Việc đóng góp phải được dân đồng tình

Thứ bảy, ngày 28/09/2013 11:53 AM (GMT+7)
Chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đảng, Nhà nước là đúng.
Bình luận 0
Tuy nhiên, việc huy động sức dân để xây dựng NTM cần phải cân nhắc trên cơ sở có được sự đồng thuận cao của đa số người dân, quan trọng nhất là phải có giải pháp thiết thực nâng cao thu nhập cho ND... -Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn trả lời phóng viên NTNN về huy động sức dân trong xây dựng NTM.

Ông đánh giá thế nào sau 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới?

- Trước hết cần phải khẳng định, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây NTM là đúng. Những kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện cuộc vận động đã chứng tỏ điều đó. Bộ mặt nông thôn tại các xã điểm của T.Ư, địa phương đã có bước thay đổi căn bản. T.Ư đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tại các xã nông thôn mới. Tùy từng điều kiện của mỗi nơi, các địa phương cũng đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ… Điểm cơ bản là cuộc vận động đã tạo ra được ý thức xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị, toàn dân cùng tham gia.

Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn (phải) thăm một hộ sản xuất giỏi ở Tiền Giang.
Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn (phải) thăm một hộ sản xuất giỏi ở Tiền Giang.

Theo ông, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đang gặp khó khăn gì?

- Khó khăn hiện nay là vẫn còn tồn tại những cách hiểu chưa đúng nên dẫn tới việc thực hiện chưa đúng. Ngay cả cán bộ, nhiều người vẫn coi xây dựng NTM là một phong trào. Đã là phong trào thì rất dễ “làm ào ào”, nặng về hình thức, chạy theo thành tích, trong khi Đảng, Nhà nước xác định xây dựng NTM là cuộc vận động, tức là thực hiện có tiêu chí, kế hoạch, tùy vào tình hình thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp và là một quá trình liên tục từ thấp đến cao. Thực tế, không ít địa phương vừa qua quá chú trọng vào việc thực hiện các tiêu chí “cứng” như xây dựng mới trụ sở, nhà văn hóa, đường giao thông, trạm xá… mà chưa chú trọng tới các tiêu chí như phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho ND…

Kinh tế trong nước sa sút bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nguồn thu ngân sách từ T.Ư cho tới địa phương đều suy giảm nên việc thực chi kinh phí cho NTM cũng phải điều chỉnh, cắt giảm… Trong một khảo sát mới đây do T.Ư Hội NDVN tiến hành cho thấy, tại một số địa phương, người dân đã tự nguyện đóng góp đủ mức tiền xây dựng đường giao thông nhưng đến nay nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước vẫn chưa bố trí được…

Thời gian qua, dư luận hết sức lo ngại với tình trạng nhiều địa phương huy động sức dân quá mức trong xây dựng NTM. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Qua báo cáo của Hội ND các tỉnh, thành phố và nắm bắt tình hình thực tế T.Ư Hội NDVN cho thấy, nhiều nơi ND vẫn đang phải chịu các gánh nặng về các khoản đóng góp. Đi vào xây dựng NTM thì người dân càng phải đóng góp nhiều, mức đóng góp cao hơn, nặng nhất là đóng góp cho các hạng mục xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương như đường giao thông, đường điện, nước sạch, nhà văn hóa, nhà mẫu giáo… Điều này cho thấy việc xây dựng NTM cần có bước điều chỉnh.

Khảo sát mới đây của T.Ư Hội NDVN tiến hành cho thấy, vì áp lực tiến độ, chạy theo thành tích nên chất lượng lập quy hoạch ở không ít địa phương chưa cao, thậm chí có chuyện quy hoạch “ngược”, nghĩa là cấp huyện can thiệp quá sâu vào quy hoạch cấp xã khiến công trình xây dựng không phát huy được công năng, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền bị sức ép về thời hạn hoàn thành một số tiêu chí nào đó, hoặc tất cả các tiêu chí trong xây dựng NTM nên tạo sức ép lên người dân bằng các khoản thu…

Có giải pháp nào để “hóa giải” sức ép đóng góp xây dựng NTM không, thưa ông?

- Tôi nghĩ, để cuộc vận động xây dựng NTM đi đúng hướng cần phải làm mấy việc sau đây:

Huy động sức dân trong xây dựng NTM là đúng, rất cần thiết. Nguồn lực xây dựng NTM phải được huy động bằng nhiều cách, nhiều “kênh”, trong đó có phần đóng góp của người dân. Xây dựng NTM mà để địa phương phải gánh nợ nần, người dân phải kiệt sức vì đóng góp thì chưa thể nói là thành công.
Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn


Thứ nhất, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần rà soát những loại thuế, phí, lệ phí, quỹ nào ở nông thôn không cần thiết, không còn phù hợp hoặc chi phí cho công tác thu tốn kém, phải mạnh dạn bãi bỏ.

Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các địa phương nên căn cứ vào điều kiện của mình và tình hình chung của cả nước để điều chỉnh, hoãn, dãn tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí “cứng”, yêu cầu nguồn kinh phí lớn trong đó có sự huy động từ người dân.

Thứ ba, việc huy động sức dân phải được tiến hành khi đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Có thể không cần xây dựng NTM ở quy mô toàn xã mà thực hiện ở vài thôn, thậm chí là 1 thôn nếu người dân ở đó thể hiện quyết tâm cao.

Thứ tư, cần tạo điều kiện để khoan sức dân bằng cách nâng cao thu nhập của người dân qua đầu tư mạnh cho phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển ngành nghề nông thôn, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm… Người dân có nâng cao thu nhập thì mới có điều kiện đóng góp.

Thứ năm, tại những địa phương đã huy động được sự đóng góp của người dân về tiền của, công lao động thì ngân sách nhà nước nên ưu tiên bố trí nguồn lực đối ứng để hoàn thiện các hạng mục, công trình NTM…

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Phương Đông (thực hiện) (Phương Đông (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem