Tăng lương, lao động kêu khổ vì doanh nghiệp cắt nhiều khoản thu khác

Thuỳ Anh Thứ năm, ngày 12/07/2018 18:02 PM (GMT+7)
Đây là thông tin được Viện công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đưa ra trong Khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập và đời sống của công nhân lao động năm 2018, được công bố vào chiều 12.7.
Bình luận 0

Khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập đã điều tra 3.008 người lao động (NLĐ) trong tất cả các loại hình doanh nghiệp (DN) nhằm đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Kết quả cho thấy, tiền lương cơ bản hàng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 4.670.000 đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017. 

Lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn lương tối thiểu 39,8%: vùng I cao hơn 36,6%; vùng II cao hơn 27,9%: vùng III cao hơn 39,3% và vùng IV cao hơn 44,7%. Đặc biệt là vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể: vùng I là 2,35%; vùng II là 10,87%; vùng III là 3,34% và vùng 4 là 4,45%.

img

Hơn 26% công nhân lao động cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện mới đủ sống. Ảnh minh họa: Lao động

Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, thu nhập làm thêm gần như là thu nhập chính.

Về tiền làm thêm giờ, có 44,0% NLĐ được hỏi cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình là 28,5 giờ (cao nhất là 50 giờ), với số tiền nhận được trung bình 832.000 đồng/người/tháng.

Khảo sát cũng cho thấy, tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Nhưng có tới 5,2% người lao động cho rằng dù tăng lương tối thiểu nhưng DN lại bị cắt nhiều khoản phụ cấp khác dẫn tới tổng thu nhập vẫn thấp.

Với thu nhập này, mỗi lao động chi tiêu trung bình đạt 6,57 triệu đồng/tháng. Với mức thu này, chỉ có 32,1% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.

img

5,2% số lao động được khảo sát cho biết lương tối thiểu tăng nhưng DN lại cắt nhiều khoản thu nhập khác. Ảnh minh họaI.T

Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho biết, theo thống kê, số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại tăng cao, ngành dệt tăng 10,9%. Số lượng DN tăng nhanh, 6 tháng có gần 64.500 DN doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn 649.000 tỷ đồng, tăng 5,3% số DN và tăng 8,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017, thu hút trên nửa triệu lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu – Trưởng Ban Quan hệ lao động – Thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, qua khảo sát này, Tổng Liên đoàn Lao động khuyến nghị Hội đồng tiền lương nên đưa ra mức tăng lương tối thiểu hợp lý, đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình của họ. Thêm vào đó, đơn vị này cũng cần có cơ chế kiểm soát tránh thất thu đóng bảo hiểm xã hội, hạn chế việc để người lao động làm thêm giờ quá nhiều.

Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, NLĐ cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; tỷ lệ 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; tỷ lệ 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem