Trong nắng vàng miền Bắc, dẫu đã lâu không về những lối xưa dấu cũ nhưng không khó để nhận ra bi hoa chuối đỏ rực góc rừng. Bông hoa đã nhường một phần đời cho quả giờ theo tay người về bản góp thành bữa cơm chiều. Màu trắng của những bông hoa đu đủ đực trắng tinh khôi nhưng chẳng bao giờ có thể thành quả.
Về ngồi dưới sân nhà, tìm ra góc vại lấy ít mẻ chua ngoại đã ủ để hòa vào nước. Những lát hoa chuối được thái mỏng đem thả vào đó tựa như một cuộc tắm gội để loại bỏ phần đắng chát của hoa rừng man dại.
Rau vườn nhà.
Hoa ngâm được một lát cũng là lúc chảo mỡ trên bếp đã nóng già, hoa chuối, hoa đu đủ được bỏ vào xào đảo đều tay. Khi đã tái dần mới bỏ thêm tầm bóp và vài loại rau gia vị. Món ăn nhanh chín, chỉ thuần rau rừng, quyện mỡ nhưng nhìn không ngấy.
Trong mâm cơm đoàn viên, dẫu có thịt gà đồi, lá lách nấu măng chua nhưng đĩa rau đắng vẫn là trung tâm của mọi sự chú ý. Rau hòa với rau chứ không xào kèm với thịt, cá nhưng vẫn có vị bùi bùi của hoa chuối, vị đắng ngầm ngậm mà thơm của hoa đu đủ, vị mát của tầm bóp…Nhưng trên hết, vị đắng ấy là thứ thuốc nam rất tốt để chăm sóc cho hệ tiêu hóa sau những ngày làm việc căng thẳng, những bữa ăn vội vã gấp gáp.
Phải chăng ông cha ta đã rất thông minh và tinh tế khi tìm ra những món ăn có tác dụng và hương vị độc đáo như thế để nhắc nhở cháu con lưu giữ mãi hôn quê trong tâm trí của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.