Nguyên nhân chính khiến anh này muốn trả thù “cua trời” là vừa bị “cua nhà” càm ràm cả buổi về tội “thu chi không minh bạch”. Giận cá chém thớt kiểu hắn, thật khôn tổ trời!
Vượt vòng vây cua nuôi
Làn sóng cua nuôi Cà Mau, Trà Vinh đang bủa vây thực khách TP.HCM, từ hàng quán đến vỉa hè, giá nào cũng có, nhưng đa số là cua ốp (cua nước). Không tin, bạn thử nhịn mua 3 tờ vé xố, đổi lấy một chàng cua đang uể ngoải ngoe nguẩy yếu ớt đôi que chèo, vì cọng dây trói lớn bằng càng và đang thiếu ăn ít nhất 3 – 4 ngày, sẽ “thấy cảnh” ngay.
Do vậy, muốn tìm chút hoan khoái, bạn phải chịu khó đi xa, đôi khi hứng được một rổ khôn – bổ béo suốt đời. Có ba hướng để ta lựa chọn, thông thường là chạy xuống Cần Giờ. Gần tới cầu Dần Xây, đã nghe không khí trong lành, sảng khoái hơn hẳn chốn phố thị ồn ào khói bụi.
Huyện đảo từng giàu có cá tôm này, nay đã nghèo sản vật hơn. Tuy vậy, vẫn còn vài hàng quán có cua gạch: Cát Biển (Sáu Nhọn), nhà hàng Duyên Hải gần bến xe buýt Cần Thạnh.
Quán đầu, nghiêng về các món mộc mạc như: hấp bia, nướng, luộc; giá khoảng 370.000 – 400.000 đồng/kg, cỡ 2-3 con/kg. Giá cao gần gấp đôi Sài Gòn, nhưng khi ăn vào bạn sẽ thấm thía câu “tiền nào của nấy”.
Nhà hàng kế, giá có thể cao hơn 20% nhưng nằm cạnh đập nước mát mẻ và có nhiều món lạ. Ví dụ như cua gạch xào sốt XO với khổ qua tươi bào mỏng. Món này vốn giàu đạm, nên người yếu ăn không thể tải nổi nguyên con, nặng 700g. Song khi có chút tương hàng hiệu cùng mùi vị hăng đắng của khổ qua đèo giao hòa, người ăn cảm thấy khoái khẩu và ngon trớn hơn.
Từ đây, nếu mê du lịch ẩm thực, bạn có thể hỏi đường xuống bến đò Bà Năm (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM) cưỡi sông Soài Rạp sang các xã Vàm Láng hoặc Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) tìm quán chị Tẻ gần bến đò Mỹ Điền (qua Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).
Mới ngắm đã say!
Rẽ sóng xuôi miền Tây
Nhờ dựa vào ngã ba sông Vàm Cỏ – Soài Rạp, nên vựa cá của chị chủ vóc dáng đầy đặn vừa kể, thường rọng đám hải sản đang vùng vẫy tưng bừng trong hồ. Giá cả ở đây, còn mềm hơn phía Cần Giờ.
Những ai mê câu kéo, nhớ mang theo cần rồi giao lưu với nhân viên quán xin mồi: tôm tép.., thả xuống mé sông thử vận. Nếu hên, có thể giật được chục trự cá úc mập ú, vài con ngư sửu nặng tay… mang về lấy lòng bà xã hoặc gầy tiệc hoành tráng cùng chiến hữu.
Gió sông hồ hởi “làm quen” cùng lữ khách. Tiếng ghe máy tành tạch gần xa. Giọng ca cổ chân phương văng vẳng: “…đàn bà lòng dạ hiểm sâu, ngoài môi lại nói những câu…. ân tình.” (bản “Chuyện tình hai con cua” của soạn giả Viễn Châu), dễ đưa khách nhàn du vào giấc ngủ đầu nôi, bên chiếc võng dù của quán.
Thức giấc, bạn đừng quên gọi món cua gạch sông (nước lợ). Đúng điệu là luộc sơ cua qua nồi nước lá me non rồi vớt ra để ráo, mang nướng lửa than. Làm cách này, thịt cua không bị khô và thơm ngon ấn tượng. Chính vị chua thanh lẫn chan chát của đọt me non đã “tẩy trần” mùi tanh đặc trưng nơi con … cua cái “thủ ác”.
Và khi vỏ cua chuyển sang màu đỏ hồng, gió sông liền chở mùi thơm bạo liệt đi khá xa. Đến đoạn cuối còn mê mải hơn. Gam màu đỏ son rạng rỡ tràn đầy cả mai cua. Vừa thổi vừa cắn nhẹ đã nghe béo bùi thanh thoát. Chấm tí muối ớt hoặc tiêu chanh, càng đậm đà khó quên. Bởi cua gạch nuôi không thể nổi màu hấp dẫn như thế này, cũng như độ béo bùi kém xa và luôn chứa hậu tanh lạt. Có người nói, nó giống mùi… đất hơn.
Ngẫm lại, cua cái ác cũng có lý của nó. Vì nó không hung hăng xé xác cua đực thì cơ thể không đủ dưỡng chất nuôi dưỡng hàng ngàn trứng non dần kết tụ. Sau đó, cua mò ra sông rạch, tìm đường bơi tới biển sâu chờ thời khắc thích hợp sinh nở. Nhưng do nhu cầu thèm ăn mạnh và thích tìm hang hốc trú ẩn cho an toàn, cua cái lại dễ lọt vào lưới lọp 12 “cửa ngục” (nhiều khoang) hoặc các miệng lưới đáy mai phục ngày đêm.
Yếm cua ngã màu vàng nâu sẫm khi ôm gạch.
Thường vào đầu con nước ròng hàng tháng (ba mươi – mùng một âm lịch) lượng cua gạch sa cơ chỗ chị Tẻ nhiều hơn ngày thường, khoảng 20 -30kg/ngày. Trong các tháng chín – mười âm lịch, số lượng có thể tăng gấp đôi. Do vậy, giá thành ở đây cũng giảm còn: 350.000 đồng/kg và có thể giảm tiếp: 20.000 – 50.000 đồng/kg, chị chủ quán cho biết.
Cần lưu ý, có một vài quán mới nổi lên cạnh đó giả danh quán “bà Tẻ”, nhằm tranh bắt khách phương xa. Thế nên, lữ khách phải hết sức bình tĩnh mới nhận rõ giả – chân.
Trở lại chuyện con mẹ… cua, mai cua càng nổi phồng lên sẽ chuyển sang màu đỏ tím. Lúc này gạch cua càng nẩy nở, dường như thịt cua ít đi và lạt hẳn so với thời con gái (cái so). Đồng nghĩa, cua đang ở gần cửa biển.
Không tin, bạn thử tìm đến quán Ngọc Hiệp, gần cảng cá Bình Đại (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) kiểm chứng.
Giá cua gạch ở đây còn cao hơn Cần Giờ, song vẫn có nhiều người tìm đến ăn. Vì một thứ gia vị đặc biệt: giọng chửi thề ngọt như mía lùi của bà chủ quán. “ĐM, sắp tới lên chứ không xuống, ăn tại chỗ 400.000 đồng/kg, mua về – chỗ tình nghĩa – bớt 30.000 đồng/kg. Muốn nới (rẻ) hơn, cứ canh ngay rằm tháng Bảy. ĐM, chừng nào ông xuống?”
Thế mới biết, cua gạch chưa hẳn là con ngang bướng và quyến rũ nhất!
(Thế giới Tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.