Tình quân dân ở vùng đất cuối trời

Chủ nhật, ngày 05/02/2012 19:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giúp dân dựng nhà, dựng trường, xoá đói nghèo… là những việc làm thường ngày của cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng ở tỉnh Lai Châu. Ở nơi biên giới xa xôi này, tình người lại càng gần gũi hơn bao giờ hết...
Bình luận 0

Chung một tấm lòng nơi "phên giậu"

Đến với huyện Mường Tè (Lai Châu) vào những ngày đầu năm khi tiết xuân đang dồn dập tràn về làm nhịp sống nơi đây thêm sôi động. Dọc hai bên đường, những bông hoa dã quỳ đã bắt đầu khoe sắc vàng tươi, bất chấp những cơn mưa bụi và giá lạnh đang bao phủ không gian.

img
Dân bản U Ma Tù Khòng chào đón đoàn công tác của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đến giúp dân phát triển sản xuất.

Từ trung tâm xã Thu Lũm, chúng tôi vượt gần 30km đường đèo dốc để đến với bản U Ma Tù Khòng - một bản giáp biên trong xã, giàu nhất vùng biên giới Mường Tè của đồng bào dân tộc Dao. Hành trình của chúng tôi là những cung đường núi đè núi, dốc nằm trên dốc… nhiều lúc tưởng như chỉ vượt lên dãy núi trước mặt là với tay nắm được mặt trời đang chơi trốn tìm cùng lữ khách sau những đám mây.

Bản U Ma Tù Khòng hiện ra dưới thung lũng trước mặt với những mái nhà san sát, cái lợp tôn, cái lợp ngói và lại có nhiều nhà cao tầng nổi bật giữa mây trời, gió núi. Chỉ lên dãy núi đang được bao phủ bởi những dải sương mù trắng xoá, thiếu tá Đỗ Tất Nhâm (Đồn Biên phòng Thu Lũm) bảo: “Bên kia là Trung Quốc rồi đấy. Bao đời nay người dân U Ma Tù Khòng cùng biên phòng bám đất giữ biên cương, xây dựng bản ngày thêm vững mạnh”.

Trưởng bản Tẩn Triều C vui vẻ đón khách với thông tin ban đầu: "Cái tên U Ma Tù Khòng là tên từ ngàn xưa của bản, còn dân chúng mình thì quen với cái tên là bản Biên Phòng rồi. Bản có 48 hộ với hơn 200 nhân khẩu thì có tới gần 40 hộ thuộc diện có mức sống khá và giàu; không có hộ nghèo, hộ đói đâu. Có được như thế là nhờ cán bộ biên phòng giúp đấy. Nhà báo đến đây, là khách của bộ đội thì cũng là khách quý của bản. Phải ở lại uống rượu với dân bản ta để cùng say và nhớ nhau mãi nhé…".

Nhờ cây thảo quả

Trong bữa cơm cùng những người dân bản U Ma Tù Khòng, câu chuyện về sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng với người dân nơi đây trở thành chủ đề chính. Ký ức của những người dân nơi đây vẫn còn lưu lại những tháng ngày đói cơm, thiếu áo, thất học; những cái chết oan uổng đau lòng bởi thiếu cán bộ y tế, thuốc men; những phận đời phụ nữ trôi nổi do bị lừa bán sang bên kia biên giới…

Nhưng giờ đây con đường từ trung tâm xã đến bản đã được bê tông hoá giúp cho việc đi lại thuận lợi, tạo tiền đề cho việc mở cửa khẩu và thông thương với nước bạn. Ánh điện sáng lan toả trong mỗi gia đình; những bể nước sinh hoạt công cộng được đầu tư mang nguồn nước sạch về với mỗi gia đình. Trường học được xây kiên cố, y tế về đến tận bản.

Bà con nhân dân ý thức khoanh nuôi chuồng trại xa nơi ở, giữ vệ sinh thôn bản sạch sẽ. Những hủ tục như nạn tảo hôn, mê tín cúng bái được loại bỏ dần. Đặc biệt là không còn tệ nạn lừa gạt phụ nữ, trẻ em sang biên giới; không còn người nghiện hút chất ma tuý tràn lan như xưa nữa.

Bí thư chi bộ bản - anh Tẩn Kiều chỉ lên vạt rừng thảo quả xanh ngút ngàn ngay trước bản, bảo: "Người Dao ở U Ma Tù Khòng vốn chỉ quen làm nông nghiệp, trước đây nghèo lắm. Từ ngày Nhà nước có chính sách hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số vùng biên, lại đưa bộ đội biên phòng về bám bản giúp dân thì cuộc sống mới khá lên được. Bộ đội cầm tay dân chỉ cách cấy lúa nước; hướng dẫn dân cách trồng và thu hái thảo quả.

Bản bây giờ đã có hơn 200ha cây thảo quả rồi. Vụ vừa qua nhiều nhà thu được mấy trăm triệu thảo quả đấy. Bây giờ no cái bụng rồi, bộ đội bảo phải lo cho con cháu mình học chữ thôi. Cái chữ sẽ làm con, cháu mình no ấm mãi; làm tấm lòng bộ đội biên phòng thêm vui…".

Nói về cái sự giàu có của bản, anh Tẩn Cua Luồn - người có tới 6ha thảo quả với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, kể: Hơn 10 năm trước cái nghèo, cái khổ ngự trị ở đây tưởng như không dứt ra được. Bản xa trung tâm xã, huyện, lại không có đường ô tô nên kinh tế không phát triển, muốn mua cân muối, cái kim khâu, cuộn chỉ màu… cũng phải đi bộ ra huyện mất mấy ngày đường.

Đồn Biên phòng Thu Lũm đã cử cán bộ xuống bản hướng dẫn dân cách làm ruộng bậc thang và dẫn nước từ khe suối cao về để làm lúa nước. Những ngày đầu chưa quen làm ruộng nước, người dân còn nghi ngại nên hưởng ứng chưa cao, bộ đội biên phòng phải xắn tay vào làm giúp dân, làm mẫu, làm điểm. Tuy chỉ cấy được một vụ nhưng năng suất lúa ruộng đã cao hơn lúa nương tới 2-3 lần.

Bà con được mắt thấy, tay làm, được thu hoạch những ruộng lúa trĩu hạt nên đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập trung khai hoang ruộng nước được thêm gần chục ha; cái đói nhanh chóng bị đẩy lui.

Tiếp đến, cây thảo quả được đưa về trồng, bước đầu chỉ mỗi hộ mấy ngàn m2 nhưng rồi hiệu quả kinh tế đã thúc đẩy người dân phát triển nương thảo quả lan rộng tới gần 220ha, bình quân mỗi hộ có hơn 4ha. Sau 4 năm trồng, thảo quả đã cho thu hoạch tới 3-4tạ quả/ha.

Với giá bán hiện nay thì mỗi tạ quả cũng được gần 20 triệu đồng mà chẳng phải mang vác gì bởi thương lái từ bên Trung Quốc về mua tận nơi. Nhờ thế mà dân bản mua sắm thêm được hàng trăm con trâu, bò, ngựa; nhà ai cũng có xe máy, tivi... Nhà trưởng bản còn có tới hơn 10ha thảo quả đấy.

Nhọc nhằn cái chữ

Thiếu tá Lù Lỳ Cà- Phó Trưởng đồn Thu Lũm bảo: “Bà con tích cực lắm, thấy bộ đội hướng dẫn gì là làm theo ngay nên đời sống thay đổi rất nhanh. U Ma Tù Khòng đã thành bản giàu nhất vùng biên giới Lai Châu rồi đấy. Chúng tôi đang hướng dẫn bà con gắn phát triển thảo quả với bảo vệ, phát triển vốn rừng và xây dựng đời sống văn hoá mới. Tới đây, khi Nhà nước mở cửa khẩu ở địa bàn này, kinh tế U Ma Tù Khòng sẽ phát triển nhanh hơn nữa. Vì thế đời sống văn hoá của bà con cần được nâng lên…”.

Câu chuyện học chữ ở U Ma Tù Khòng quả là không ít gian nan. Người Dao ở đây rất chăm chỉ làm ăn, chịu khó học hỏi để đổi mới nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất. Điều đó có thể dễ nhận ra qua cuộc sống khá đầy đủ tiện nghi của các hộ trong bản… Nhưng nói đến đi học thì bà con có vẻ khá thờ ơ. Bao năm qua, bản cũng chỉ có duy nhất một học sinh hiện đang học đến lớp 10.

"Ở U Ma Tù Khòng nhà nào cũng có tivi, đầu đĩa, xe máy và két bạc. Tới đây khi cửa khẩu được mở ra, nhiều hộ sẽ mua sắm ô tô để làm phương tiện đi lại và vận chuyển thay cho cái xe máy, con ngựa hiện nay. Dân bản đã hứa với bộ đội biên phòng là quyết tâm gắn phát triển kinh tế với văn hoá và góp phần bảo vệ biên cương ngày càng vững chắc" - Trưởng bản Tẩn Kiều C.

Nhiều năm trước, khi sự nghiệp giáo dục chưa phát triển, bộ đội biên phòng đã phối hợp với nhà trường tổ chức nhiều đợt xoá mù chữ cho dân. "Thấy bộ đội biên phòng vất vả suốt ngày, tối về lại kèm dân học chữ, thương lắm ! Nhưng cái chữ cứ vào đầu rồi lại đi đâu mất, học mãi cũng chỉ nhớ được cái tên mình thôi"- ông Chu Xé Nơi- một người dân bản nhớ lại.

Rồi điểm trường ở bản được xây dựng khang trang, có đủ các bậc học từ mầm non tới hết tiểu học nhưng sĩ số của lớp học cũng chẳng mấy khi ổn định, nhất là những dịp lễ, tết, mùa thu hoạch cây trên nương. Bởi vậy bộ đội biên phòng vẫn phải bám dân, bám bản cùng các giáo viên vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường; thậm chí phải đón các cháu đến lớp trong từng buổi học, nếu không, lớp học lại "hao" ngay.

Bấm đầu ngón tay, Bí thư chi bộ Tẩn Kiều bảo: "Bây giờ bản đã có hơn 20 cháu học mầm non và hơn 40 cháu đang học các lớp phổ thông rồi. Cứ duy trì được như thế này chẳng bao lâu nữa U Ma Tù Khòng sẽ có cán bộ giỏi, dân bản sẽ ngày một sung sướng hơn. Công đầu trong phát triển giáo dục ở đây thuộc về bộ đội biên phòng đấy!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem