Ấm áp Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống Điện Biên

Thu Hường Thứ ba, ngày 02/04/2024 11:37 AM (GMT+7)
Hằng năm, vào dịp tháng 10 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Pon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) lại rộn ràng đón Tết hoa mào gà. Tết hoa mào gà là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cống tỉnh Điện Biên.
Bình luận 0

Ấm áp Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên

Về Pa Thơm vui tết Hoa Mào Gà

Ngày Tết, con đường vào bản Púng Pon ngập tràn trong sắc hoa mào gà. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Trong ngày Tết, nam nữ dân tộc Cống đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Đặc biệt với phụ nữ dân tộc Cống, đây là dịp để họ diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của mình, cùng nhau sửa soạn đón Tết hoa mào gà.

Ấm áp Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống Điện Biên- Ảnh 1.

Theo quan niệm của người Cống (Điện Biên), hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Ảnh: Thu Hường

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên, cho biết: Luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, từ năm 2021 đến nay còn có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dành riêng cho các dân tộc ít người (trong đó có dân tộc Cống) thì đời sống văn hóa, tinh thần của bà con dân tộc Cống ở Pa Thơm nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung đã đổi thay rất nhiều. 

Ấm áp Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống Điện Biên- Ảnh 2.

Đại diện cho các gia đình trong bản thành kính dâng vật phẩm lễ trong Tết Hoa. Ảnh: Thu Hường

Điện, đường, trường học được đầu tư xây dựng khang trang về từng bản; bà con dân tộc Cống còn được hỗ trợ học nghề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi nghề; phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc Cống được quan tâm sưu tầm, phục dựng đã góp phần ổn định cuộc sống của đồng bào Cống, bà con dân tộc Cống không còn di cư tự do như trước nữa.

Ấm áp Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống Điện Biên- Ảnh 3.

Thầy cúng là người có uy tín trong bản sẽ chủ trì các nghi lễ cúng trong Tết Hoa. Ảnh: Thu Hường

Ông Nạ Văn Phanh - người có uy tín, được bà con dân tộc Cống xã Pa Thơm tin tưởng lựa chọn để chủ trì các hoạt động trong nghi lễ Tết Hoa của dân tộc Cống, vui mừng khi nói về ý nghĩa thiêng liêng của Tết Hoa trong tâm thức mỗi người con dân tộc. Ông Nạ Văn Phanh bảo: Với đồng bào dân tộc Cống thì hoa mào gà là loài hoa linh thiêng, biểu trưng cho sức mạnh, niềm tin của tâm thiện trong mỗi con người. Đồng bào dân tộc Cống quan niệm, có hoa mào gà trong nhà, trong bản, trên nương sẽ giúp xua đuổi tà ma phá hoại mùa màng hay vật xấu làm ảnh hưởng sức khỏe con người; hoa mào gà còn là cầu nối tâm linh giữa các thành viên trong mỗi gia đình và ông bà tổ tiên và những người đã khuất.

Ấm áp Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống Điện Biên- Ảnh 4.

Đón Tết Hoa, phụ nữ dân tộc Cống ở Pa Thơm thường trang trí quanh nhà, bản bằng những bông hoa mào gà đẹp nhất. Ảnh: Thanh Tùng

Trong những ngày tổ chức Tết Hoa, người Cống không đi làm nương, không đi đào củ mài mà ở nhà, ở bản thực hiện nghi lễ cúng do người có uy tín (được bà con lựa chọn) chủ trì. Sau nghi lễ, bà con sẽ cùng nhau liên hoan, múa hát, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất về một năm mới mạnh khỏe, làm ăn thuận hòa, may mắn.

Suốt những ngày Tết Hoa, bản làng của người Cống luôn rực rỡ sắc đỏ của hoa mào gà; tiếng chiêng hòa cùng tiếng hát rộn vang như đánh thức một vùng núi non trùng điệp. Cũng thường trong dịp Tết Hoa thì nhân dân các dân tộc ở khu vực lân cận thường tổ chức sang thăm, chúc mừng bà con dân tộc Cống với những lời chúc đẹp nhất; ấm áp tình cảm, chan hòa.

Ấm áp Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống Điện Biên- Ảnh 5.

Bà con dân tộc Cống xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) chung vui điệu múa mừng Tết Hoa năm 2023. Ảnh: Thanh Tùng

Tết Hoa mào gà: Sôi động Pa Thơm

Như đã biết, Tết Hoa mào gà, hay thường gọi là Tết Hoa của dân tộc Cống Điện Biên đã được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 29/8/2019. Tại Điện Biên, bà con dân tộc Cống thường tổ chức Tết Hoa vào tháng 11, tháng 12 dương lịch hàng năm (thường vào rằm tháng 10 âm lịch); đây là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cống tỉnh Điện Biên nói chung và dân tộc Cống xã Pa Thơm nói riêng.

Tết Hoa được diễn ra từ hai đến ba ngày và chia thành hai phần, gồm: phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi lễ cúng, do thầy cúng chủ trì; lễ cúng diễn ra vào một buổi xế chiều vì theo quan niệm của dân tộc Cống là tổ tiên, người đã khuất và các vị thần linh chỉ về nhà, về bản vào buổi xế chiều đến ban đêm. 

Khi thầy cúng chủ trì phần lễ thì bà con trong bản đem dâng các vật phẩm (thường là các sản phẩm nông nghiệp do bà con tự cấy, hái, nuôi trồng). Sau nghi lễ này, các gia đình mới bắt đầu cúng gia tiên, những người đã khuất trong gia đình bằng tấm lòng thành nhớ ơn sâu sắc.

Ấm áp Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống Điện Biên- Ảnh 6.

Có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bản Púng Pon của đồng bào dân tộc Cống ở xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) đã đổi thay từng ngày. Ảnh: Thanh Tùng

Với phần hội, bà con dân tộc Cống sẽ cùng nắm tay nhau cùng hát và cùng múa các bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc. Qua từng lời hát, họ gởi trao cho nhau tình cảm gắn kết cộng đồng, dòng họ để cùng nhau hướng về tương lai với những ngày tốt đẹp, tươi sáng hơn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem