Tảo mộ trước ngày Xuân ở quê hương Vĩnh Long

Nhất Huỳnh Thứ hai, ngày 16/02/2015 07:00 AM (GMT+7)
Tảo mộ trước ngày Xuân là dịp con cháu đến chăm sóc mộ phần ông bà tổ tiên, một nét đẹp văn hoá được người dân quê tôi Vũng Liêm, Vĩnh Long gìn giữ từ bao đời nay. Vì vậy, cứ mỗi khi tết đến, xuân về, khoảng từ ngày 20 tháng Chạp là nhiều gia đình ở quê tôi đi “dẫy mả” (từ ở quê tôi sử dụng để chỉ việc tảo mộ).
Bình luận 0
Những ngày cận tết này, từ sáng sớm, người dân quê tôi tranh thủ mang dụng cụ: cuốc, xẻng, chổi, thùng, sơn, cọ... đến những phần mộ của tổ tiên, ông bà nhiều đời trước sửa sang các ngôi mộ cho sạch sẽ, để chuẩn bị đón ông bà về sum họp với gia đình trong 3 ngày Tết.

Công việc đầu tiên của tảo mộ là người ta dùng xẻng, cuốc dẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ. Theo suy nghĩ của bà con là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Khi đã làm sạch cỏ, với những nấm mồ đất, người ta đắp lại cho đầy đặn, còn những mộ xây gạch thì vét vôi, sơn lại cho sạch đẹp. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng cũng được cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này.
img
Đi tảo mộ (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Trong ngày Tảo mộ, trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để nhắc cho trẻ sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa, tất bật với cuộc mưu sinh, nhưng cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.

Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình. Do đó, theo sau phong tục tảo mộ, người dân quê tôi còn có tục rước ông bà vào đúng trưa ngày 30 tháng Chạp và vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 3. Với tất cả lòng thành kính, thiêng liêng, con cháu làm mâm cơm chu đáo đặt lên bàn thờ, cúng gia tiên. Ngày tiễn đưa ông bà thường là ngày cuối cùng của những ngày Tết, để con cháu dùng chung bữa cơm gia đình trước khi quay về thành phố tiếp tục công việc thường ngày.

 Tảo mộ mỗi dịp Tết đến, xuân về là một việc làm hết sức ý nghĩa của người dân quê tôi và cũng là của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem