Ưu tiên chuyển đổi 5 vấn đề

Thứ sáu, ngày 04/10/2013 13:56 PM (GMT+7)
Việt Nam và các nước Campuchia, Lào, Myanmar cần có tầm nhìn mới trong phát triển nông nghiệp, theo đó cần ưu tiên chuyển đổi 5 vấn đề.
Bình luận 0
Tại Diễn đàn Tăng cường năng suất nông nghiệp và chuỗi cung ứng tại Việt Nam – Dự án CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đều nhấn mạnh 4 nước CLMV có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, các nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, khả năng cạnh tranh nông nghiệp sụt giảm…

Tại diễn đàn, bà Trần Thị Thanh Nhàn- chuyên gia Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho biết: Năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam thấp nhất và không bắt kịp với các nước trong khu vực Đông Nam Á từ năm 2005. Đáng chú ý là trong giai đoạn 2001 – 2011, dù Việt Nam đã tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), giảm sử dụng tài nguyên, quá trình thương mại hóa và hội nhập quốc tế mạnh hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp lại suy giảm, từ 4,5%/năm trong giai đoạn 1995-2000 xuống còn 3,4%/năm giai đoạn 2006-2011 và 2,7%/năm trong năm 2012.

Ông Tin Htut Oo - Chủ tịch Ủy ban Tư vấn kinh tế - xã hội quốc gia (Myanmar) nhấn mạnh rằng, Việt Nam và các nước Campuchia, Lào, Myanmar cần có tầm nhìn mới trong phát triển nông nghiệp, theo đó cần ưu tiên chuyển đổi 5 vấn đề: Cải thiện và phát triển quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần thông qua đổi mới và tái cấu trúc chính sách nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp phục vụ nông nghiệp thông qua đầu tư kinh doanh nông nghiệp, bao gồm cả cơ giới hóa; hài hòa hóa tiêu chuẩn và đặc điểm kỹ thuật hàng hóa, các tiêu chuẩn an toàn lương thực, thực phẩm, tăng cường khung thể chế, pháp lý…

Trao đổi cùng các chuyên gia, bà Nguyễn Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết: Bộ NNPTNT đã chính thức bắt tay vào thực hiện đề án tái cơ cấu ngành theo cơ chế thị trường, tức là chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội. Đây là quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài, do đó định hướng chung của ngành là khai thác và tận dụng lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình tăng trưởng nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho cư dân nông thôn... “Với sự quyết tâm cao, ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đem lại lợi nhuận nhất, giá trị nhất cho nông dân, dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất và không ảnh hưởng đến phát triển lâu dài của sản xuất nông nghiệp, đi đôi với bảo vệ môi trường” – bà Hồng khẳng định.
Thiên Hương (Thiên Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem