Từ chuyện nhầm con đến “nhầm” nhân cách

Nguyễn Trung Dân Thứ hai, ngày 21/03/2016 06:30 AM (GMT+7)
Có người nói không nên xới lên chuyện tìm gốc gác vì bị nhầm con. Xã hội sẽ thế nào nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận sự dối trá là quan hệ đối xử thường xuyên?
Bình luận 0

Mấy hôm nay trên các hệ thống truyền thông cũng như thế giới mạng đều râm ran tranh luận chuyện cha mẹ đi tìm lại con, con (đã lớn) muốn tìm đúng cha mẹ đã sinh thành ra mình. Bỗng dưng, chuyện tưởng đơn giản là qua phát hiện này, dù có nhiều điều phải bàn, nhưng sự thật sẽ được trả đúng về vị trị của nó. Vấn đề là người trong cuộc sẽ chấp nhận sự thật này như thế nào và có cách ứng xử thật đúng, thật nhân văn cho cả công ơn sinh thành và dưỡng dục. Thế nhưng không chỉ như vậy! Một cô nhà báo đi làm loạt bài sự thật này đã phải sốc, đến nỗi được khuyên là nên tìm chuyên gia tâm lý để an định lại tâm hồn, hiểu biết của mình về con người và cách ứng xử của người trong cuộc . 

 Bỗng dưng trên mạng đã nổ ra cuộc tranh luận bày tỏ “chính kiến" của mình trước sự  việc này. Cả hai phe tranh luận đều đưa ra lý lẽ của mình là nên nhận, tìm hiểu cho đúng hay là không nên xới ra làm gì. Điều gì đã qua, như một định mệnh đã an bài, nên để yên như vậy! Ngạc nhiên thay, phe cho là không cần tìm sự thật ấy, xới lên làm gì lại được đa số ủng hộ. Họ lý luận rằng: " ... có những sự thật không nên cố gắng tìm, trả lại cho đời, nhất là khi nó liên luỵ đến quá nhiều số phận đan chéo".

Một chuyên gia tâm lý còn dạy bảo rằng: "Ai khát khao đi tìm nguồn gốc là vô ơn bạc nghĩa với người nuôi mình, vô tình làm tổn thương người đã nuôi mình. Còn nếu người mẹ chủ động tìm con khi đã nuôi con người khác bao nhiêu năm thì tôi quả không hiểu được" . Có nickname còn mạnh mẽ hơn: "Chỉ có bọn rồ dại mới đem xáo trộn vào cuộc sống của gia đình mình ...bởi nếu là anh , anh sẽ quên nó đi", có lẽ đây là loại người mong muốn sự "ổn định".  Những người có ý kiến để chống lại thì phản ứng thật yếu ớt: "Em sẽ cố gắng đi tìm cha/mẹ ruột của mình; hoặc sống trong câu hỏi giằng xé mình cho đến chết cũng không nhắm mắt được: Ai thực sự là bố mẹ mình/mình thực sự là con ai? Gốc rễ, nguồn cội dòng máu của mình là từ đâu?" 

img

     Qua các tranh luận này, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng, băn khoăn trước một tâm thế thời đại như vậy. Mà đơn giản nhất là cách nhìn nhận sự thật, ứng xử với sự thật của thời đại chúng ta khi sự dối trá đã thành nếp, thành sự khôn ngoan bảo vệ cho thành quả. Để ứng xử, người ta sẵn sàng "mũ ni che tai", để giữ sự ổn định cần thiết như một nickname phát biểu. Thậm chí họ còn nói rộng hơn " ...cũng như có những sai lầm, cần để nó ngủ yên, đừng khơi dậy nữa". Quan điểm đó nói lên một nhân cách thế hệ đáng lo sợ như là một hệ quả của nền giáo dục đã sản sinh ra những con người như vậy. 

 Khi thế giới đã được ví von là phẳng, để nói lên những thông tin, truyền thông có thể đến với mọi nhà, mọi người như nhau thì điều băn khoăn tôi vẫn tự đặt ra cho mình là người thế giới họ có nghĩ như mình nghĩ, có sống như mình sống cho dù đang ở trong cùng một thời đại hay không ? Và luôn luôn câu trả lời là KHÔNG! Họ sống khác mình, suy nghĩ có khác mình, không phải vì họ giàu có hơn, văn minh hơn. Bởi vì cho dù suy nghĩ giữa người giàu có và người nghèo khó có khác nhau; người văn minh, phát triển trước có đời sống tốt hơn nhưng những chuẩn mực đạo đức, tính nhân văn vẫn là những quy chuẩn không khác biệt nhau mấy, vậy mà chúng ta cứ khác họ trong lối sống, trong suy nghĩ hành xử. Lần này qua việc lạc con, qua tâm thế xã hội được công khai trên mạng, nó càng nói lên cái khác biệt ấy. Cái khác biệt mà chúng ta buộc phải báo động , buộc phải xem xét lại mình để tìm ra điều gì đã làm chúng ta ứng xử khác như vậy! 

Cũng là sự việc tìm lại nguồn gốc của mình, trong vụ Operation Babylife chiến dịch không vận đưa trẻ em mồ côi ra khỏi Việt Nam trước ngày thống nhất 1975), những đứa trẻ này hầu hết đã hơn 40 tuổi, đều đã có cuộc sống gia đình khá ổn định ở Mỹ, Úc, Pháp ...nhiều nơi trên thế giới. Vậy mà họ đau đáu một nỗi về cội nguồn của mình. Và họ đã trở về, nhiều lần trở về, nhiều cuộc trở về để đa số là không tìm được vết tích gì về gốc gác của mình. Vậy mà họ vẫn đi tìm, vẫn hy vọng có được một tia sáng nào trong quá khứ của người đã sinh ra mình. Họ đã không tránh né một sự thật là cha mẹ sinh ra họ nếu còn thì chắc chắn là nghèo khó, chắc là không biết đến đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Vậy mà họ vẫn đi tìm như một thúc bách đạo đức, nhân văn: làm người thì phải biết nguồn cội của mình!  

Còn cha mẹ nuôi của họ thì sao? Hầu hết  đều khuyến khích con nuôi của mình trở về tìm lại nguồn cội của mình. Họ sẵn sàng nói cho con nuôi mình biết mình chỉ là người nuôi dưỡng mà không hề nghĩ rằng cuộc tìm về ấy là vô ơn, bạc nghĩa . Những cha mẹ nuôi ấy đã thực lòng nhận nuôi, chăm sóc dưỡng dục nên người như hiện tại. Vậy mà họ không hề cho rằng họ có quyền giấu diếm, che dấu sự thật là họ không phải cha mẹ ruột và thành thật mong con mình tìm được nguồn gốc của nó.

Họ cao thượng hơn ta? Không, họ chỉ sống và làm đúng đạo đức của người có công dưỡng dục và cố gắng giáo dục con mình là người tử tế biết giữ nguồn cội của mình. Cái khác biệt là những người cha mẹ này, những người con nuôi này được giáo dục để trở nên những người có nhân cách, có cách ứng xử bình thường của loài người có đạo đức và nhân văn. Vậy chúng ta đã trở nên bất thường hay không bình thường từ lúc nào để từ chối tìm ra sự thật của một việc nhầm lẫn đau lòng như vậy? Và xã hội sẽ thế nào nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận sự dối trá là quan hệ đối xử thường xuyên? 

Còn điều đáng trách nữa là cho đến nay không ai, không cơ quan, đơn vị nào nhận trách nhiệm về mình khi sự nhầm lẫn này bị phát hiện. Thói vô trách nhiệm không lạ trong thể chế xã hội chúng ta. Ai cũng sẵn sàng phê phán, nói về sự xấu xa như tham nhũng, như quan liêu, vô cảm ...nhưng ai cũng thấy sự việc đó trừ mình ra, như không có liên quan gì đến mình. Cách suy nghĩ, hành xử như vậy đã tạo sự ổn định giả tạo, làm yên lòng cho những người muốn duy trì cái cũ, khó chấp nhận sự thật cho dù sự thật cần thiết đến đâu!       

Sống, suy nghĩ và hành xử như vậy làm sao có thể có nhân cách đáng trọng để xây dựng con người cho một xã hội tốt đẹp! 

                    

                                                       . 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem