Ai được Henry Kissinger coi là "con người nguy hiểm nhất nước Mỹ"?

Văn Hòa (theo Le Courrier International) Thứ sáu, ngày 26/06/2020 20:30 PM (GMT+7)
Tên gọi "Con người nguy hiểm nhất nước Mỹ" mà Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Richard Nixon, đặt cho Jack Anderson, không phải vì ông là một tội phạm mà lại là một nhà báo chuyên lôi ra ánh sáng không biết bao nhiêu vụ bê bối trong chính trường Mỹ.
Bình luận 0

Từng được trao tặng Giải thưởng báo chí Pulitzer vào năm 1972, Jack Anderson được xem là bậc thầy về loại hình phóng sự điều tra của báo chí hiện đại. Những tài liệu mà ông chưa công bố có thể trở thành quả bom tấn làm nổ tung chính trường nước Mỹ không biết lúc nào. Vì vậy, chẳng lạ gì khi ông qua đời vào tháng 12/2005, FBI tìm mọi cách để có được trong tay số tài liệu này.

Ai được Henry Kissinger coi là "con người nguy hiểm nhất nước Mỹ"? - Ảnh 1.

Nhà báo huyền thoại Jack Anderson.

Jackson Northman Anderson sinh ngày 19/10/1922 tại thành phố Long Beach, bang California, trong một gia đình di dân gốc Đan Mạch nhưng lại lớn lên tại thành phố Salt Lake ở bang Utah. Sau hai năm làm nghề truyền giáo, Anderson khởi nghiệp viết báo khi được nhận vào làm việc cho tờ báo địa phương The Murray Eagle. Trở thành phóng viên của nhật báo The Salt Lake Tribune vào năm 1940, Anderson bắt đầu nổi tiếng khi loạt phóng sự điều tra về tệ nạn đa thê mang tính giáo phái của một số người đứng đầu các tổ chức đội lốt Cơ Đốc giáo tại bang Utah đã đánh động dư luận Mỹ.

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, Anderson tham gia quân đội và là điều phối viên của Cục Các hành động chiến lược (OSS - tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ hiện nay) bên cạnh quân kháng chiến Trung Quốc chống lại sự chiếm đóng của phát xít Nhật, đồng thời là phóng viên chiến trường của báo Stars and Tripes.

Trở về Mỹ khi chiến tranh chấm dứt, Anderson được mời làm việc cho tờ chuyên đề bình luận và điều tra Merry-Go-Round do Drew Pearson làm chủ biên. Từ đó, tài năng và sự xông xáo của cặp bài trùng này đã làm chao đảo chính trường Mỹ suốt nhiều đời tổng thống liền.

Năm 1948, loạt phóng sự điều tra của Jack Anderson về mối quan hệ bất thường giữa nghị sĩ Owen Brewster, Chủ tịch Ủy ban điều tra chiến tranh của Thượng viện Mỹ, với Hãng Hàng không Pan Am, và thủ đoạn mà ông này sử dụng để ép buộc Hãng Hàng không Trans World phải chịu sáp nhập với Pan Am, đã khiến Brewster phải từ chức. Đến năm 1949, cặp bài trùng Pearson-Anderson phối hợp "đánh" Bộ trưởng Quốc phòng James Forrestal về thái độ hiếu chiến quá mức của ông này khi cố thổi phồng nhiều sự kiện để Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh với Liên Xô.

Các cuộc điều tra bí mật của Pearson và Anderson cho thấy Forrestal đã chịu nhiều áp lực kể cả nhận quà cáp, bổng lộc từ nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí lớn của Mỹ để cố đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh mới. Và khi các bí mật này nổ tung trên mặt báo Merry-Go-Round đã khiến dư luận Mỹ yêu cầu Tổng thống Harry Truman phải mở một cuộc điều tra và cũng khiến Forrestal tự tử vào ngày 22/5/1949.

Đầu năm 1950, khi nghị sĩ Quốc hội Joseph McCarthy giương ngọn cờ chống Cộng sản điên cuồng khắp nơi và đẩy nước Mỹ vào cảnh nghi kị lẫn nhau, Jack Anderson tìm cách tiếp cận với viên nghị sĩ quá khích này để cố tìm ra yếu điểm khả dĩ có thể đánh bại được ông ta. Tháng 10/1953, biết tin McCarthy chuẩn bị điều tra về sự thâm nhập của Cộng sản vào quân đội, mà mục tiêu là nhắm vào Bộ trưởng Quốc phòng Robert Stevens, Anderson liền thông báo cho Nhà Trắng. Tức giận, Tổng thống Dwight Eisenhower quyết tâm làm mọi cách để loại trừ McCarthy. Một cái bẫy được giăng lên với người cung cấp thông tin (giả) là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ray Cohn, về hiện tượng một số sĩ quan Lầu Năm Góc có cảm tình với Cộng sản.

Trong khi McCarthy đang hoan hỉ về những chứng cứ (giả) do Cohn cung cấp thì báo chí mà dẫn đầu là chuyên đề Merry-Go-Round tung tin về vụ McCarthy sử dụng chứng cứ giả để buộc tội Bộ trưởng Quốc Phòng Robert Stevens. Ngày 9/5/1954, Quốc hội Mỹ tiến hành điều tra về hành vi sử dụng chứng cứ giả mạo của McCarthy và đến ngày 2/12/1954 đã biểu quyết phế truất viên nghị sĩ quá khích này khỏi chức vụ Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề chính phủ của Thượng viện Mỹ. Sự nghiệp chính trị của McCarthy coi như tiêu tan từ đó.

Vào năm 1963, khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống John Kennedy, cũng giống nhiều nhà báo khác, Jack Anderson tiến hành điều tra theo cách riêng của mình. Ông đã phát hiện ra một liên minh ma quỷ giữa Phó Tổng thống Lyndon Johnson và một số trùm tư bản ở bang Texas, mà đứng đầu là Bobby Baker, đã câu kết với nhau để mưu hại Kennedy vì vị tổng thống này ra lệnh điều tra về hành vi mờ ám của Johnson và Baker có liên quan đến thương vụ mua bán máy bay chiến đấu TFX của Tập đoàn Northrop, đồng thời qua vụ việc này, Kennedy quyết định loại Johnson ra khỏi liên danh tranh cử tổng thống của mình vào nhiệm kỳ sau.

Sau khi Kennedy bị bắn chết, nhằm đánh lạc hướng điều tra, Baker ra lệnh cho nhân chứng, một người Cuba lưu vong tên Johnny Rosetti, khai báo bịa với các nhân viên điều tra rằng Chính phủ Cuba đã đứng đằng sau vụ ám sát Kennedy. Có chứng cứ trong tay, Anderson liền chuyển giao cho Ủy ban Warren (Ủy ban điều tra về vụ ám sát Tổng thống Kennedy do Quốc hội thành lập) nhưng không biết vì lý do gì lại không được quan tâm. Tức mình, vào năm 1968, Anderson cùng Pearson cho xuất bản cuốn sách có nhan đề "Kiện lại Quốc hội" trong đó dẫn chứng nhiều trường hợp mà Quốc hội cố ý không quy trách nhiệm cho những nhân vật cấp cao trong chính phủ đã lạm dụng quyền lực để mưu đồ tư lợi mà quên đi quyền lợi của người dân Mỹ. Trong cuốn sách này, Anderson có đề cập về trường hợp của Lyndon Johnson, Bobby Baker, Hubert Humprey và cả Dwight Eisenhower.

Có lẽ trong các đời tổng thống Mỹ, Richard Nixon là người căm hận Jack Anderson nhất, bởi chính Anderson đã làm Nixon thất bại trong cuộc tranh cử  tổng thống Mỹ vào năm 1960 khi trưng ra chứng cứ rằng Donald Nixon, em trai của Nixon, đã lợi dụng quyền lực của anh trai để bí mật vay của tỉ phú Howard Hughes 205.000 USD, nhằm chi phí cho cá nhân và cả cho chiến dịch tranh cử của Nixon. Năm 1970, Anderson mở màn cuộc tấn công vào Nixon bằng loạt bài viết về sự thao túng của mafia với Nhà Trắng và mối quan hệ bí mật giữa mafia và người đứng đầu FBI là John Edgar Hoover. Năm 1972, loạt phóng sự điều tra về việc Chính phủ Nixon bật đèn xanh cho Pakistan tiến hành chiến tranh với Ấn Độ đã giúp cho Anderson nhận được Giải thưởng báo chí Pulitzer, nhưng cũng khiến Chính phủ Nixon phải điều trần lên điều trần xuống tại Quốc hội. Năm 1973, khi xảy ra vụ đảo chính quân sự tại Chile, Anderson quy trách nhiệm cho Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger đã gây nên vụ việc này. Đáp lại, Kissinger gọi Anderson là "con người nguy hiểm nhất nước Mỹ".

Đã nhiều lần, chính quyền Nixon tìm cách loại trừ Anderson. Chính Nixon và Kissinger đã âm thầm ra lệnh cho các trợ lý là Gordon Liddy và Howard Hunt tìm mọi cách để "khóa mõm" Anderson kể cả việc lên kế hoạch với CIA cho thuốc độc vào lọ thuốc Aspirine mà Anderson có thói quen mang theo trong cặp đựng tài liệu để dùng khi bị nhức đầu. Kế hoạch này bị phá sản khi cả Liddy và Hunt bị bắt giữ vì liên quan đến vụ Watergate.

Là một người yêu nước chân chính, Jack Anderson cho rằng mình chỉ làm việc vì lẽ phải, không hại ai và cũng không muốn ai hại mình, cho dù những bài báo sắc sảo của ông đã làm khó chịu và gây thân bại danh liệt cho nhiều người. Bị chẩn đoán mắc chứng Parkinson vào năm 1986 nhưng mãi đến tháng 7/2004, Anderson mới chính thức từ giã tờ chuyên đề bình luận Merry-Go-Round và qua đời vào ngày 17/12/2005 ở tuổi 82.

Kể cả sau khi qua đời, FBI vẫn không để cho Jack Anderson được yên qua việc cáo giác ông thu thập và tàng trữ những thông tin, tài liệu bí mật có liên quan đến an ninh quốc gia và yêu cầu gia đình phải giao nộp. Tháng 2/2006, lấy lý do Anderson có tàng trữ tài liệu liên quan Ủy ban Mỹ - Israel mà FBI cho rằng đây là một tổ chức điệp báo, FBI đã yêu cầu gia đình Anderson cho kiểm tra tài liệu mà Anderson lưu trữ nhưng đã bị cự tuyệt, và gia đình Anderson dọa sẽ kiện FBI ra tòa về tội xâm phạm đời tư công dân. Cuộc giằng co kéo dài đến tháng 5/2006 mới chấm dứt khi FBI quyết định rút lại yêu cầu của mình

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem