Tương đồng về sản xuất nông nghiệp
Ấn Độ là một trong các quốc gia châu Á có diện tích lớn với dân số hơn 1 tỷ người, trong đó 60% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp của Ấn Độ chủ yếu các mặt hàng như gạo, lúa mì, hạt dầu, sợi đay, trà, mía, khoai tây, gia súc, trâu cừu, dê, gia cầm và cá.
Do Ấn Độ và Việt Nam có những điểm tương đồng về nền sản xuất nông nghiệp nên đoàn khảo sát đã ghi nhận được nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong các hoạt động phát triển BHNN đang triển khai tại quốc gia này cũng như đúc rút được một số bài học kinh nghiệm trong việc phát triển sản phẩm BHNN - hướng phát triển mới của lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam.
|
Cần nâng cao nhận thức của người nông dân về những lợi ích và sự cần thiết phải tham gia sản phẩm BHNN. |
Bắt đầu từ năm 1999, Ấn Độ thực hiện “Chương trình quốc gia về BHNN” và đến nay sản phẩm bảo hiểm này vẫn đang tiếp tục phát huy tác dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong quá trình tham gia sản xuất. Các sản phẩm BHNN dành cho tất cả nông dân và là bắt buộc đối với người vay vốn. Phạm vi bảo hiểm áp dụng cho cây lương thực, cây lấy dầu, cây vườn, cây thương mại hàng năm... Mức bồi thường nhiều loại từ 60-90% của sản lượng trung bình trong những năm trước và số tiền bảo hiểm – vay vốn tới 150% giá trị sản lượng. Tỷ lệ phí bảo hiểm là 1,5-3% đối với cây lương thực và cây lấy dầu, đối với cây thương mại hàng năm và cây vườn thì được áp dụng theo thực tế. Tỷ lệ bồi thường lớn hơn phí bảo hiểm (đối với cây lương thực và cây lấy dầu) và lớn hơn 150% phí bảo hiểm (đối với cây thương mại hàng năm).
Để thực hiện thành công được sản phẩm BHNN, ngoài sự hỗ trợ chủ yếu của Chính phủ Ấn Độ ở thông qua các hoạt động như tài trợ các chương trình bảo hiểm thử nghiệm, trợ cấp về phí và số tiền bồi thường, miễn thuế, tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sản phẩm bảo hiểm đối với chính quyền địa phương… thì Ấn Độ còn xây dựng hệ thống các kênh phân phối gồm những định chế tài chính nông thôn, trung gian và đại lý bán bảo hiểm, các tổ chức cộng đồng, hệ thống các đại lý bảo hiểm, bán trực tiếp.
Những kinh nghiệm hay
Qua chuyến khảo sát thực tế tại Ấn Độ, có thể nói mô hình sản phẩm BHNN phù hợp với Việt Nam cũng như định hướng của Chính phủ khi Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, hạt tiêu… đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, để có thể sớm hiện thực hóa được sản phẩm BHNN đòi hỏi một chiến lược dài hạn, sự tham gia của các cấp ngành liên quan, đặc biệt là sự tham gia chủ đạo của Bộ NNPTNT trong việc quản lý và cung cấp số liệu thống kê về sản lượng mùa vụ, diễn biến thời tiết để trên cơ sở đó xây dựng sản phẩm bảo hiểm cho các loại rủi ro khác nhau, tỷ lệ phí cho phù hợp.
Việc xây dựng và triển khai thành công một số sản phẩm BHNN thường đòi hỏi thời gian từ 8-10 năm, vì vậy cần có cơ quan nghiên cứu giám sát và có sự hỗ trợ tư vấn từ những quốc gia có kinh nghiệm như Ấn Độ, Mexico… Thiết lập quan hệ với công ty tái bảo hiểm quốc tế để tái BHNN tạo an toàn tài chính cho công ty bảo hiểm trong nước.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự tham gia của hệ thống tín dụng thương mại trong nước. Hơn nữa, đặc điểm nền nông nghiệp Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ, hay bị ảnh hưởng và tác động của thiên tai và dịch bệnh nên rủi ro cao, vì vậy giai đoạn đầu triển khai BHNN cần có ưu tiên cho các ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu... từ đó nhân rộng ra các sản phẩm khác như trâu, bò, gà…
Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người nông dân về những lợi ích và sự cần thiết phải tham gia sản phẩm BHNN, để việc mua bảo hiểm này không chỉ là bắt buộc với những người dân vay vốn mà có thêm được số lượng người tự nguyện tham gia cao.
Đào Hồng Thuận (Sở Giao dịch III, BIDV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.