Vị hoàng giáp nào bị Pháp truy lùng, tự sát để giữ khí tiết?

N.V Thứ sáu, ngày 29/12/2023 22:30 PM (GMT+7)
Đào Nguyên Phổ cũng là một trong những người bị chúng truy lùng ráo riết. Trước tình hình nguy cấp đó, ông đã tự sát vào ngày 24-5 năm Mậu Thân (tức ngày 22/6/1908), hưởng dương 48 tuổi, để giữ trọn danh tiết và tránh liên lụy đến bạn bè, người thân.
Bình luận 0

Theo sách "Đại Nam chính biên liệt truyện", Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ là một vị đại khoa, một bậc danh nho cấp tiến. Ông còn là một nhà báo tiên phong trên đất Thăng Long và một chí sĩ sáng danh của phong trào Duy Tân, của trường Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ XX. Ông đã sống chết vì dân, vì nước. Riêng trên phương diện văn chương, ông cũng là một tác giả có thành tựu.

Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ có tên thật là Đào Thế Cung, còn gọi là Đào Văn Mại, tự là Cần Giang, Hoàng Hải, hiệu là Tảo Bi. Ông xuất thân trong một gia đình nho giáo ở xã Thượng Phán, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, nay là xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông là một văn thân yêu nước tiến bộ, một trong những lãnh tụ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

Đào Nguyên Phổ vốn là người thông minh, học giỏi. Năm 1877, Đào Nguyên Phổ đi thi và đỗ cử nhân ở tuổi 17. Sau đó, một thời gian dài ông làm nghề dạy học ở gần nhà. Đến năm 1884, Đào Nguyên Phổ được bổ nhậm chức Giáo thụ huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, rồi Tri huyện Võ Giang, tỉnh Bắc Ninh và bị bãi chức vì để "mất trộm" tiền thuế của huyện. Ông lại đi dạy học ở Nam Định và giao du với các chí sĩ yêu nước... Năm 1895, nghe theo lời khuyên của Nguyễn Thượng Hiền, ông vào Huế học tại trường Quốc Tử Giám. Khi đó, Nguyễn Thượng Hiền được bổ làm Toản tu ở Quốc Sử quán tại kinh thành Huế. Cũng giống Đào Nguyên Phổ, năm 1884, khi 17 tuổi, Nguyễn Thượng Hiền đã thi đỗ cử nhân khoa thi Hương tại trường thi Thanh Hóa. Năm 1885, ông đỗ đầu kỳ thi Hội nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ, ông phải về ở ẩn tại núi Nưa, Thanh Hóa.

Năm 1892, Đào Nguyên Phổ đi thi Đình và đỗ Hoàng giáp. Năm 1898, ông dự thi Hội và đỗ Đình nguyên Hoàng giáp rồi được bổ chức Hàn Lâm thừa chỉ. Tại nơi đế đô này, ông tìm đọc và tiếp thu nhiều tư tưởng mới qua "Tân thư"; ông lại theo học thêm tiếng Pháp tại "Pháp tự quốc gia học đường" nhằm mở rộng kiến văn. Năm 1902, Đào Nguyên Phổ xin từ quan trở về Hà Nội để làm nghề viết báo.

Ông bắt đầu sự nghiệp nhà báo tại Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo với vai trò chủ bút. Sau đó, năm 1905, Đào Nguyên Phổ lại mở Đại Việt Tân Báo với E.Babut. Năm 1907, tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo chuyển thành Đăng Cổ Tùng Báo. Năm 1907, sau khi bàn bạc trao đổi, một số nhà nho Duy Tân yêu nước đã thống nhất lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Lương Văn Can là Thục trưởng, Nguyễn Quyền là Giám học, Đào Nguyên Phổ tham gia biên soạn sách. Đây không đơn thuần là một trường học kiểu mới, các nhà nho yêu nước của ta đã biết lợi dụng sự hoạt động hợp pháp của trường để tuyên truyền, phổ biến, cổ động những nội dung yêu nước. Chính vì thế mà không bao lâu sau, thực dân Pháp đã "ngửi thấy" những nguy cơ từ Đông Kinh Nghĩa Thục mà chúng gọi là "cái lò phiến loạn ở Bắc kỳ" nên chúng đã ra lệnh đóng cửa trường vào tháng 12-1907.

Tất cả sách vở, tài liệu của trường bị tịch thu, tiêu hủy, các yếu nhân bị bắt bớ, tù đày. Cũng may lúc đó Đào Nguyên Phổ đang hoạt động ở ngoài nên thoát được. Năm 1908 là năm có nhiều phong trào chống Pháp nổ ra ở khắp ba kỳ, như vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, phong trào kháng thuế xin xâu ở Trung kỳ. Thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn để đàn áp, dập tắt các phong trào này. Ở Hà Nội, vụ Hà Thành đầu độc phải hoãn đi hoãn lại mấy lần do bị lộ. Có lẽ vì vậy mà Pháp truy lùng gắt gao những người có liên quan gần và cả những người chúng nghi ngờ đều bị bọn thực dân xử theo tiêu chí "giết nhầm còn hơn bỏ sót".

Đào Nguyên Phổ cũng là một trong những người bị chúng truy lùng ráo riết. Trước tình hình nguy cấp đó, ông đã tự sát vào ngày 24-5 năm Mậu Thân (tức ngày 22/6/1908), hưởng dương 48 tuổi, để giữ trọn danh tiết và tránh liên lụy đến bạn bè, người thân.

Lời bàn:

Từ những tư liệu lịch sử để lại đã cho hậu thế hôm nay biết rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Đào Nguyên Phổ. Ông bước chân vào sự nghiệp quan trường khi mới 23 tuổi. Nhưng những bước đầu hoan lộ của ông lại diễn ra đúng vào lúc vua quan nhà Nguyễn từng bước đánh mất chủ quyền đất nước. Trước tình thế đó, Đào Nguyên Phổ đã bộc lộ một cách minh bạch về thái độ không hợp tác với giặc Pháp bằng tri thức khoa học, bằng nghị lực và ý chí của cả cuộc đời mình. Từ đó, ông đã đến với cuộc vận động cách mạng dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hiện đại là phong trào Duy Tân (1905-1908). Và chính phong trào này đã giúp nhiều người dân nước Việt thời đó nhận thức ngày một sáng tỏ bản chất xâm lược của "mẫu quốc".

Do hạn chế tầm nhìn trong đường lối đấu tranh chính trị và ngoại giao, do nôn nóng và tự ti hiếu thắng nên phong trào sớm bị dập tắt. Tuy nhiên, phong trào Duy Tân đã để lại bài học lịch sử xương máu, tô thắm hơn truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Đào Nguyên Phổ là một chí sĩ yêu nước có trình độ cao, không sa vào hoàn cảnh chung của một số nho sĩ đương thời. Tiếc rằng ông sớm qua đời, nhưng tài sản tinh thần thông qua các tác phẩm văn chương, báo chí mà ông để lại cho hậu thế thật đáng tự hào, đáng tôn vinh.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem