Sốt xuất huyết gia tăng, có 6.100 ca mắc ở Đồng Nai trong năm 2020

Nha Mẫn Thứ hai, ngày 14/12/2020 11:31 AM (GMT+7)
Ngày 14/12, theo báo cáo Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 6.100 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, truyền dịch cao phân tử. May mắn không nghi nhận trường hợp tử vong nào liên quan đến sốt xuất huyết.
Bình luận 0

Bác sĩ Phan Văn Phúc - Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai - cho biết: Các nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng chứa nước, tạo thành nơi muỗi đẻ trứng.

 Sốt xuất huyết: Sốt cao phải đến bệnh viện không tự ý mua thuốc điều trị “tiền mất tật mang”  - Ảnh 1.

Phun xịt diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết

Vì vậy quan trọng nhất vẫn là việc người dân làm tốt công tác dọn vệ sinh sạch sẽ nơi ở.

Theo các bác sĩ, từ đầu tháng 10 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, do mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. 

Trung bình mỗi ngày, Khoa nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận từ 5-10 trường hợp sốt xuất huyết người lớn. Trong đó có nhiều trường hợp đã rơi vào tình trạng sốc, phải truyền từ 4-6 đơn vị máu, điều trị tích cực.

Tại Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai, chị Hoàng Thị M. (TP. Biên Hoà) cho biết, con chị năm nay hơn 2 tuổi, bị sốt liên tục ở nhà nhiều ngày không khỏi.

Nghi ngờ con bị sốt xuất huyết, gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện để điều trị vì bé đã trở nặng.

Còn cha mẹ cháu Q.H. ở TP.Biên Hoà cũng bị một phen sợ hãi vì cháu bị sốt xuất huyết nặng nhưng để lâu dẫn đến bị sốc sốt xuất huyết. Mặc dù đã rơi vào trạng thái sốc nhưng cháu H. vẫn còn sốt cao, đi ngoài ra máu, ói, đau bụng nhiều, chảy máu chân răng.

Sau khi cháu H. nhập viện, các bác sĩ đã liên tục theo dõi sát bệnh nhân, điều trị bệnh theo phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết, chống sốc, sử dụng thuốc cao phân tử, theo dõi bằng máy monitor liên tục, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, oxy máu và được đo cung lượng tim.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều bệnh nhân người lớn rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng, bác sĩ CKI Đồng Minh Hùng (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) cho rằng, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người dân hạn chế đến bệnh viện, hạn chế nhập viện do lo sợ bị lây nhiễm chéo.

Vì vậy khi bị sốt cao, mệt mỏi nhiều, thường có tâm lý chủ quan, tự đến nhà thuốc, báo bệnh và mua thuốc về nhà sử dụng. Đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện để cấp cứu, điều trị. 

Có những bệnh nhân bệnh đã trở nặng, sốt ngày thứ 4, thứ 5, đến khám tại bệnh viện; nhưng không chịu nhập viện, bác sĩ phải khuyên, thậm chí năn nỉ bệnh nhân nhập viện để điều trị nhằm đảm bảo an toàn tính mạng thì bệnh nhân mới chịu nhập viện.

ThS. BS Nguyễn Hữu Tài, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai chia sẻ với báo chí công tác phòng chống dịch SXH muốn thành công ngoài sự chung tay góp sức của các cơ quan, ban ngành, thì sự hợp tác, ý thức phòng bệnh của mỗi người dân vô cùng quan trọng và mang lại hiệu quả cao.

Do sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh nên người dân cần thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Khi phát hiện bị sốt cao liên tục 2-3 ngày không hạ, da đỏ, ói, đau bụng, bứt rứt, lừ đừ, tiểu ít cần ngay lập tức đi khám bệnh và nhập viện điều trị. Tuyệt đối không được tự ý điều trị, tự ý truyền dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem