Thân thương bụi sả chốn quê

Bài, ảnh: Hoàng Lê Thứ hai, ngày 29/06/2015 07:00 AM (GMT+7)
Thoạt nhìn, tưởng đâu là cây cỏ mọc hoang nhưng thực chất bụi sả lại có giá trị vô ngần đối với người dân chốn thôn quê. Người phụ nữ quê dùng lá sả nấu lấy nước gội đầu làm cho sạch gàu, tóc càng thêm bóng mượt. Mặt khác, sả còn dùng để làm gia vị tẩm ướp thịt, cá với mùi hương ngào ngạt làm cho các món ăn thơm hơn, hấp dẫn hơn.
Bình luận 0
Cây sả quê từ lâu đã gắn bó thân thiết với người dân quê tôi, hầu như nhà nào cũng có trồng một bụi sả ở trước cổng hay bên sàn nước. Dù không được chăm sóc nhưng cây sả vẫn phát triển rất nhanh, cứ cắm một cây xuống đất, sau một thời gian sẽ nhảy con thành bụi lớn, từng lá hẹp dài ôm chặt lấy nhau tạo thành một búi sả to tròn, đẹp mắt.
img
Bụi sả chốn quê (ảnh: Hoàng Lê)
Sả thuộc loại cây thân thảo có màu trắng hoặc hơi tím, thường mọc thành từng bụi cao khoảng 1,5 mét (tùy theo dinh dưỡng trong đất nhiều hay ít hoặc cách chăm sóc tốt hay xấu). Sả có kiểu rễ chùm, mọc sâu vào đất, rễ phát triển mạnh khi đất tơi, xốp. Mùa mưa đến, sả sinh sôi nảy nở với nhiều nhánh xoè ra trông giống như bụi lúa mang lại nhiều giá trị thiết thực cho con người.
img
Gốc sả quê được bày bán trong siêu thị.
img
Món cá kho sả ngào ngạt hương thơm.
Dường như cây sả gắn bó thân thiết với tuổi thơ khốn khó của chúng tôi nơi chốn quê nghèo. Nhớ con nước cạn lúc hừng đông, má tôi mang rổ xuống con rạch sau nhà xúc cá rồi mang lên bờ, chúng tôi tíu tít quấn quanh chân mẹ để xem số cá tép mà má vừa bắt được có nhiều không. Lúc ấy má lại gọi chúng tôi: “Nhổ tép sả cho mẹ kho cá nghen con!”. Chỉ chờ có vậy, chúng tôi tranh nhau chạy ra bụi sả trước nhà nhổ lấy tép sả còn tươi xanh cho má. Má tôi băm sả thật nhuyễn rồi mang đi kho cá, hương vị ngọt lành của con cá miền quê hoà với mùi hương ngọt ngào của lá sả thật quyến rủ, làm tôi nhớ đến tận bây giờ.

Khi chúng tôi bị cảm, má tôi hái ít lá cây vườn rồi nấu cái nồi xông để giải cảm cho chúng tôi, trong cái nồi xông hơi ấy luôn có mặt cái hương lá sả. Kì diệu thay, nồi xông hơi lá sả do má nấu lại công hiệu vô ngần, có thể xoa dịu cơn nóng lạnh, làm cho con người khoẻ khoắn khi bước ra từ nồi xông hơi của má lúc trái gió, trở trời. Khi xông hơi xong, má tôi còn dùng nước lá sả để tắm cho chúng tôi, má nói rằng sả có tác dụng phòng bệnh tuyệt vời, nước lá sả sẽ làm cho chúng tôi chống lại với những thay đổi thất thường của thời tiết.

Có lần tôi thắc mắc không hiểu tại sao má tôi lại trồng sả xung quanh nhà. Má bảo, mùi hương của sả có thể xua đuổi ruồi muỗi, làm sạch môi trường, khoáng đạt không khí xung quanh. Còn chị tôi thì dùng lá sả nấu nước gội đầu, làm cho sạch gàu, mượt tóc lại toả ra mùi hương thoang thoảng. Không chỉ riêng chị tôi mà các phụ nữ khác cũng trồng sả để lấy lá gội đầu vì thời ấy làm gì có các loại dầu gội được bày bán vô số như hiện nay.

Giờ đây, cây sả quê đã đi về phố, có mặt trong các chợ rau củ và trở thành gia vị nêm nếm trong các món ăn. Một lần đến siêu thị mua hàng, bất giác thấy được gốc sả miền quê được trưng bày trong tủ, lòng tôi chợt trào dâng nỗi nhớ quê nhà. Đối với tôi, bụi sả miền quê ấy có giá trị thiêng liêng, gắn bó với tuổi thơ khốn khó của chúng tôi nơi chốn quê nghèo ngày ấy.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem