Truyện dự thi: Búi trăng

Thanh Ling (Quảng Trị) Thứ hai, ngày 16/11/2020 07:30 AM (GMT+7)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" của tác giả Thanh Ling (Quảng Trị)
Bình luận 0

Rằm tháng bảy, trăng rơi xuống cát, những hạt bụi vàng nhỏ li ti li ti kết thành bức mành mỏng màu mỡ gà phủ lên khu vườn khẳng khiu vài cây chuối. Sau những ngày nắng cháy, thân chuối teo tóp, tàu lá xém nắng quăn trớt như cầu vồng. Sương đêm có bao nhiêu hạt đọng lại ở đó. Cuối vườn, hàng dâu xanh ngắt, trái bắt đầu ửng đỏ, ban ngày bọn trẻ mải mê xúm xít nhưng vẫn không sao vặt hết. Quả dâu tầng tầng lớp lớp đan vào nhau, vài nhành thả quả. Dưới chân dâu cát vàng trông như mật ong, chúng rất mịn màng, óng ả. So với những nơi khác của xóm Đình thì ở đây có tầng cát dày nhất. 

Khu vườn cô Son đẹp nhất làng. Nhưng ông Cửu cứ năm lần bảy lượt bảo dời vì nhà ở hướng đình làng, choán thánh. Cô Son nói, xa xôi thế mà ông, từ nhà tới đình làng cũng phải gần cả ngàn mét. Còn nhiều chuyện không phải là khoảng cách gần xa, mà nó ở vị trí choán thánh, ông Cửu nhắc lại. Cô Son lặng im. Chẳng ai nói thêm gì, ông Cửu dời nhà đi, cô Son vẫn ở lại.

Truyện dự thi: Búi trăng - Ảnh 1.

Minh họa: Hoàng Du

Trăng sáng, cứ như sáng tức rồi chết trong mãnh liệt. Cô Son ốm từ ngày này qua ngày khác, bụng trướng to. Đứa con trai cô gần hai mươi tuổi nhưng vẫn khóc khi không giúp gì được cho mẹ. Thuốc thang đủ đường, ông Cửu cũng hốt cho vài thang. Thoáng nhìn tưởng thuốc nhưng nó chỉ là một vài loại lá thanh lọc cơ thể mà người dân thường dùng. Ông Cửu lẳng lặng, rồi cũng khỏi bệnh thôi, không sao đâu, ông nói như thế. Cô Son cúi mặt xuống đất, lặng im. Sau ngước mặt nhìn con trai, hai hàng nước mắt chảy. Không phải từ cô, nó bò ra từ đôi má ửng đỏ vì dầm nắng mưa tìm lá rừng của đứa con trai, nó còn trong sáng quá.


Đầu hôm, chó sủa vồn vực ở cuối vườn cô Son, quá nửa đêm thì chúng cắn xé nhau. Bà Luyến nhìn sang khóc thét. Trời ơi! Oan gia chi mà tội tình. Trăng chết, khi đám mây lớn bao phủ, sấm chớp đùng đùng, trời mưa, dần dần khỏa lấp dấu tay đào cát. Máu hòa nước lợn cợn, chảy lều phều dưới ánh đèn pin của bà Luyến. Đám chó vừa xâu xé nhau có con chết, một vài con bị thương. Trên tay bà Luyến lăm lăm con dao, bà chửi tục. Quân chó má. Chúng gừ gừ rồi tản đi, mồm con nào con nấy đỏ hoe, đôi mắt trừng trừng, lần đầu tiên bà Luyến thấy sự hung tợn của loài chó. Đôi mắt ấy của chúng ám phải hồn người.


Dòng sông buồn tao tác. Có thể nghe tiếng sông chảy mòn từ phía mé vườn. Thêm vài trận lũ nhà có thể đổ sông. Mà cũng đáng thế, bà Luyến nghĩ, trôi đi trôi đi, sống chi mà bi đát, cứ đầu xóm đến cuối thôn nhập nhoạng chuyện người như ma. Bà Luyến khóc hu hu, chồng bà vỗ vai, thôi nín đi, đâu vào đấy rồi. Bà ôm chân chồng, cắn luôn một phát rồi khóc như hờ ma, ông ơi là ông, nếu ông làm trò quỷ đó thì tôi cũng chết đi cho xong chuyện. Người chồng chẳng nói gì, chỉ im lặng dỗ dành vợ. Càng dỗ dành bao nhiêu, nhẹ nhàng bao nhiêu thì bị nghi ngờ bấy nhiêu. Bà Luyến triết lý, đàn ông nếu không phải họ đã sửng cồ lên. Đằng này im lặng, kiểu như biết lỗi của mình. Còn ai vào đấy.


Trên chiếc giường tre được trải chiếu cói, cô Son nằm ườn người, đứa con trai ân cần. Mẹ ăn cháo đi. Cô Son cầm tô cháo, mắt ráo hoảnh, mặt có vẻ phờ phạc. Cô với lấy cốc nước rồi ăn cháo. Uống mấy bát nước nóng cho ra mồ hôi. Sau cô than lạnh, đứa con trai thổi than rồi bê lên. Cô nằm vật ra chiếu. Ông Cửu đi ngang ghé đưa tay bắt mạch, cô Son từ chối.

- Tôi chẳng sao đâu.

- Thôi cô nghỉ. Đoạn quay qua con trai cô, ông Cửu nói. Chẳng cần thuốc thang chi nữa, vài hôm là mẹ cháu trở lại bình thường.


Cánh đồng tháng bảy, cỏ mượt mà. Từng bụi cỏ ủ sữa trong đêm. Sáng mai ra xanh ngập mắt. Trâu bò tha hồ gặm cỏ. Cô Son bảo con trai thả bò từ sớm, cô đi theo, mang đôi quang gánh ra đồng lấy ít cây xanh về bỏ khoai mỡ. Cô đội nón nghiêng, che khuất bên mặt phía nhà con gái. Anh con rể thấy mẹ đi ngang liền đội mũ chạy đến đỡ lấy đôi quanh gánh, cô gạt tay.

- Tôi làm được mà.

- Để con giúp mẹ. Anh rể đáp lại rồi lấy đôi quanh gánh, cả hai đi hút về phía cuối cánh đồng làng. Ở đó có cả đồi thông, nó đẹp và buồn. Người làng thường chôn cất người thân ở đó, người ta gọi là rú chùa. Vì xưa nó là đất chùa, sau chiến tranh mọi thứ tan hoang, người làng lấy rú chùa làm nghĩa địa.


Sau mưa, mây trôi lang thang. Trăng tháng tám đáng rất trong nhưng nó bị xâm chiếm bởi gam màu đỏ có hình bàn tay. Từ xa, trông như bàn tay máu nhúng trong chiếc đĩa. Người ta bảo rằng đó là trăng xưng tội, có ai đó đã làm chuyện động trời. Bà Luyến mất ngủ tròn ba mươi ngày. Từ rằm tháng bảy đến rằm tháng tám. Mọi thứ như đoạn phim, trở đi trở lại. Bà đâm ra ghét loài người, căm phẫn loài chó. Mọi thứ trong nhà bà giờ sạch bong. Năm con chó được cho vài nhà trong xóm, chồng bà dựng lán cho các con ra ở. Riêng ông ở lại, ngày nào cũng phải đối diện vài lần, với sự hăm dọa, hừng hực sát khí. Đã có lúc bà dí sát dao vào cổ ông gầm gừ.

- Ông làm cái trò quỷ đó đúng không. Nếu có tôi cho người đào đất chôn sống. Đàn bà bị gọt đầu bôi vôi thì đàn ông phải hơn thế…

- Bà có thể làm nếu bà trở lại bình an như xưa, nhưng tôi không làm điều đó.

- Không ông thì là ai.

Câu hỏi tưởng chừng giản đơn, vô lối nhưng nó rất ngọn ngành. Không ông thì là ai? Thôi thế nào cũng được, chẳng giản đơn nhưng dễ dàng chấp nhận. Như lúc cùng đường, lúc tuyệt vọng cứ chậc một cái rồi đến sao cũng đành, giải thích lại càng đâm ra khó khăn. Ông nghĩ thế, rồi quay về phía bà Luyến.

- Không nói không được, tôi ngờ lắm.

- Ông nói đi, cho chắc vào.

- Thằng Sáng rể bà Son, trông mặt nó chẳng đáng tin chút nào.


Sương trắng bắt đầu rơi, sau mười hai giờ tối đọng lại trên ngọn cỏ. Dưới trăng, chúng tạo nên những búi sáng trắng. Cánh đồng không còn gì ngoài một vài bóng người dật dờ. Dưới trăng, người cứ như ma. Mà cứ quy cái gì ghê tởm thành ma thì phải tội. Bà Luyến thừa biết đó là lũ người có máu mèo hoang, thú tính. Cứ đêm đêm bày trò đi đại tiện để ra đồng quây vài đám thịt. Chúng đan vào nhau, âm thanh thô bỉ. Có lần bà nghe mà nhức cả tai, bắt được thằng Sáng hùng hục thở, ú ớ kêu lên những từ dục tính. Thật kinh tởm, bà Luyến chỉ thẳng mặt, biểu chúng đứng lên thì thằng trai kia liền bạt tai bà Luyến.

- Việc gì đến bà, cút đi, con đĩ già.

Bà Luyến cũng không ngần ngại ném cho hòn cuội, máu chảy tinh tươm nhưng nó ngậm ngùi hăm dọa.

- Sau bà chết thằng này chẳng đào huyệt đâu.

Bà Luyến cười cợt.

- Chẳng biết tao chết trước hay là mày, hoặc con đĩ kia. Vội vàng dưới đám cỏ xanh, người đàn bà đã trạc tuổi mẹ thằng trai kia mặc vội cái quần, lấy tấm áo che thân khi ngực đã nhão.


Ông Cửu lập đàn cuối sông, khúc giữa vợ chồng bà Luyến thả thuyền giấy, nến sáng lung linh. Đầu nguồn bà Hạ khóc hờ chồng. Chồng bà Hạ chết cạn nhưng bà lại tìm chồng ở dưới sông vì ngày trước ông hay ra sông thả cá. Nơi nào người ta thường hay lui tới khi sống thì chết lại luyến lưu. Cứ lẽ đó nên bà Hạ ra đây tìm chồng. Có đêm lội ra sông tính chết, người làng xuống kéo lên. Chuyện cứ lặp lại người ta đâm ngán nên cứ mặc, cứ để mặc người, mặc sông.


Nước sông cứ trôi, chẳng bẽ bàng gì. Từ ngàn năm nay sông chứng kiến không biết bao thân phận. Lúc rụt mình xuống ẩn nấp, lúc dồn lên nghe ngóng, khi giận dữ cuốn phăng đi tất cả. Riêng xóm Đình vẫn trọn vẹn. Chẳng thể nào sông cướp đi được một hạt thóc của xóm Đình. Nhiều nơi bảo rằng điều đó hay, ông Cửu bảo người dân xóm Đình toàn chết cạn. Không thiếu ăn, chỉ sống thiếu niềm tin, cứ phấp phỏng từ đời này sang đời khác, cứ bởi một lẽ, mình người trần mắt thịt không biết gây lỗi gì với thánh thần hay không. Hằng năm, khi nước dâng, ông Cửu liền mở cửa đình thắp nhang rồi đánh trống liên hồi. Nước như sợ tiếng trống làng, rút xuống bậc rồi ngày sau trở lại sông, cứ chảy mỏi, cứ vòng quanh qua những hòn cuội, đám lau rồi những bụi cây con đạp lên âm thanh róc rách, róc rách.

Truyện dự thi: Búi trăng - Ảnh 4.

Bà Luyến đến chỗ ông Cửu. Lúc ông làm lễ xong, bà chắp tay chào ông như thể lễ thầy chùa. Bà thỉnh ông vài chuyện, trong đó có chuyện đêm trăng, lũ chó xâu xé nhau. Ai đã làm ra chuyện đó. Ông Cửu gạt tay, chuyện đó lâu rồi. Bà Luyến đáp lại, thế nào gọi là lâu, mới một tháng thôi, máu vẫn còn tanh lắm. Ông Cửu lặng im một lúc rồi chậm rãi.

- Có những chuyện không thể nói ra, cô thấy trăng sáng. Ngang đó, đừng tìm thêm vì sao nó sáng.

- Thưa, cây có cội, nước có nguồn, chuyện có người gây nên. Ông biết nhưng ông không nói, cứ để lâu nay tôi nghĩ đó là chồng mình, thì ra người đó là là…

- Cô nói tiếp đi, tạo nghiệp đi, thằng Sáng nó cắt lưỡi, hết tạo.

Biết ông Cửu lỡ lời, người mà bà ám chỉ là ông chứ không phải thằng Sáng. Như vớ được bằng chứng động trời, bà Luyến chạy một mạch lên làng cứ ấm ớ những câu không nói được làm lũ chó thừa cơ dáo dác, sủa dồn rồi chạy theo bà đến nhà cô Son.

- Rạng trời mới biết lòng người nhé, đồ súc vật.

Cô Son ngồi khóc, lấy tay che mặt. Bà Luyến khóc, vén áo quẹt nước mắt trở về nhà. Dọc đường cứ nghĩ, phải tội thánh thần, xui chi gì những trò oan nghiệt, đúng là chỉ đứng trên trời mới thấy được. Mà cũng may, mình ở lại trần gian.


Con trai cô Son lập gia đình. Vợ mang bầu, anh nhìn chằm chằm vào bụng. Vợ thấy lạ liền hỏi, anh ta bảo không có gì. Nhưng nhiều lần như thế, vợ đâm nghi, chính anh cũng không tin chắc là vợ có bầu nên mới đến chỗ cô Son hỏi.

- Mẹ xem vợ con có thai hay trướng bụng. Cô Son lặng người, hai tay rung rung, từ đó cánh tay không dừng lại. Cô không thể tự lấy thức ăn, chứng càng ngày càng nặng. Ban đầu là hai tay, giờ đến đầu. Nhiều bộ phận trên cơ thể cứ như người động kinh lúc lên cơn. Con trai mang cô Son đến bệnh viện rồi từ bệnh viện trở về nhà. Giờ cô Son ngồi một chỗ. Những đêm trăng sáng, cô thường chui vào tấm chăn, lâu lâu mới ló đầu ra sợ hãi.


Người ta ám ảnh rất nhiều thứ ở đời. Nhưng sợ hãi ánh trăng thì chỉ có cô Son. Màu vàng ấy mượt mà, êm dịu, mát lành. Cô Son có thể sợ nét đẹp ấy. Đứa con trai nghe lời ông Cửu dắt mẹ ra vườn vào mùa trăng. Lấy độc trị độc, cô Son nằm vật giữa đất, tay bới tung đám cát vàng khóc thêm thảm. Vầng trăng lùi dần vào mây, đọng lại trên cát, màu đỏ nham nhở. Máu trộn cát tạo nên màu khó ưa, thoắt nhìn bầm tím, thoắt màu nâu, sặc mùi chết chóc, quái dị. Đứa con trai đỡ mẹ đứng dậy, cô Son ngoái đầu nhìn hố cát khóc thét không dứt. Khu vườn bên cạnh, bà Luyến thắp nhang khấn lầm rầm.

- Con ơi! Người ta bạc thì về đây với mẹ, có gì mẹ cho con, áo hoa vài bộ, áo khoác gió mùa thu, chiếc mũ con thích, đây búp bê, đây hạt cườm, đây hoa tai. Nếu có kiếp sau con cứ làm con của mẹ, mẹ dù tật nguyền nhưng chẳng bao giờ mẹ bạc với con.


Trăng rớt nhanh về phía đồi, chỗ thượng nguồn con sông. Nước sông vẫn hằn lên âm thanh mỏi mệt. Đêm trung thu, những đứa trẻ vui đùa khắp xóm làng. Trẻ con thật đáng yêu, chúng cứ như những đóa hoa, muốn hôn lên chẳng mệt. Một vài nhà ở xóm Đình đã dọn về nơi ở mới, còn lại những mảnh vườn hoang, đây vẫn là thiên đường của trẻ nhỏ. Nhưng vườn dâu nhà cô Son thì lại có ma, một đứa trẻ má thắm, môi hồng, mặc váy trắng đi cùng vài con mèo trắng. Lũ nhỏ thường gặp vào những đêm trăng, nhưng những chùm dâu chín mọng không thể ngăn được chúng.


Bà Luyến cũng chuẩn bị rời mảnh vườn. Xưa không biết còn nấn ná, giờ thì đi. Nói rặt cả xóm Đình mỗi nhà bà Luyến là yên. Người ta bảo thằng thần thánh thương người tật nguyền, bà Luyến bị tật một chân, đi cứ lê lết, rất nhọc nhưng hay làm việc phước đức, hay thắp hương cúng cổ mỗi đêm rằm và trồng hoa ở đình làng nên có phần hưởng phước. Cô Son phước thời con gái, mất hạnh nguyên giữa thì, giờ thì mang bệnh quái gở. Bà Luyến bảo đó là nhân quả.


Mùa lũ đến nhanh, mưa nối từ ngày này sang ngày khác. Cô Son bệnh, mỗi khi cơn đau cô la hét át cả tiếng mưa. Về sáng nước láng bềnh bồng nhưng trăng lên, cô Son đi lắc lư lắc lư ra vườn. Mấy đứa con đi tìm kiếm khắp nơi, đi ngang cô nhưng không thấy. Bà Luyến thấy nhưng đứng im, thử xem cô Son làm gì. Trăng chiếu một vòng tròn rồi bám sáng lên người, trăng đứt nửa mảnh bám vào bụng cô Son. Cô quằn bụng nhưng cắn chặt răng, lát sau cô khuỵu xuống. Máu chảy ướt quần, đứa trẻ khóc ré, trăng đổ ụp xuống, cát tung lên trời và mây kéo đến đen kịt, tiếng chó sủa vồn vực, tiếng chúng cắn xé nhau, tiếng gầm gừ, mùi tanh nồng bốc lên. Bà Luyến chắp tay vái trời.

- Con lạy cao xanh, xin đừng cho con những búi trăng, xin đừng cho con xem những cảnh tượng ma quái đó. Hãy cứ để cho mọi thứ nằm sâu trong đất hoặc theo mây bay đi.


Đám tang cô Son. Bà Luyến đứng bên nhà nhìn sang, giọt nước mắt chảy. Thằng Sáng hì hụi vác bàn ghế ra ngoài sân, dọn chỗ đặt quan tài. Đoạn liệm mẹ vợ, nó đưa tay vuốt, mắt cô Son nhắm lại. Chẳng biết dư ảnh nào ở lại trong ấy. Chỉ biết buổi sớm mai, người đi lại kiệm lời, phía sông nghe nước trôi buồn thấy rõ. Mảnh vườn, lũ chó nằm đìu hiu…

Truyện dự thi: Búi trăng - Ảnh 4.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem