Tan nát dòng Nậm Mộ

Thứ năm, ngày 16/06/2011 15:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sông Nậm Mộ từ nước bạn Lào đổ vào huyện biên giới Kỳ Sơn, xuống Cửa Rào, huyện Tương Dương của Nghệ An, hợp lưu với dòng Nậm Nơn thành dòng sông Lam. Giờ đây, dòng Nậm Mộ đang oằn mình chở hàng tấn rác thải và lòng sông tan nát bởi nạn khai thác vàng.
Bình luận 0

Những năm gần đây, thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) đang ngày càng trở nên sầm uất nhờ các hoạt động phát triển kinh tế, dịch vụ của người dân...

img
Khoét lòng Nậm Mộ tìm vàng.

Rác đầu độc sông

Thị trấn Mường Xén chủ yếu là đồi núi dốc, dân cư đa phần "bám" mặt tiền quốc lộ 7A và phía hữu ngạn sông Nậm Mộ để phát triển dịch vụ. Kéo theo đó là ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt. Đi dọc tuyến đường phía tả ngạn sông Nậm Mộ, quan sát phía hữu ngạn, thấy rác chất thành đống, từng bãi trên bờ. Không quá lời khi nói rằng, hàng ngày "dòng" rác tràn xuống sông Nậm Mộ, "đầu độc" con sông này.

Thị trấn Mường Xén cũng đã bố trí người thu gom rác sinh hoạt tại các khu dân cư, nhưng người dân vẫn chưa bỏ được thói quen "tiện đâu vứt đó", nhất là những hộ ở gần mép sông. Rác thải thu gom ở các khu dân cư được tập kết về khoảnh đất hẹp cách địa phận Mường Xén khoảng hơn 500m, nằm sát bờ sông và quốc lộ 7A. Cách đây mấy năm, thị trấn Mường Xén đã quy hoạch và xây dựng bãi tập kết rác cách thị trấn hơn 2km, nhưng không hiểu vì sao bãi rác này vẫn còn để trống.

Sông “nát” bởi... phu vàng

Đến bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), chúng tôi nhờ một người quen dẫn ra khu vực bãi sông. Từ xa đã nghe âm thanh cộng hưởng của những động cơ đang thi nhau gào thét. Một vùng bãi sông khoảng 1.000m2, chúng tôi đếm được gần 15 chiếc máy khai thác vàng đang hoạt động. Tại khu vực này, có hàng trăm chiếc hố đường kính trên 3m, sâu từ 5-10m do “vàng tặc” xới tung rồi không lấp lại.

Hơn 10km dọc sông Nậm Mộ, đoạn từ xã Hữu Kiệm lên xã Tà Cạ, lòng sông ngổn ngang đất đá, bờ sông bị đào khoét tan hoang. Thật lo là nếu xảy ra lũ quét thì không biết sự tàn phá của nó sẽ thế nào?

Quy trình khai thác của các "phu vàng" ở đây khá đơn giản. Họ dùng cuốc, thuổng đào các hố sâu hoặc khoét vào bờ sông theo kiểu hàm ếch để lấy đất đá đãi tìm vàng. Những chiếc máy bơm công suất lớn bơm nước trực tiếp vào các vách hố. Hỏi một "phu vàng" đang đứng máy, anh này cho biết, ngày gặp "vận đỏ" thì thu tiền triệu, gặp "vận đen" thì mấy ngày chẳng được xu nào, lại lỗ tiền xăng dầu.

Từ cây cầu Xốp Nhị, nhìn xuống dòng Nậm Mộ thấy nước sông một màu đỏ quạch, lòng sông bề bộn sỏi đá do khai thác vàng. Dọc bãi sông phía hữu ngạn dày đặc lều bạt dựng tạm của những người đào đãi vàng. Từ xã Hữu Kiệm, qua thị trấn Mường Xén đến xã Tà Cạ cũng thấy vô số lều bạt ken dày. Sông ở đoạn này chảy giữa hai vách núi nên các "phu vàng" ra sức khoét sâu vào vách núi thành những cái hang khổng lồ và tuồn ra lòng sông vô vàn đất đá.

Người bạn dẫn đường cho biết, thời gian qua được sự đồng ý của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Long cho một số tàu lên Kỳ Sơn khai thác vàng. Người dân sợ gây sạt lở và lũ quét nên tìm cách ngăn chặn và đã xảy ra một vài xung đột giữa dân bản Na Lượng với công nhân công ty này. Ngăn chặn không được, họ lấy cớ sông núi là của cha ông, nay có người đến khai thác vàng, cớ gì mình không được khai thác... nên chung tiền mua máy ra sông đãi vàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem