Trợ sức nông dân Gio Phong khôi phục vườn tiêu

Ngọc Vũ Chủ nhật, ngày 10/11/2019 18:14 PM (GMT+7)
Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân (ND), những nông dân tham gia dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn tiêu theo hướng an toàn sinh học tại xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị” đã mạnh dạn khôi phục vườn tiêu của mình.
Bình luận 0

Lụi tàn vì giá thấp

Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi cùng lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Trị về thăm xã Gio Phong - nơi có đất đỏ bazan phì nhiêu, xóm làng trù phú, lao động trẻ và dễ tiếp thu kiến thức, kỹ thuật. Nơi đây, suốt bao đời người dân xem hồ tiêu là cây trồng chủ lực, đem lại cho họ kinh tế ổn định. Nhiều thế hệ người Gio Phong lớn lên, ăn học thành tài cũng nhờ cây tiêu.

img

 Hai lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Trị (trái) thăm vườn tiêu của nông dân tham gia dự án.  Ảnh: B.N

Theo ông Nguyễn Ngọc Lương, mô hình trồng tiêu ứng dụng vi sinh vật hạn chế về sâu bệnh, thu hoạch dễ dàng và thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả rõ nét nhất là tiêu sẽ phát triển nhanh, ra nhiều nhánh, năng suất cao hơn 0,5 lần so với cách trồng truyền thống.

Thế nhưng, giá tiêu không ổn định, từ mức 240.000 đồng/kg tiêu khô năm 2014 giảm dần theo từng năm, đến nay đã thấp cực điểm, chỉ còn 45.000 đồng/kg. Ở mức giá này, nông dân trồng tiêu rất khó khăn, thu không đủ bù chi. Vì vậy, nông dân Quảng Trị nói chung và xã Gio Phong nói riêng nảy sinh tâm lý buông bỏ, ít quan tâm chăm sóc loại cây trồng đã gắn bó lâu đời với họ. Những vườn tiêu bắt đầu lụi tàn, trống hoác...

Ông Nguyễn Văn Út - Phó Chủ tịch UBND xã Gio Phong cho hay, khi giá hồ tiêu ở mức trung bình, khoảng 100.000 đồng/kg tiêu khô thì người dân còn chăm bón, mong chờ. Đến khi giá chỉ còn 60.000 đồng, rồi tụt xuống 45.000 đồng/kg như hiện nay thì nhiều hộ không muốn thu hoạch.

“Nhìn những vườn tiêu tàn lụi dần, tôi thật sự xót xa. Vẫn có những hộ dân muốn khôi phục vườn tiêu nhưng họ không đủ vốn và kỹ thuật nên đành chịu” – ông Út nói.

Đáng buồn hơn, nhiều hộ còn phá vườn tiêu của mình để chuyển qua những loại cây ngắn ngày nhằm giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt. Từ một hộ ban đầu đã nảy sinh tâm lý dây chuyền khiến nhiều hộ cùng phá bỏ vườn tiêu.

Khôi phục vườn tiêu

Nhận thấy tình trạng cấp bách trên, Hội ND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn tiêu theo hướng an toàn sinh học tại xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị”.

Ông Nguyễn Ngọc Lương - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Trị cho biết, cây tiêu Quảng Trị có nhiều đặc điểm nông sinh học phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai tại đây, đặc biệt là ở Gio Phong có đất đỏ bazan phì nhiêu. Dự án này nhằm nâng cao hơn nữa về chất lượng, năng suất hạt tiêu. Vì vậy, cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đúng quy trình.

Việc đầu tiên là Hội ND các cấp đã phổ biến về dự án, trong đó có việc hỗ trợ 40% vốn, 60% còn lại do người dân đối ứng. Sau khi phổ biến dự án, Hội ND các cấp tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tham gia.

Theo ông Lương, quá trình vận động gặp nhiều khó khăn bởi người dân còn e ngại giá hồ tiêu hiện nay quá thấp. Tuy nhiên, theo phân tích, hiện nay địa phương chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm, chủ yếu phụ thuộc vào sự dao động của thị trường. Giá hồ tiêu xuống thấp có nhiều nguyên nhân như xung đột thương mại Trung Quốc – Mỹ; chu kỳ biến động giá theo đồ thị hình sin, giá hồ tiêu đã lên tới cực đại 240.000 đồng/kg tiêu khô vào năm 2014 thì tất yếu sẽ đi xuống.

Hiện nay, giá hồ tiêu đã đạt cực tiểu thì sẽ có xu hướng tăng sau vài năm tới. Hơn nữa, tiêu là cây trồng truyền thống của người dân Gio Phong, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn như diện tích đất nhỏ hẹp, phương thức canh tác, kỹ thuật còn chưa cao… Bởi vậy, việc khôi phục vườn tiêu vẫn là lựa chọn người dân nên ưu tiên.

Từ những phân tích, vận động tích cực đó, có 16 hộ dân đã tham gia dự án với diện tích trồng tiêu 16.000m2.

Được sự hướng dẫn của cán bộ Hội ND tỉnh và Sở KHCN tỉnh Quảng Trị, người dân đã dùng các chế phẩm sinh học, vôi có nồng độ phù hợp để xử lý đất và phòng ngừa sâu bệnh 2-3 tuần trước khi trồng. Người dân được hướng dẫn dùng phân bón hữu cơ, vi sinh để trồng tiêu. Giống cây cũng được chuẩn bị kỹ, bầu có đường kính 15cm, cao 20cm, hom dài 20-25cm, chất lượng to, khoẻ, thẳng, không bị sâu bệnh, tuổi hom cây trên 5 tháng.

Khi nhiệt độ khoảng 30-33 độ C, người dân mới được phép trồng với mật độ 5.400 hom/1.800 choái cây/ha, mỗi hom cách nhau khoảng 0,3m.

Bà Nguyễn Thị Em (SN 1950, trú thôn Lan Đình, Gio Phong) cho biết, thực hiện theo quy trình của dự án, gia đình bà đã trồng tiêu trên diện tích 3.000m2. Tuy mới trồng cuối tháng 9 nhưng nay tiêu đã cao từ 50-60cm, phát triển nhanh, lá xanh mơn mởn. Theo bà Em, nhờ có dự án của Hội ND triển khai nên phong trào khôi phục vườn tiêu của nông dân xã Gio Phong đã được gây dựng lại, nhân dân phấn khởi, tin tưởng tương lai được mùa được giá.

Anh Nguyễn Văn Toán - người dân tham gia dự án cho biết, sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình do cán bộ kỹ thuật của dự án hướng dẫn với mong muốn vườn tiêu 1.000m2 của mình sẽ đạt năng suất, chất lượng cao. “Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương và Hội ND các cấp hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho cây tiêu để người dân yên tâm sản xuất” – anh Toán nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem