Tại sao 8 hiệp hội đồng loạt xin tạm hoãn tăng lương tối thiểu vùng năm 2022?

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 17/04/2022 19:00 PM (GMT+7)
Doanh nghiệp thuộc 8 hiệp hội ngành hàng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị được lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 sang năm 2023.
Bình luận 0

Kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023

Ngày 12/4 vừa qua Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu đồng ý tăng lương tối thiểu vùng năm 2022. Mức tăng được bỏ phiếu thông qua là 6% (từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng), tăng từ 1/7/2021.

Trong khi người lao động hưởng ứng kết quả này thì nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra lo lắng, không đồng thuận.

Ngày 17/4, 8 hiệp hội doanh nghiệp đã có công văn CHH/14042022 gửi tới Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023. Công văn đề xuất được lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023, thay vì 1/7/2021 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

tăng lương tối thiểu vùng năm 2022

Hiệp hội Dệt May Việt Nam cùng 7 ngành hàng khác đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất lùi thời điểm tăng lương. Ảnh: N.T chụp tại Công ty may Nam Thái Nguyên

8 hiệp hội gồm: Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam.

Theo nội dung công văn, ngày 12/4 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6%. Tuy nhiên, các hiệp hội trên nhận thấy thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét và cân nhắc giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Tăng lương tối thiểu vùng quá gấp, khiến doanh nghiệp gặp khó

Lý giải về nguyên nhân kiến nghị được lùi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang năm 2023, 8 hiệp hội cho rằng, trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp rất khó khăn và kiệt quệ.

Trước đó, tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng mức 6% từ ngày 1/7/2022 để trình Chính phủ.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng nếu được Chính phủ thông qua sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng; vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; vùng 3 tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng lên 3,64 triệu đồng; vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.

Hơn nữa, hiện nay tình trạng người lao động là F0 vẫn tiếp tục xảy ra, doanh nghiệp đang phải gồng mình đối phó với tình hình đó và kéo theo là tình trạng hậu Covid, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của doanh nghiệp.

Mặt khác, trong thời gian tới có thể sẽ xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới của dịch Covid-19, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020 và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của người lao động và Nhà nước cũng đang nỗ lực kiểm soát lạm phát.

Các doanh nghiệp không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, do tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối năm trước.

"Hiện nay các doanh nghiệp đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Đồng thời hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hoá... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hoá được", công văn ghi.

tăng lương tối thiểu vùng năm 2022

Hội đồng tiền lương họp hôm 12/4 và đã bỏ phiếu thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 ở mức 6%. Ảnh: N.T

Các hiệp hội cũng cho rằng, tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này dễ dẫn đến khả năng hàng chục nghìn người lao động không có việc làm.

Trao đổi sau phiên họp lần hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hôm 12/4, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, các doanh nghiệp đều mong muốn có sự điều chỉnh lương tối thiểu từ đầu năm 2023, còn nếu tăng từ 1/7/2022 doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh.

Theo ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất về mức đề xuất cũng như thời điểm áp dụng việc tăng lương, trong đó 15/17 thành viên Hội đồng đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7/2022, áp dụng tới hết năm 2023, chỉ 2/17 thành viên chọn phương án tăng lương từ 1/1/2023.

Do nguyên tắc quyết định theo đa số, Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất đề xuất thời điểm tăng là từ 1/7/2022, áp dụng tới 31/12/2023.

Ông Thanh cho rằng: "Đây là mức tăng không cao, nhưng đảm bảo được sự nhượng bộ của các bên. Người lao động có điều kiện cải thiện phần nào đời sống sau một thời gian dài khó khăn do Covid-19. Người sử dụng lao động cũng có thể cân đối lại ngân sách, đảm bảo phục hồi sản xuất và ổn định nhân lực".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem