Trốn cách ly dịch Covid-19, khi nào khởi tố hình sự?

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 26/03/2020 12:04 PM (GMT+7)
Nhiều trường hợp cách ly dịch Covid-19 đã trốn, không chấp hành, mới nhất là cô gái ở Long Biên trốn cách ly ra sân bay Nội Bài để sang Anh. Luật sư cho rằng việc phạt tiền cô gái ở Long Biên là nhẹ, chưa đủ răn đe đối với các trường hợp tương tự.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, tối 25/3, UBND quận Long Biên (TP.Hà Nội) lập biên bản xử phạt Vũ Thu H. (25 tuổi, ở quận Long Biên) 10 triệu đồng về hành vi trốn khỏi khu cách ly dịch Covid-19 lên sân bay Nội Bài để sang Anh.

Trước đó, cũng đã có nhiều trường hợp trốn cách ly dịch Covid-19 ở các địa phương khác, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch. 

Luật sư Vũ Văn Vinh, Văn phòng luật sư Bảo Kim (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi của cô gái ở Long Biên trốn cách ly dịch Covid-19 là không thể chấp nhận và mức xử phạt như vậy là nhẹ, chưa đủ sức răn đe. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, khả năng lây lan trong cộng đồng cao thì hành vi trốn cách ly, đi vào khu vực đông người sẽ làm mất kiểm soát về dịch bệnh, tăng khả năng lây nhiễm .

img

Luật sư Vũ Văn Vinh - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng cần có mức xử phạt răn đe với những người trốn cách ly dịch Covid-19.

Trường hợp cơ quan chức năng xác định người bị nhiễm Covid-19 nhưng cố tình trốn tránh các biện pháp cách ly y tế, mang mầm bệnh lây nhiễm cho người khác sẽ bị truy cứu hình sự theo điều 240 của Bộ luật hình sự.

"Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các hành vi chống đối, trốn tránh kiểm tra, trốn cách ly, đặc biệt là những người bị nhiễm Covid-19 để tạo tính răn đe, cảnh tỉnh cho người dân", luật sư Vinh nói.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) cũng cho hay, mức phạt 10 triệu đồng đối với hành vi của cô gái là nhẹ. 

Ông Cường cho rằng, cô gái cố ý thực hiện hành vi di chuyển ra khỏi khu vực cách ly là thể hiện thái độ bỏ mặc hậu quả xảy ra. Đây là lỗi cố ý vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm theo điều 10, Nghị định 176/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. 

img

Ngày 25/3, cô gái 25 tuổi ở Long Biên đã trốn khỏi khu cách ly dịch Covid-19 lên sân bay Nội Bài để sang Anh.

"Trường hợp của cô gái nêu trên, nếu như gây ra hậu quả bệnh dịch lây lan ra cộng đồng mà phải công bố dịch bệnh tại khu vực lây lan thì người trốn cách ly sẽ bị truy cứu theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người". Hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 12 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nhà nước, với tổ chức và cá nhân ", ông Cường nói.

Luật sư Cường khuyến cáo, khi các địa phương đã ban hành lệnh cấm tụ tập, tập trung đông người người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 điều này.

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 điều này.

c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

d) Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, khoản 2 điều này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem