cơ sở đã đấu nối.

Sẽ khởi kiện

Người dân xã Thủy Phù khẳng định, kết quả kiểm tra mẫu nước thải của các cơ quan chức năng hoàn toàn sai thực tế. Nước sông ô nhiễm đến mức cá chết, người lội xuống là bị nổi ngứa mà khẳng định nồng độ ô nhiễm ở mức cho phép là không thuyết phục.

Anh Nguyễn Đăng Tuấn cho biết, thiệt hại của người dân do nước thải Khu công nghiệp Phú Bài gây ra quá nặng nề, nên những cơ sở gây ô nhiễm phải bồi thường. Không chỉ bồi thường về kinh tế như thiệt hại do ao hồ bỏ hoang, vật nuôi nhiễm bệnh và chết, cơ sở gây ô nhiễm còn phải bồi thường về tổn hại sức khỏe cho người dân.

“Vì lẽ đó, chúng tôi sẽ kiện những cơ sở gây ô nhiễm ra tòa, đồng thời đề nghị làm rõ những khuất tất trong khâu kiểm tra, xử lý ô nhiễm của cơ quan chức năng”- anh Tuấn nói.

Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Chiểu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, trong các kỳ họp hội đồng, bà đã nhiều lần có ý kiến về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải Khu công nghiệp Phú Bài gây ra cho người dân xã Thủy Phù nhưng rồi mọi việc vẫn không có chuyển biến”. Theo bà Chiểu, nếu nông dân địa phương có đủ các bằng chứng chứng minh thiệt hại do nước thải khu công nghiệp thì Hội Nông dân tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân khởi kiện.n

 Nước thải khu công nghiệp còn khiến 100% giếng nước của người dân trong khu vực bị nhiễm độc nên không thể sử dụng. Nhiều hộ dân đang tính bỏ làng đi nơi khác vì cuộc sống hiện tại đang đi vào ngõ cụt.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem