Thực đơn 5 món thanh mát hạ nhiệt ngày nắng cuối tuần

Yến Ngọc Chủ nhật, ngày 07/05/2017 12:57 PM (GMT+7)
Dịp cuối tuần, chị em cùng trổ tài vào bếp làm những món ăn dân dã, thanh mát mà đủ dinh dưỡng đãi cả nhà nhé!
Bình luận 0

img

Món ăn nào cũng thơm ngon, thanh mát

 

Thực đơn nhà mình hôm nay gồm các món:

- Thịt heo luộc

- Dưa chua xào tóp mỡ

- Nộm tôm cuốn bánh tráng

- Đậu phụ lạnh

- Canh rau dền chả cá

1. Thịt heo luộc

Làm mất mùi hôi của thịt

Muốn để thịt heo không còn mùi hôi chị em cần chuẩn bị 1 củ hành khô với 1 ít rượu trắng. Sau đó, đập dập hành khô. Thịt rửa thật sạch dưới vòi nước, sau đó thả miếng thịt heo vào nồi nước cùng củ hành đập dập phía trên vào. Sau đó, luộc cho đến khi thịt chín. Mùi thơm của hành khô sẽ khử mùi hôi của thịt.

Ngoài ra, sau khi luộc thịt chín, có thể cho thêm vào nồi vài giọt rượu trắng rồi vớt thịt ra để ráo nước, thịt sẽ không còn mùi hôi nữa mà sẽ thơm ngon hơn. Đồng thời, việc hớt bọt thường xuyên sẽ làm cho nước luộc trong, từ đó làm thịt sạch và đỡ hôi hơn.

img

Cho một củ hành khô đập dập vào nồi luộc thịt, hành khô sẽ khử mùi hôi của thịt (Ảnh: Internet)

Để thịt luộc được trắng đẹp

Muốn thịt heo trắng đẹp, không thâm sau khi luộc thì trong quá trình luộc, chị em hãy cho ít muối và vài giọt dấm vào nồi nước. Sau đó, thả miếng thịt vào, đun sôi, để nước sôi khoảng 3 phút rồi vớt thịt ra, đem rửa thịt lại bằng nước ấm cho thật sạch. Sau đó đun sôi một nồi nước khác và bỏ miếng thịt vào luộc cho đến khi chín. Thịt sẽ trắng đẹp, bày ra đĩa vô cùng hấp dẫn.

img

Muốn thịt heo trắng đẹp, không thâm sau khi luộc thì trong quá trình luộc, chị em hãy cho ít muối và vài giọt dấm vào nồi nước luộc (Ảnh: Internet)

Làm thịt không bị khô sau khi luộc

Thường thịt sau khi luộc xong hay bị khô, khiến món ăn mấy đi độ ngậy, không còn độ hấp dẫn. Do đó, chị em lưu ý, nếu muốn thịt không bị khô sau khi luộc thì khi nước đã sôi khoảng 10 phút bạn dùng đũa tre để thử thịt, nếu thịt còn chảy ra nước màu hồng thì tiếp tục đun khoảng 5 phút nữa, còn nếu thịt đã chín thì chiếc đũa sẽ xuyên qua thịt một cách rất dễ dàng. Lúc này, vớt thịt ra. Thịt chỉ nên luộc khi vừa chín tới sẽ ngon và mềm, ngọt chứ không bị khô.

2. Dưa chua xào tóp mỡ 

Nguyên liệu:

- 1 đĩa dưa chua

- 1 quả cà chua

- 1 củ hành khô

- 1 bát mỡ heo

- 2 nhánh hành lá

- Gia vị: nước mắm, bột nêm, xíu muối

img

Cách làm:

Bước 1: Mỡ rửa sạch, thấm khô rồi thái thành các miếng mỏng. Cho vào chảo xào cho mỡ ra hết mỡ nước thì vớt tóp mỡ ra bát.

Bước 2: Cà chua rửa sạch thái miếng hoa cau, hành lá thái khúc, hành khô băm nhỏ.

Bước 3: Bắc chảo lên bếp cho 1-2 thìa dầu ăn vào đun nóng dầu thì cho hành khô vào phi cho thơm rồi mới cho cà chua, thêm chút muối vào xào cho cà chua mềm.

Bước 4: Khi cà chua chín mềm thì cho dưa chua vào xào vài phút rồi cho nước mắm, bột nêm, tóp mỡ. Tiếp tục đảo đều cho dưa thấm đều gia vị, dưa săn lại rồi mới cho hành lá vào đảo đều rồi tắt bếp.

Lưu ý, dưa chua vốn đã mặn nên khi nêm nếm gia vị vừa phải không món ăn sẽ càng mặn hơn.

Cho dưa chua xào tóp mỡ ra đĩa ăn với cơm nóng rất đưa cơm.

3. Nộm tôm cuốn bánh tráng

Nguyên liệu:

- 1 lạng tôm nõn

- Nửa củ cà rốt luộc

- Nửa quả dưa chuột

- 1 quả trứng

- 1 cây xà lách

- 1 tệp bánh tráng

- Nửa quả chanh

- 15g mù tạc vàng

- 15ml mật ong

img

Cách làm:

- Tôm luộc chín, bóc vỏ, để ráo nước. Cà rốt luộc, dưa chuột thái sợi. Trứng đánh đều, tráng mỏng, chiên chín rồi thái sợi.

- Nhúng bánh tráng qua nước lạnh khoảng 10 giây để làm mềm bánh tráng, dễ cuốn hơn.

- Phết 1 chút dầu ăn lên thớt hoặc mâm để chống dính, trải bánh tráng lên mâm và xếp cà rốt, dưa chuột, trứng tráng lên.

- Cuộn bánh tráng 1 vòng, đặt tôm vào, gấp 2 bên mép bánh tráng lại rồi cuộn tròn lại.

- Cẩn thận nhấc nộm cuốn ra đĩa, lặp lại tới khi hết nguyên liệu.

- Để làm nước chấm, trộn đều mù tạt, mật ong và nước cốt chanh.

Bạn cũng có thể làm nước chấm bằng cách trộn đều hành, gừng, tỏi, rau mùi, 5ml nước tương, 2ml giấm và 3ml dầu mè, gia giảm thêm tùy theo khẩu vị.

- Nộm tôm cuốn bánh tráng có thể ăn ngay hoặc chiên giòn đều được.

4. Đậu phụ lạnh

Nguyên liệu:

- 1 hộp đậu hũ non

- Vài nhánh rau mùi

- 1 cây hành lá, xắt nhỏ

- 15ml nước tương

- 15ml dầu mè

- 15ml nước

- 5ml dấm đen

- 2 quả ớt tươi

- 3g hạt mè rang

- 3g đường

- 1 tép tỏi, băm nhỏ

- 1 nhánh gừng, băm nhỏ

img

Cách làm:

- Nhẹ nhàng lấy đậu hũ non ra và cắt thành miếng có kích thước vừa miệng.

- Trộn đều nước tương, dầu mè, nước, dấm, đường, ớt, gừng, tỏi, hạt mè.

- Đổ hỗn hợp trên lên đậu hũ non và trang trí với lá rau mùi và hành lá cắt nhỏ rồi thưởng thức.

5. Canh rau dền chả cá

Nguyên liệu: 

- 100g chả cá thu

- 300g rau dền cơm

- 1 trái ớt sừng

- 1 củ hành tím

- 1 lít nước dùng

- 2 thìa cà phê hạt nêm

- 1 thìa cà phê tiêu

- 1/2 thìa cà phê muối

- 1 thìa cà phê dầu ăn.

img

Các bước thực hiện: 

- Rau dền lặt lấy ngọn, rửa sạch. Hành tím rửa sạch xắt lát. Ớt sừng bỏ hạt thái sợi.

- Quết chả cùng 1 thìa cà phê hạt nêm, tiêu và một ít dầu ăn cho thật dai.

- Nấu sôi nước dùng, cho từng viên cá vào nấu sôi. Khi thấy viên cá nổi lên, nêm hạt nêm, muối vừa ăn. Cho tiếp rau và hành tím vào, đợi sôi lại tắt bếp, nhắc xuống.

- Múc canh ra tô, cho ớt lên, dùng nóng.

img

Bữa cơm chiều với thịt kho tàu đậm đà cùng cá rán vàng ươm, rau bí và canh ngao thanh mát quả là ngon hết ý!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem