"Thiên đường" bên lòng hồ của dân làng chài thủy điện Sê San 4

Hoàng Lộc Thứ bảy, ngày 22/06/2024 06:50 AM (GMT+7)
Hơn 10 năm trước, tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 (thuộc tỉnh Kon Tum) đã hình thành một làng chài nhỏ với những hộ dân phiêu dạt từ khắp nơi về lập nghiệp. Bên cạnh việc đánh bắt cá trên làng hồ, nay các hộ dân còn mở nhà hàng, làm tour du lịch… Đời sống của họ dần dần ổn định, vươn lên.
Bình luận 0

Làng chài trên quê mới

Những ngày cuối tháng 5, huyện biên giới Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) nắng nóng như lửa đốt. Theo chân cán bộ địa phương, chúng tôi đến bến thuyền thuộc địa phận thôn 7 (xã Ia Tơi) rồi di chuyển bằng thuyền máy ra lòng hồ thủy điện Sê San 4. Rời bến thuyền được 10 phút, hiện lên trước mắt chúng tôi là những nhà bè nằm san sát mang đặc trưng của vùng sông nước Đông Nam Bộ, nằm lọt thỏm giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4 rộng lớn.

Nơi đây thường được gọi là làng chài trên sông Sê San. Ngôi làng có hơn 30 hộ, mỗi hộ là một nhà bè nổi trên mặt nước. Họ là những hộ dân đến từ các tỉnh thành như An Giang, Hậu Giang, Cà Mau… Mỗi người, mỗi nhà một quê, giờ điểm chung của họ là mưu sinh dựa vào những con cá, con tôm, con ốc trên lòng hồ thủy điện Sê San 4.

"Thiên đường" bên lòng hồ của dân làng chài thủy điện Sê San 4- Ảnh 1.

Bánh tráng cá cơm – một trong những sản phẩm đặc trưng của người dân làng chài; Hầu hết người dân làng chài đã có nhà ở trên bờ

Anh Nguyễn Thành Nhân (42 tuổi) là một trong số nhiều người đặt chân đến lập nghiệp tại khu vực lòng hồ. Quê anh Nhân ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Do cuộc sống gia đình khó khăn nên anh không được học hành đầy đủ, chỉ ở nhà làm ruộng và đánh bắt cá kiếm sống qua ngày. Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng anh Nhân lên TP.HCM làm công nhân. Tuy nhiên, đồng lương quá ít ỏi khiến vợ chồng không đủ để trang trải cho cuộc sống. Tình cờ sau đó, anh Nhân biết được ở lòng hồ thủy điện Sê San 4 rất dồi dào thủy sản nên đã quyết định đưa cả gia đình lên đây lập nghiệp.

"Khi mới lên, nơi này khá hoang vu, xung quanh cây rừng rất nhiều. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Tôi phải kết một chiếc bè nhỏ vừa đủ để ăn ngủ và đánh bắt cá tại lòng hồ. Sau mỗi đêm thả lưới thì gia đình thu về từ 100.000 - 200.000 đồng. Số tiền ấy vừa đủ nuôi vài miệng ăn trong gia đình. Dần dần, tôi đánh bắt được nhiều hơn, có đêm được khoảng 30 - 40kg cá, thu về cả triệu đồng/ngày" - anh Nhân chia sẻ.

Lòng hồ thủy điện Sê San 4 vốn giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Thời gian đầu, các hộ dân ở làng chài vốn không có hộ khẩu ở đây nên họ phải liên tục di chuyển từ phía này của lòng hồ sang phía kia của lòng hồ, không thể ổn định sinh sống. "Lúc mà cơ quan chức năng 2 tỉnh đi kiểm tra, tôi phải kéo lưới từ nơi này qua nơi khác. Mỗi lần như vậy, lưới có thể bị rách. Thế là bao nhiêu tôm, cá đánh bắt được đều trôi xuống nước. Khó khăn càng thêm khó khăn" - anh Nhân bồi hồi nhớ lại.

"Thiên đường" bên lòng hồ của dân làng chài thủy điện Sê San 4- Ảnh 2.

Người dân làng chài nuôi cá lồng để bán cho du khách. H.L

Niềm vui đến với các hộ dân làng chài vào năm 2015, huyện Ia H'Drai được thành lập được trên cơ sở tách ra một phần địa giới hành chính của huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Sau đó, chính quyền tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ mỗi hộ dân làng chài 400m2 đất ở, 50 triệu đồng và nhập khẩu cho họ. Đồng thời, chính quyền còn hỗ trợ cá giống, lồng bè nuôi và kỹ thuật chăm sóc cá…

"Lúc ấy, gia đình tôi cũng như nhiều người dân vui mừng khôn xiết. Từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng cộng thêm số tiền tích góp được, vợ chồng tôi đã xây dựng được một căn nhà khang trang ở trên bờ. Bên cạnh đó, tôi cũng đầu tư nuôi 10 lồng nuôi cá gồm cá chình, cá thác lác, cá rô, cá bống. Cứ mỗi lồng cá, sau khi trừ chi phí còn dư được 30 - 40 triệu đồng/vụ nuôi 10 tháng. Từ nguồn thu bán cá này mà cuộc sống gia đình ổn định, 2 đứa con được học hành đầy đủ. Hiện nay 2 đứa con tôi đang học đại học" - anh Nhân bộc bạch.

Chưa dừng lại ở đây, năm 2016, anh Nhân còn mở thêm dịch vụ du lịch. Người đàn ông này đã mạnh dạn mua sắm thuyền máy để vận chuyển khách du lịch tham quan lòng hồ Sê San 4 và thác Mơ (thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Cùng với đó, anh còn đầu tư xây dựng nhà bè để kinh doanh nhà hàng ăn uống.

"Ngoài được tham quan ngắm nhìn sông nước, du khách còn được thưởng thức các loại cá tươi tự nhiên hoặc nuôi ở lòng hồ. Trung bình mỗi tháng tôi đón 150-200 lượt khách, những tháng cao điểm có khi lên đến 400-500 lượt. Đến nay, gia đình cũng đã đầu tư được 4 nhà nổi để đón tiếp khách. Bình quân thu nhập của nhà tôi mỗi tháng từ 20-40 triệu đồng" - người đàn ông này chia sẻ.

Cuộc sống đổi thay

"Thiên đường" bên lòng hồ của dân làng chài thủy điện Sê San 4- Ảnh 3.

Làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 yên bình. Ảnh: H.L

Rời nhà bè của anh Nhân, chúng tôi đến nhà bè của anh Đặng Văn Thuộc (42 tuổi, quê ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Hành trình đến với con nước Sê San của gia đình anh Thuộc cũng không khác gì anh Nhân.

Anh Thuộc kể, gia đình anh đã sinh sống ở đây được gần 15 năm. Ở quê hương, gia đình anh chỉ đánh bắt cá được 4 tháng mùa nước nổi. Khi nước rút, 2 vợ chồng làm thuê làm mướn khắp nơi nhưng không thể nào đủ ăn. Chính vì vậy, gia đình anh rủ nhau lên đây sinh sống.

Theo anh Thuộc, lòng hồ thủy điện Sê San 4 rất giàu cá tôm. Hiện anh có 6 lồng nuôi cá các loại như cá lóc, cá mè dinh… kèm theo bắt thêm cả cá cơm. Ngoài ra, vợ chồng anh mở dịch vụ tham quan, ăn uống.

"Cá được nuôi trong nhà lồng nên mỗi khi có khách đến tham quan thì tôi bắt lên chế biến để phục vụ họ. Bên cạnh đó, tôi còn chế biến các loại cá thành nhiều sản phẩm như cá rô đá khô, cá cơm khô, bánh tráng cá cơm, nước mắm cá cơm để bán cho khách. Những mặt hàng này hiện nay cũng được tiêu thụ rộng rãi ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Lên đây sống lâu dài, cuộc sống của gia đình cũng khấm khá hơn ở quê. Sau này, tôi sẽ vay thêm tiền để mở dịch vụ lưu trú trên lòng hồ" - anh Thuộc tâm sự.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ về mặt đời sống tinh thần cho người dân làng chài. Ngoài hỗ trợ các hộ dân nhập khẩu, cấp đất, hỗ trợ kinh phí xây nhà, kéo lưới điện tới điểm dân cư mới của làng chài…, huyện còn hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật nuôi để bà con phát triển kinh tế. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng thành lập hợp tác xã nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân về kỹ thuật, đầu ra đối với những loài thủy hải sản được nuôi và đánh bắt trong trong lòng hồ.

"Nhờ vậy mà sau hơn 10 năm lập nghiệp, đến nay đời sống của người dân làng chài đã khấm khá hơn trước, con cái của họ được học hành đầy đủ. Trong làng hầu như không còn hộ nghèo" - ông Quân nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem