Thời đại Hùng Vương (Phần 2): Nhà nước Văn Lang có nghĩa là gì?

N.V.T Thứ tư, ngày 05/04/2017 06:30 AM (GMT+7)
Thời đại Hùng Vương tuy đã được dày công nghiên cứu nhưng huyền thoại và lịch sử vẫn còn hòa quyện vào nhau. Hiện nay, các bằng chứng khảo cổ học tuy phần nào xác minh một số vấn đề lịch sử trong thời đại này nhưng các vấn đề còn lại vẫn dựa trên một số “gợi ý” từ huyền thoại. Với các ý kiến dưới đây, tác giả mong muốn phác thảo một cái nhìn toàn cảnh hơn về thời đại vẫn còn mang màu sắc huyền thoại này…
Bình luận 0

Các chứng cứ lịch sử - khảo cổ học về thời đại Hùng Vương

Theo sử cũ thì đến khoảng thế kỷ thứ VII tr.CN, 15 vùng Việt Cổ đã chịu thừa nhận quyền lực chung của người thủ lĩnh bộ Văn Lang và tôn xưng là Hùng Vương. Điều này được phản ánh đầy đủ tại Bản Ngọc phả Hùng Vương. Bản Ngọc phả Hùng Vương được coi là viết sớm nhất về thế thứ các đời vua Hùng ra đời vào năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành, nhà Tiền Lê. Các triều đại sau đó đều cho tiến hành sửa chữa, sao chép lại và bản Ngọc phả đền Hùng còn được lưu giữ đến ngày nay là bản được sao chép có niên đại vào năm Hoằng Định thứ nhất (năm 1600) đời vua Lê Kính Tông nhà Hậu Lê. Tên gọi đúng và đầy đủ của bản Ngọc phả này là “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền”, nghĩa là Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời vua Hùng; hoặc “Cổ Việt Hùng thị thất thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền”, nghĩa là Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời thánh vua triều Hùng nước Việt cổ.

img

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện văn hoá Đông Sơn được phát hiện ở xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa chứng minh đã có nền văn minh trình độ Nhà nước ở nước ta. Các nhà khảo cổ học cho biết từ 80% hiện vật đồ đá ở giai đoạn Đồng Đậu, đã giảm xuống còn 13,4% vào giai đoạn Đông Sơn. Việc xuất hiện đồ kim khí, nhất là vũ khí đã chứng minh thời Hùng Vương đã có một đội quân mạnh để ủng hộ việc cai trị của vua Hùng và chống ngoại xâm.

Đặc biệt nhất là trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Việt Nam phân bố ở nhiều nơi trên đất nước ta, từ Sơn La, Lau Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn đến Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Sông Bé, Khánh Hòa, Vũng Tàu... và cả hải đảo xa xôi Phú Quốc. Ngoài ra, bằng con đường giao lưu văn hóa, trao đổi, trống đồng còn có mặt ở các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia... Trống đồng ngoài chức năng là một nhạc khí, còn tượng trưng cho quyền lực của các vị thủ lĩnh ngày xưa, một dấu hiệu của Nhà nước sơ khai.

Bên cạnh đó, chữ Khoa Đẩu là thứ chữ đầu tiên của người Việt cổ đang được nghiên cứu. Đó là một thứ chữ cổ, có hình dáng như những con nòng nọc nên còn gọi là chữ nòng nọc. Đây là thứ chữ đầu tiên của người Việt cổ, được phát hiện trên một số trống đồng và các hiện vật thời Đông Sơn. Tương truyền, chữ Khoa Đẩu bị mất từ sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại. Tuy nhiên, có chữ viết có nghĩa là phải có Nhà nước. Vì thực tế đã chứng minh, các dân tộc có chữ viết đều có Nhà nước riêng của họ.

Do đó, tất cả các chứng cứ nói trên đã góp phần đưa tới một kết luận có sức thuyết phục: Thời đại Hùng Vương, đó là một thời đại có thật, và đây là thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta.

Chính vì vậy nên đến khi người con cả Lạc Long Quân và Âu Cơ trưởng thành, Nhà nước Văn Lang đã có đủ điều kiện để ra đời và theo truyền thuyết thì truyền được 18 đời Hùng Vương (tính cả Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân).

Vậy Nhà nước Văn Lang có nghĩa là gì? Theo các tài liệu thì Văn là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người,… Còn Lang là sông, đồng nghĩa với giang, với xuyên (trong âm Hán - Việt), với khoảng (trong tiếng Lào) và với kông (trong tiếng Khmer). Ghép lại, Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Người Văn Lang cũng được gọi là người Việt. Chữ Việt có hai nghĩa. Chữ Việt bộ Mễ nghĩa là thời bình người Việt làm nghề nông sinh sống, lúa gạo trữ trong kho. Chữ Việt bộ Tẩu nghĩa là thời chiến người Việt cầm vũ khí đi chống xâm lăng để giữ nứớc. Điều này rất đúng với cư dân Việt cổ.

Tuy mới sơ khai nhưng Nhà nước Văn Lang đã có bộ máy cai trị từ trung ương đến tận địa phương. Đứng đầu nhà nước Văn Lang là vua Hùng theo hình thức cha truyền con nối đến 18 đời. Dưới vua có lạc hầu và lạc tướng phò giúp. Con trai vua Hùng gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương. Cả nước chia làm 15 bộ do 15 lạc tướng đứng đầu. Dưới bộ là các làng, kẻ, chiềng, chạ do bồ chính cai quản. Người dân trong nước Văn Lang gọi là lạc dân. Sử cũ chép về việc quản lí đất nước thời Văn Lang chủ yếu theo tục lệ cổ truyền: “Dân không có thói gian dối”, “buộc nút dây mà làm chính sự”.

Cơ sở kinh tế của văn minh Văn Lang là nông nghiệp lúa nước. Đó là câu “Ruộng lạc, theo nước thủy triều lên xuống mà làm”, chứng tỏ rằng người Việt cổ đã có được phương thức làm ruộng nước ở ven sông, ven biển, tránh những ảnh hưởng xấu đến mùa màng. Lịch nông nghiệp đã hình thành. Dân chúng thời Hùng Vương thạo nghề bắt cá, chài lưới (điển hình bằng tục vẽ mình), nghề nông (truyện bánh chưng, bánh dày, dưa hấu), nghề luyện kim (truyện Phù Đổng Thiên Vương), và nghề buôn bán (truyện Chử Đồng Tử, An Tiêm).

Về văn hóa tín ngưỡng, truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung cũng phản ánh tín ngưỡng sơ khai của thời đại Hùng Vương. Một số ý kiến cho rằng đây là đệ tử đầu tiên của Phật giáo cổ du nhập vào nước ta. Bên cạnh đó, nhuộm răng đen, một hình thức chống sâu răng của người Việt cổ, đã trở thành tục lệ chung. Cùng với nó, tục ăn trầu, xăm mình cũng phổ biến và được truyền từ đời này sang đời khác. Và Việt Nam cũng có 2 di sản về thời đại Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đó là là hát Xoan, những điệu hát có từ thời Hùng Vương, được công nhận là di tích văn hóa cần được bảo tồn khẩn cấp năm 2011. Và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, được công nhận là di sản văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhân loại vào năm 2012.

Tài liệu tham khảo:

Lê Thái Dũng (2010), Tìm hiểu văn hóa thời đại Hùng Vương, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Viện Khảo cổ học: Hùng Vương dựng nước, Tập I- 1970, Tập lI-1972, Tập III-1973, Tập IV - 1974.

Nguyễn Khánh Toàn: Về thời kỳ bắt đầu dựng nước: Hùng Vương - An Dương Vương - Văn Lang - Âu Lạc. Vai trò của khảo cổ học trong việc soi sáng những vân đề thuộc giai đoạn ấy, Tạp chí KCH số 1, 1969.

Nguyễn Lương Bích: Lạc Việt, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân là tổ tiên người Việt chúng ta hay là tổ tiên chung của nhiều dân tộc khác, Tạp chí NCLS số 56, 11-1963.

Nguyễn Văn Huyên: Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, tập T1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

Phạm Huy Thông: 30 năm soi sáng thời các vua Hùng dựng nước, Tạp chí KCH số 3, 1984.

Tư Mã Thiên: Sử ký, Nxb. Văn học , Hà Nội, 1988.

Trần Quốc Vượng - Đỗ Văn Ninh: Thời An Dương Vương trong quan hệ với thời Hùng Vương, Tạp chí KCH số 9-10, 1971.

Trần Quốc Vượng: Về danh hiệu Hùng Vương, Tạp chí KCH số 7-8, 12.1970.

Trần Quốc Vượng: Nhân đẩy mạnh nghiên cứu văn minh thời các Vua Hùng: Về những nhân tố tự nhiên, dân số, kỹ thuật. ý thức trong văn minh nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí KCH số 2 - 1983.

 Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960.

 Vũ Tuấn Sán: Truyền thuyết về Thánh Gióng, Tạp chí NCLS số 106, 1.1968.

(Còn nữa...)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem