Trung Quốc sợ bị Triều Tiên "bỏ rơi" khi đối thoại Mỹ-Hàn Quốc

Tiểu Đào Thứ tư, ngày 25/04/2018 16:00 PM (GMT+7)
Khi mà tiến trình đàm phán giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đang có những bước tiến nhanh chóng, Trung Quốc – đồng minh lâu đời của Bình Nhưỡng – đang lo sợ rằng mình sẽ bị gạt ra ngoài lề những cuộc đối thoại trên bán đảo Triều Tiên.
Bình luận 0

img

Các cuộc gặp Thượng đỉnh song phương giữa Mỹ, Hàn Quốc với Triều Tiên sẽ sớm diễn ra. Ảnh: Express.

Hiện tại, cả thế giới đang nín thở chờ đợi hai cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn-Triều (diễn ra vào ngày 27.4) và Thượng đỉnh Mỹ-Triều (diễn ra vào tháng 5) bởi tính quyết định đến tương lai của bán đảo Triều Tiên. Hiển nhiên, đây là sự kiện ai cũng mong đợi một cách phấn khởi.

Ngoại trừ Trung Quốc – đồng minh lâu đời của Bình Nhưỡng.

Một thỏa thuận tích cực giữa Triều Tiên và liên minh Mỹ-Hàn Quốc chính là thứ đang khiến Trung Quốc lo âu bởi nó đồng nghĩa với việc Bình Nhương sẽ trệch ra khỏi “quỹ đạo” của Bắc Kinh, trở thành một nước không còn phụ thuộc vào sự trợ giúp thương mại và ngoại giao của Trung Quốc như trước – hay nói một cách khác là xa Trung Quốc, gần gũi với Mỹ hơn.

“Nhiều người hoạch định chiến lược Trung Quốc lo ngại rằng rất có thể, Mỹ sẽ chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân làm đồng minh, hoặc ít nhất là một quốc gia thân thiện với Washington”, chuyên gia chính sách hạt nhân Tong Zhao thuộc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Tsinghua Carnegie tại Bắc Kinh cho biết.

Trong hoàn cảnh hiện tại, mối lo ngại ngày đang ngày càng hiện hữu khi Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu về thương mại sau một loạt động áp thuế “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau.

Đứng ngoài lề?

img

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng phu nhân trong chuyến thăm tới Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua.

Trong hơn nửa thập kỷ từ sau Chiến tranh Triều Tiên, Triều Tiên luôn đóng vai trò ngăn cách Trung Quốc với lực lượng Mỹ tại phía nam bán đảo Triều Tiên, tạo nên một thế cân bằng giữa hai bên. Thế nhưng, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã phá vỡ thế cân bằng này, dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và cả nguy cơ quân sự từ phía Mỹ và đồng minh tại bán đảo Triều Tiên – cửa ngõ ngay sát nách Trung Quốc.

Đây là điều Bắc Kinh không thể làm ngơ bỏ qua.

“Trung Quốc luôn muốn duy trì một mối quan hệ bình thường và ổn định với Triều Tiên. Nước này không hề có bất kỳ mâu thuẫn nào với Bình Nhưỡng, ngoại trừ vấn đề hạt nhân ra”, ông Zhao nói. “Vì vậy, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước động thái tăng tốc phát triển hạt nhân của Triều Tiên bằng cách chung tay với cộng đồng quốc tế trừng phạt nước này. Đòn trừng phạt của Trung Quốc chắc chắn là có tác động cực lớn tới nền kinh tế Triều Tiên”.

Chính vì vậy, sự thay đổi về chính sách ngoại giao, tiến tới đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ đã khiến Trung Quốc khá bất ngờ.

Vào tháng 3 vừa rồi, lần đầu tiên sau 7 năm lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến thăm Bắc Kinh nhằm thông báo về việc này cũng như tìm kiếm lời khuyên và chúc may mắn từ Chủ tịch Tập Cận Bình – một động thái được cho là để cho thế giới thấy, Trung Quốc vẫn đứng về phía Triều Tiên và sẽ vẫn là một nhân tố ngoại giao chủ chốt trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Thế nhưng, điều đó dường như là chưa đủ. Sự chuyển hướng bất ngờ của ông Kim vẫn khiến Bắc Kinh không thể yên lòng dù đã được chấn an bởi chuyến thăm của chính nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên.

“Trung Quốc không thích việc ‘sân khấu bán đảo Triều Tiên’ chỉ có Bình Nhưỡng, Seoul và Washington. Bắc Kinh lo ngại không thể tiếp tục gây ảnh hưởng và đảm bảo lợi ích của mình tại khu vực này”, Duyeon Kim – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên tại Seoul nhận định.

“Nếu kết quả của hai cuộc gặp Thượng đỉnh khiến Trung Quốc ‘phật lòng’, nước này có thể dễ dàng ‘phá bĩnh’ nỗ lực phi hạt nhân hóa của Mỹ bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm vận Triều Tiên nhằm tạo ra một lối thoát Bình Nhưỡng, đồng thời từ chối thực thi bất kỳ lệnh cấm vận nào của LHQ trong hiện tại và tương lai”.

Tối đa áp lực sẽ vẫn được duy trì?

Vào tuần trước, khi ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ dừng toàn bộ việc thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, nhiều nhà hoạch định chiến lược ở Trung Quốc cho rằng đây là cơ hội để nới lỏng các lệnh cấm vấn được cho là đã buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.

Ngay sau tuyên bố này, một cây bút bình luận của tờ báo nhà nước Global Times đã công khai thể hiện quan điểm này: “Nếu Washington vẫn muốn sử dụng tối đa áp lực để ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, tình hình sẽ trở nên nguy hiểm, phức tạp và cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều không đồng ý với cách tiếp cận này. Trong trường hợp thất bại, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên căng thẳng hơn trước”.

“Cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Triều Tiên bằng cách dỡ bỏ một số lệnh cấm vấn và nối lại một số hoạt động trao đổi thương mại, cho Triều Tiên thấy việc quay lại với cộng đồng quốc tế sẽ mang lại lợi ích lớn lao như thế nào cũng như sự quan trọng của việc từ bỏ vũ khí hạt nhân đối với tình hình an ninh của Triều Tiên.”

Theo đài CNN của Mỹ, bài viết này chính là quan điểm của chính phủ Trung Quốc.

“Chúng tôi tin rằng các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên không nên chỉ có ‘phạt’ mà phải có ‘thưởng’ để khuyến khích việc phi hạt nhân hóa, hoa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng vào tuần này cũng có tuyên bố tương tự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem