Truyền thống là đề tài đầy hứng thú

Thứ năm, ngày 13/01/2011 18:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phim “Nếp nhà” (phát sóng trên VTV1) tiếp tục đưa người xem tìm về những nét đẹp văn hóa xưa và nay, khéo léo đan cài nhiều địa danh, làng nghề truyền thống cùng các bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Bình luận 0

NTNN trò chuyện với nhà biên kịch thế hệ 8X Nguyễn Mạnh Cường.

Viết theo "đặt hàng" của hãng phim, lại về đề tài tưởng chừng khó gần gũi với thế hệ 8X, thời gian cũng gấp gáp nữa, vậy anh đã xoay xở ra sao?

img

Cảnh trong phim “Nếp nhà”.

- "Nếp nhà" là một ý tưởng mà nhà văn Thùy Linh ấp ủ đã lâu. Vào khoảng tháng 6 - 2009, chị đã rủ tôi và Hà Thủy Nguyên cùng thực hiện kịch bản dựa trên ý tưởng đó. Đây là một đề tài mới mẻ, chúng tôi đã phải tham khảo, tìm kiếm tư liệu khá lâu.

Kịch bản hoàn thành trong thời gian gấp gáp, phần lớn cũng nhờ nhà văn Thùy Linh "cầm chịch". Chúng tôi trao đổi, thống nhất đề cương, nhân vật, cốt truyện cho tới những chi tiết nhỏ.

Có thể nói gì về kinh nghiệm của anh trong chuyện "Nếp nhà"?

 - Tôi nghĩ “nếp nhà” không hẳn là một kinh nghiệm, nó là một truyền thống thì đúng hơn. Đó là tập hợp những quan niệm về lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử qua bao đời của ông cha. "Đất lề, quê thói". Mỗi gia đình, mỗi vùng miền lại có những quan điểm văn hóa riêng về ứng xử, lối sống… trong truyền thống chung của dân tộc.

Là một trong ba người viết kịch bản này, anh đảm trách mảng nào? Theo anh, thế mạnh của anh khi triển khai đề tài này?

- Trong 3 người viết kịch bản, tôi chủ yếu đảm trách mảng viết về những người trẻ, như chuyện của anh em Phong, Chu. Nói thế mạnh thì cũng không hẳn, nhưng trước hết tôi là một người trẻ, hơn nữa, tôi cũng tham gia nhiều diễn đàn trên mạng, tiếp xúc với nhiều người trẻ (online, offline) nên tôi cũng phần nào hiểu được họ sống và nghĩ gì. Tuy nhiên, tuổi trẻ luôn biến động và phức tạp, khó nắm bắt, những gì tôi hiểu hôm nay có lẽ ngày mai đã không còn chính xác nữa.

Nhà biên kịch Thùy Linh nói, những đoạn viết về câu đối hay thơ cổ, anh viết như… ông cụ. Theo anh, đấy có phải là lời khen?

- Tôi không giỏi trong việc đoán ý người khác. Có thể nhà văn Thùy Linh chê tôi già, cũng có thể chị khen tôi có sở thích giống các cụ, nhưng quả thật, tôi rất hứng thú với thơ cổ như Đường thi. Với phim truyện tư liệu, có người cho rằng không khó để đưa những thông tin sẵn có vào phim nhưng chẳng dễ dẫn dắt câu chuyện sao cho tự nhiên và ra hồn vía.

“Nếp nhà” được triển khai theo hơi hướng phim truyện tư liệu. Quả thật đây là một thể loại mới mẻ, là thách thức lớn đối với tôi, từ việc thu thập, rồi xử lý thông tin, tới việc đưa vào câu chuyện sao cho nó tự nhiên và chân thực nhất có thể.

“Nếp nhà” đang ít được nhắc đến trong đời sống hiện đại. Anh có thường trăn trở về vấn đề này?

- Quá trình làm kịch bản bộ phim "Nếp nhà", không những tôi được tiếp xúc với một đề tài mới lạ, mà tôi còn có cơ hội để suy nghĩ về nếp nhà, cái thường xuyên hiện hữu quanh ta nhưng thường con người ta ít khi chú ý tới, đặc biệt là những người trẻ như tôi. Bố mẹ tôi là công nhân.

Hồi bé bố tôi đi công tác xa nhà, có khi năm chỉ về vài ba bận nên anh em tôi chủ yếu do một tay mẹ dạy dỗ. Ấn tượng của riêng tôi về quãng thời gian đó là cây roi của mẹ, mà tôi nghĩ bạn bè tôi thời đó ai cũng từng thấm thía cái câu "yêu cho roi cho vọt" này rồi.

Tôi nghĩ có lẽ đó là phương tiện truyền đạt cái "nếp nhà" của mẹ tôi chăng - nếp nhà "Giấy rách phải giữ lấy lề", "Nghèo cho sạch, rách cho thơm"… của cha ông từ ngàn xưa truyền lại.

Cảm ơn anh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem