TP.HCM không đăng ký thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn, vì sao?

Hoàng Hưng Thứ tư, ngày 12/02/2020 13:00 PM (GMT+7)
Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu các địa phương trên cả nước báo cáo và đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn, thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Thế nhưng, riêng TP.HCM đã không đăng ký thí điểm hợp nhất.
Bình luận 0

Có vẻ trái ngược với chỉ đạo của Bộ Nội vụ về vấn đề này, nhưng rà soát lại ở nhiều khía cạnh, việc chính quyền TP.HCM không đăng ký thí điểm hợp nhất trên trong thời điểm này cũng có lý do của nó.

Tại văn bản số 421/UBND-VX ngày 8/2/2020 của UBND TP.HCM nêu rõ: TP.HCM đã tạm dừng việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP, UBND quận - huyện, theo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ tại công văn số 5954/BNV-TCBC ngày 5/12/2018 và Nghị quyết số 18-NQ-TW.

Thực tế hiện nay, UBND TP.HCM có 20 cơ quan chuyên môn trực thuộc và 12 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND quận  huyện.

Về đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; trước đây, UBND TP.HCM đã từng góp ý với Trung ương không hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch - Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng. Nay, theo đề nghị của Bộ Nội vụ về đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; vấn đề trên càng thêm chú trọng. UBND TP.HCM đã không đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, sở dĩ TP.HCM không đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn là vì xuất phát từ vị trí, vai trò và quy mô đặc thù của TP.HCM.

img

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: T.T

“TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế và đầu tàu, động lực có sức thu hút, lan toả mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với quy mô dân số lớn nhất nước, đóng góp cho ngân sách nhiều nhất nước” - ông Phong nói.

Thật vậy, về quy mô dân số, TP.HCM đang chịu sức ép của gần 9 triệu dân cư trú thực tế. Số dân này gần bằng 1/2 tổng số dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng (22,5 triệu, đông nhất nước); gần gấp 2 lần tổng số dân các tỉnh Tây Nguyên (5,8 triệu, ít nhất nước). Nếu so sánh theo từng tỉnh thì dân số TP.HCM gấp 10 lần bình quân dân số của mỗi tỉnh, TP (1,2 triệu dân/tỉnh, thành).

Về thu ngân sách nhà nước, TP.HCM chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước. Trong đó, chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm được giao cao gấp 10-20 lần so với các tỉnh, thành phố khác.

img

Hơn 9 triệu dân cư trú thực tế, TP.HCM đông dân nhất cả nước. Ảnh: T.L

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, TP còn đóng “vai trò hạt nhân” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; góp phần giữ tốc độ tăng trưởng bình quân toàn vùng trong 10 năm qua gấp 1,5 lần so với cả nước.

Các sở, ngành và hơn 1.134 doanh nghiệp của TP đã ký kết hợp tác với các địa phương, với 1.165 dự án, tổng trị giá 279.503 tỷ đồng. Việc TP hình thành các khu công nghiệp cũng giúp các địa phương giải quyết việc làm cho người dân v.v…

img

Ngập nước, kẹt xe, hạ tầng bị quá tải đang là gánh nặng cho chính quyền và người dân TP.HCM. Ảnh: T.L

“Như vậy, TP.HCM với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế-xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt, cùng khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều và có xu hướng ngày càng tăng lên, mức độ phức tạp của công việc ngày càng cao, đòi hỏi việc tuân thủ quy trình, quy chuẩn, các kế hoạch pháp luật phải triệt để và chính xác. Việc này tạo nên áp lực lớn đối với tổ chức bộ máy, cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của TP. Do đó, để phù hợp với quy mô rất lớn của TP, việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cần được tổ chức nghiên cứu chặt chẽ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả trước khi đăng ký thí điểm” - ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem