15 năm sát cánh cùng hội viên nông dân

Thu Hà Thứ sáu, ngày 08/04/2016 11:04 AM (GMT+7)
Làm Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã đã hơn 15 năm, mỗi khi hội viên, ND có yêu cầu giúp đỡ bất cứ việc gì ông đều có mặt. Đó là ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội ND xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện (Hải Dương).
Bình luận 0

Hâm nóng phong trào

Đến nay, ông Bình đã có hơn 15 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội ND xã. Còn nhớ, ngày mới đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội ND, ông Bình gặp không ít bỡ ngỡ, vất vả. Đời sống của đa số hội viên, ND còn nhiều khó khăn, các chi hội sinh hoạt èo uột, không mấy người mặn mà tham gia vào tổ chức hội… Ông Bình đến từng nhà để vận động, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, quan tâm, hỏi han, động viên, chia sẻ với những khó khăn, khúc mắc của hội viên, nông dân; hướng mọi người đến động lực phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập…

img

Ông Trần Thanh Bình (trái) thăm mô hình nuôi cá của gia đình anh Phạm Văn Vương.
Ảnh: Thu Hà

Trước đây gia đình tôi thuộc diện nghèo nhất xã. Nhờ sự tư vấn của ông Bình, tôi được hỗ trợ chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang thả cá, nuôi lợn. Hiện, với quy mô 50 con lợn thịt/lứa (3 lứa/năm) và 1,8ha thả cá, tôi có doanh thu hàng tỷ đồng/năm”.

Anh Phạm Văn Vương - hội viên nông dân giỏi xã Đoàn Kết

Khi ông Bình mới làm “thủ lĩnh” ND, cả xã chỉ có gần 1.000 hội viên, đến nay đã có 2.250 người sinh hoạt tại các chi, tổ hội. 100% hội viên tự nguyện đóng hội phí theo quy định. Có kết quả này là bởi nội dung hoạt động của Hội không tách rời nhu cầu thiết yếu của ND mà ông Bình là người đứng mũi chịu sào.

Theo ông Bình, công tác tuyên truyền của Hội luôn gắn với chăm lo, hỗ trợ đời sống sản xuất, sinh hoạt của hội viên, như giúp vay vốn, giúp mua máy nông nghiệp có hỗ trợ lãi suất, mua phân bón trả chậm...“Thiếu vốn, ND dù giỏi mấy cũng không làm được. Hiện, Hội ND xã đang nhận ủy thác hơn 52 tỷ đồng vốn vay từ các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ ND. Số vốn này đã trợ giúp đắc lực cho hàng ngàn hội viên đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình” -ông Bình thổ lộ.

Làm giàu trên quê hương

Năm 2005, UBND xã Đoàn Kết có chủ trương khuyến khích ND chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa. Hội ND xã được UBND xã giao nhiệm vụ vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ dân tham gia chuyển đổi. “Bà con vốn quen với làm ruộng nên Hội ND vận động chuyển đổi sang nuôi thủy sản rất khó khăn. Ai cũng lo thất bại vì chưa có kinh nghiệm nuôi thủy sản…”- ông Bình nhớ lại

Ông bèn tổ chức họp các hộ muốn tham gia nuôi thủy sản lại giải thích lợi ích khi chuyển đổi. Ông vận động các hộ tổ chức thành tổ, nhóm ND liên kết nuôi trồng thủy sản và phân công ủy viên Ban Chấp hành Hội ND xã tới từng hộ hướng dẫn bà con cách thức thực hiện. Bên cạnh đó, ông liên hệ với các vùng chuyên canh thủy sản trên địa bàn tỉnh để đưa bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đích thân ông cùng Ban Chủ nhiệm Tổ ND liên kết đi khảo sát thị trường giá cả các công ty thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để từ đó trực tiếp lấy cám, thuốc từ doanh nghiệp mà không qua các đại lý trung gian. “Việc làm này giúp các thành viên trong tổ tiết kiệm được từ 7 – 10% chi phí thức ăn so với việc mua ở ngoài…”- ông Bình chia sẻ.

Nhờ sự “hết mình” của ông, đến nay, toàn thôn Tòng Hóa có 131 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 56ha. Tổ ND liên kết nuôi thủy sản ngày nào nay đã phát triển thành Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết. “Năm 2015, tổng thu nhập các hộ trong HTX đạt được 26,8 tỷ đồng. Giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích tăng gấp 4 – 5 lần so với cấy lúa. Người ND nay đã làm giàu trên chính quê hương mình”, ông Đặng Xuân Quyện – Chủ nhiệm HTX phấn khởi nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem