Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn DABACO, Bộ NN&PTNT cần có giải pháp để tháo gỡ, không chỉ có dịch tả lợn châu Phi mà cả dịch lở mồm long móng. “Cả năm 2017 đến quý 1 năm 2018 giá thấp. Tất cả các nhà chăn nuôi đang chồng chất khó khăn, kể cả doanh nghiệp và người nông dân”, ông So nói.
Theo ông So, điều quan trọng là nên kiểm soát thông tin, cân đối giải pháp thông tin. Trung Quốc chỉ công bố 102 hộ bị dịch tả lợn Châu Phi, nhưng hiện nay chúng ta công bố vài trăm xã. Vậy thì chúng ta có bao nhiêu ổ dịch, mỗi ổ dịch bao nhiêu con. Cần phải suy nghĩ là 1 - 2 con có công bố không, hay là bao nhiêu con mới công bố.
Thứ hai, phải có kịch bản truyền thông, hướng dẫn, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng không tẩy chay với thịt lợn. Và cần có cơ chế chính sách để người dân không bán tháo, bán chạy lợn ốm, bệnh thông qua việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: I.T.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2018, cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi, giảm so với 3,4 triệu hộ so với năm 2017. Hiện chúng ta có hơn 10.000 trang trại.
“Song song với công tác phòng chống dịch, cần bảo vệ đàn cơ sở, đàn giống. Tôi đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp chấn chỉnh thông tin khi mà một số trường không sử dụng thịt lợn, dẫn đến người chăn nuôi hoang mang, không dám tái đàn. Lợn có nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm dịch thì vẫn sử dụng được bình thường.
"Hiện nhiều cơ sở được chứng nhận chăn nuôi tốt, thực hiện an toàn sinh học tốt. Có thể hộ đó đang trong vùng dịch, nhưng chúng tôi đề nghị lãnh đạo Bộ nghiên cứu xét nghiệm tại chỗ với các cơ sở này, để họ có thể được bán lợn âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi”, ông Trọng nói.
Đồng quan điểm với ông Trọng, ông So cho rằng, cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo để thông tin rằng dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Bởi hiện nay, rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ra văn bản không sử dụng thịt lợn trong bếp ăn học đường. Nếu không làm tốt vấn đề này thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi lợn chưa nhiễm dịch bệnh. Ngoài việc kiểm soát dịch bệnh, cần tạo điều kiện cho các đàn lợn, sản phẩm lợn được thông thương tiêu thụ để ổn định sản xuất.
Về công tác giết mổ, cần tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ, và có lộ trình cấm các cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm, khuyến khích xây dựng các lò mổ tập trung. Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy giết mổ tập trung.
“Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Hỗ trợ bằng nhiều cách, và tôi cho rằng tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn là quan trọng nhất”, ông So đề nghị.
Cần tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: I.T
Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng giám đốc Masan Group cho biết: Từ tháng 8/2018, Cục Chăn nuôi đã cảnh báo cho chúng tôi là Việt Nam có khả năng bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, nên chúng tôi đã tăng cường các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh. Lợi thế của chúng tôi là có chuỗi sản phẩm thịt lợn 3F từ trang trại đến bàn ăn.
Chúng tôi không nhập tất cả bột động vật, bột xương ở những nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong sản xuất thức ăn; tăng cường kiểm soát các sản phẩm nguyên liệu có nguồn gốc động vật. Quá trình sản xuất thức ăn từ nhà máy đến khu chăn nuôi của Tập đoàn đều sử dụng xe có bạt che phủ kín và sát trùng để đảm bảo thức ăn khong tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Và trong quá trình tiếp xúc với trang trại, chúng tôi xây dựng trang trại lớn, không có trang trại gia công hay kết hợp với bà con nông dân (như CP hay Dabaco).
Tất cả các trang trại của chúng tôi không nhập con giống bên ngoài mà tự cung ứng giống trong trang trại, đảm bảo vòng quay của con giống từ lợn con, lợn thịt đến lợn hậu bị, ví dụ như trang trại của chúng tôi ở Quỳ Hợp. Chúng tôi kiểm soát rất chặt chất lượng, và khánh thành nhà máy chế biến thịt với công nghệ hiện đại. Khi có bệnh dịch, chúng tôi đã nâng mức cho ban điều hành nhà máy giết mổ ở mức cảnh báo đỏ, không cho những người không phận sự tiếp cận với khu chế biến.
Masan cũng nằm trong những đơn vị chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nhưng hiện tại, trung bình nhà máy của chúng tôi xuất bán gần 300 con lợn/ngày (tăng gấp đôi so với tháng trước). Và chúng tôi cam kết với người tiêu dùng là chúng tôi không tăng giá sản phẩm, không tranh thủ cảm giác lo sợ của bà con để trục lợi trong hoạt động kinh doanh.
"DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI KHÔNG LÂY SANG NGƯỜI, HÃY LỰA CHỌN SẢN PHẨM THỊT SẠCH- AN TOÀN"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.