Quan điểm của Thống đốc
Tháng 11/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước các đại biểu Quốc hội, cũng là lần đầu tiên nêu quan điểm chính thức về vấn đề huy động 500 tấn vàng trong dân trên cương vị người đứng đầu ngành ngân hàng, với 3 điểm nhấn đáng chú ý.
Thứ nhất, Thống đốc cho rằng giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất, cũng là khả thi nhất là phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó củng cố giá trị đồng Việt Nam (VND), từ đó tạo lòng tin cho người dân. Khi người dân có lòng tin thì vàng sẽ tự chuyển hóa sang VND để gửi tiết kiệm, đầu tư trực tiếp trên thị trường chứng khoán hoặc trực tiếp đầu tư kinh doanh.
Thứ hai, Thống đốc thừa nhận rằng vàng là tài sản tài chính.
Thứ ba, Thống đốc đánh giá việc điều hành thị trường vàng thời gian qua đã rất thành công khi Nhà nước không phải tốn lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, gây bất ổn vĩ mô và tạo áp lực lạm phát. Thống đốc còn nhìn nhận rằng thị trường hiện nay đang tự điều tiết và theo đó, thị trường đã chuyển hóa được một phần lớn nguồn lực từ vàng vào nền kinh tế.
Quan điểm thứ nhất rất đúng đắn. Việc người dân muốn đầu tư vào tài sản nào là quyền của họ. Nếu việc nắm giữ VND là có lợi cho họ thì họ sẽ nắm giữ và ngược lại, họ sẽ nắm giữ vàng nếu thấy điều đó là nên làm. Thị trường hiện nay đủ cung cấp cho người dân lựa chọn VND hay vàng để nắm giữ.
Tuy nhiên, vẫn còn 2 điều gây lấn cấn. Một là, nếu để nguồn lực vàng “tự chuyển hóa” như lời Thống đốc thì điều đó có nghĩa là NHNN sẽ không có động thái cụ thể gì nhằm thúc đẩy một cách lành mạnh để việc chuyển hóa vàng diễn ra nhanh hơn?
Hai là, tạm bỏ qua trường hợp bất ổn kinh tế trong nước, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới, giá vàng thế giới tăng “sốc”, người dân đổ xô đi mua vàng thì NHNN liệu có đáp ứng đủ nhu cầu người dân? Nếu đáp ứng đủ thì NHNN vẫn sẽ mất lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng và do đó, vẫn gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát tương tự như khi mở cửa thị trường vàng. Nếu không đáp ứng đủ thì không sòng phẳng với người dân, người dân bị hạn chế quyền lựa chọn, giá vàng trong nước cũng không thể liên thông với giá vàng thế giới.
Ổn định thị trường vàng ở thời điểm ít bất ổn như hiện nay dễ dàng hơn nhiều so với lúc thị trường khủng hoảng. Thực tế, bất ổn thị trường vàng thời gian trước có một phần nguyên nhân từ bất ổn kinh tế thế giới, chứ không chỉ xuất phát từ việc để thị trường vàng hoạt động “quá thông thoáng”.
Ở quan điểm thứ hai, việc Thống đốc thừa nhận rằng vàng là tài sản tài chính cho thấy chức năng phương tiện thanh toán của vàng rất mờ nhạt. Điều này bác bỏ quan niệm cho rằng để nếu để thị trường vàng hoạt động thông thoáng trở lại thì có thể gây nguy cơ vàng hóa nền kinh tế.
Ở quan điểm thứ ba, không chỉ Thống đốc, việc thị trường vàng được bình ổn sau Nghị định 24 là điều ai cũng thấy và đáng được ghi nhận. Nhưng điều này cũng đặt ra câu hỏi, khi tình hình đã tương đối ổn định như hiện nay, việc tiếp tục “siết” thị trường vàng có còn là giải pháp tốt nhất? Thống đốc cho rằng thị trường vàng đang “tự điều tiết”, nhưng đây là sự tự điều tiết trong khuôn khổ rất chặt chẽ mà dưới nhiều góc độ là phi thị trường.
Nên bỏ tư duy “huy động 500 tấn vàng trong dân”
Huy động 500 tấn vàng trong dân là đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, sau đó được Chính phủ giao cho NHNN nghiên cứu triển khai. Hiệp hội Kinh doanh vàng thậm chí còn kiến nghị thành lập sở giao dịch vàng quốc gia và thông qua đó, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.
Tạm bỏ qua chuyện huy động vàng trong dân bằng cách nào, chỉ nói đến ý tưởng “huy động 500 tấn vàng” trong dân đã cho thấy hình dung về một nguồn lực to lớn (khoảng gần 500.000 tỷ đồng).
Thế nhưng, dưới góc độ lợi ích, đây có thể chỉ là cái cớ để các doanh nghiệp đang/sẽ kinh doanh trong lĩnh vực vàng đem về nguồn lợi “kếch sù” nếu kiến nghị được chấp thuận. Đây hẳn cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước không mặn mà với kiến nghị này. Và là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao nên bỏ tư duy “huy động 500 tấn vàng trong dân”.
Hơn nữa, như đã đề cập, việc người dân chọn giữ VND hay vàng là quyền của họ. Tư duy “huy động 500 tấn vàng trong dân” có thể làm méo mó cách nhìn của người dân về định hướng quản lý của Nhà nước.
Trả vàng về thị trường: Di sản lâu dài
NHNN hiện vẫn đang đứng trên quan điểm thận trọng khi đặc biệt lưu tâm đến nguy cơ gây bất ổn từ thị trường vàng mà điển hình trong đó là làm xáo trộn quan hệ tiền đồng – vàng – ngoại tệ.
Càng “nới” các điều kiện kinh doanh vàng, nhu cầu vàng càng cao (cả từ nhu cầu thực lẫn nhu cầu ảo – đầu cơ), NHNN càng phải nhập vàng từ nước ngoài về (bởi sản lượng khai thác vàng trong nước không đáng kể so với nhu cầu), do đó càng tốn ngoại tệ, kéo theo tỷ giá bị ảnh hưởng. Đây là lo ngại thường được các lãnh đạo NHNN nhắc đến xuyên suốt, trong đó có người đứng đầu ngành, ông Lê Minh Hưng.
Thêm vào đó, thị trường vàng nếu “nới” mà không được điều hành tốt, thị trường liên tục xáo trộn thì có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định vĩ mô nói chung và ổn định tiền đồng nói riêng.
Những lo ngại của NHNN là có cơ sở, nhưng dưới nhiều góc độ đến nay đã không còn phù hợp.
Thứ nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay rất lớn, lên đến 63 tỷ USD. Lượng dự trữ này đủ để ứng phó với nhiều biến động lớn cùng lúc. Đây là bộ đệm rất tốt để NHNN trả vàng về với thị trường mà không phải quá lo đến chuyện nhập vàng sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá.
Thứ hai, có phải lúc nào NHNN cũng phải tốn ngoại tệ nhập vàng? Câu trả lời là không. Ban đầu, khi “nới” thị trường vàng, nhu cầu tăng cao sẽ khiến NHNN phải chi ngoại tệ nhập vàng. Tuy nhiên, khi cung vàng đã tương đối đáp ứng nhu cầu vàng thì thị trường sẽ tự điều tiết, NHNN chỉ can thiệp trong những trường hợp đặc biệt.
Thứ ba, khi vàng được trả về với thị trường, một mặt sẽ kích hoạt nhu cầu mua – bán vàng, qua đó đẩy vàng từ chỗ “nằm im trong két” ra lưu thông. Mặt khác, ngân sách sẽ được hưởng lợi lớn về thuế.
Thuế ở đây không chỉ là thuế thu nhập doanh nghiệp (từ các doanh nghiệp tham gia thị trường vàng), thuế xuất – nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng… mà còn là các loại thuế liên quan đến sở giao dịch vàng (nếu được thành lập).
Tất nhiên, việc thành lập sở giao dịch vàng phải có lộ trình, trong đó có lộ trình của các thành viên tham gia thị trường (chẳng hạn, bắt đầu từ các định chế tài chính lớn, sau đó tới các định chế nhỏ hơn và dần dần mới đến các cá nhân, người dân).
Một lợi ích khác là thu hút được nguồn tiền từ nước ngoài. Nếu NHNN thực sự làm sàn vàng một cách bài bản (tương tự như các sàn giao dịch chứng khoán) thì sẽ hút được lượng lớn vốn ngoại tham gia đầu tư, thậm chí có thể làm tiền đề cho Chính phủ phát hành trái phiếu vàng để huy động tiền từ nước ngoài một cách minh bạch và chuyên nghiệp.
Phát triển thị trường vàng để tạo cơ hội đầu tư, thu được nhiều vốn ngoại, thu được nhiều thuế là bài toán khó, nhưng sẽ là di sản lâu dài. “Thiên thời, địa lợi”, thị trường vàng chỉ còn chờ sự thay đổi trong quan điểm điều hành từ cơ quan quản lý.
Bài học từ Trung Quốc
Trung Quốc là một điển hình thành công trong việc trả vàng về thị trường.
Theo TS Tô Ánh Dương, về cơ bản, kế hoạch tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc bao gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là xoá bỏ chế độ độc quyền kinh doanh vàng và cơ chế kiểm soát giá, đồng thời thành lập Sở giao dịch vàng Thượng Hải. Giai đoạn 2 là từng bước xoá bỏ cơ chế cấp phép đối với hoạt động sản xuất, bán buôn và bán lẻ vàng, bước đầu là đối với hoạt động bán lẻ, sau đó cho phép cá nhân được tham gia giao dịch vàng miếng. Giai đoạn 3, xoá bỏ từng bước chế độ quản lý xuất nhập khẩu vàng.
Mấu chốt thành công trong phát triển thị trường vàng của Trung Quốc nằm ở việc thành lập và quản lý tốt Sở giao dịch vàng Thượng Hải (SGE).
SGE được thành lập vào tháng 11/2001, hoạt động độc lập như một Sở Giao dịch Chứng khoán. SGE là pháp nhân độc lập do Nhà nước đầu tư vốn 100% (vốn điều lệ đăng ký tương đương khoảng 4,2 triệu USD), thời gian hoạt động là 50 năm. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa là cơ quan quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động của SGE.
Hội đồng quản trị của SGE do Ngân hàng Trung ương tiến cử, hầu hết các vị trí quan trọng và chủ chốt trong Ban Quản trị của Sàn đều do Ngân hàng Trung ương bổ nhiệm. SGE có chế độ báo cáo thường xuyên và đột xuất nhờ đó mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn giữ được quyền chủ động trong mọi quyết định của SGE.
Tháng 10/2002, Sở giao dịch vàng Thượng Hải chính thức đi vào hoạt động. Đây là sàn vàng vật chất giao ngay (spot gold). Sản phẩm được phép giao dịch lúc đầu là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sau đó mở rộng sang các kim loại quý khác như bạch kim và bạc.
Để thực hiện giao dịch vàng vật chất, SGE có hệ thống thành viên là các công ty cung cấp dịch vụ lưu kho, bảo quản và giao nhận vàng. Ban đầu, chỉ nhà đầu tư là tổ chức mới được phép tham gia giao dịch trên SGE, nhà đầu tư cá nhân chưa được phép tham gia. SGE có hệ thống thành viên là các tổ chức kinh tế trong nước, gồm: các công ty kinh doanh vàng (công ty khai thác, chế tác, xuất nhập khẩu vàng); các định chế tài chính và các thành viên chủ chốt. Các thành viên này là các nhà tạo lập thị trường, tham gia giao dịch, làm đại lý nhận lệnh, thực hiện chức năng ngân hàng thanh toán hoặc cung cấp dịch vụ kho bãi, giao nhận. Tại thời điểm đi vào hoạt động, SGE có 108 thành viên.
Theo số liệu thống kê trên website của Sở giao dịch vàng Thượng Hải, giá vàng giao dịch trên SGE (đơn vị CNY/g) tương đối sát với giá thế giới (đơn vị USD/ounce) nếu cộng cả thuế và các chi phí nhập khẩu.
Với sự ra đời của SGE, giao dịch vàng miếng đã được thực hiện tập trung qua Sàn bằng cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả do cung cầu thị trường quyết định, PBOC không thực hiện quy định giá đối với giao dịch vàng miếng. Đây là sự kiện đánh dấu sự chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng của Trung Quốc.
Tháng 3/2003, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được phép đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng tại thị trường trong nước. Các năm sau đó, Trung Quốc liên tục “nới” thị trường vàng bằng việc bãi bỏ giấy phép kinh doanh vàng, cho phép các ngân hàng thương mại mua bán vàng vật chất, cho phép cá nhân giao dịch vàng miếng trên SGE…
Lúc này, vàng trở thành kênh đầu tư tài chính hấp dẫn tương tự như các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản với sự tham gia từ tổ chức đến cá nhân, từ trong nước đến nước ngoài.
|
Tri Lâm (Vietnamfinance)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.