Anh nông dân Quảng Trị có thu nhập cao nhờ làm mô hình du lịch nông nghiệp

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 30/11/2023 07:00 AM (GMT+7)
Cuộc đời của Thăng trải qua bao thăng trầm, từ một “thiếu gia” miền Tây Quảng Trị (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho đến “người rừng” rồi ông chủ mô hình du lịch nông nghiệp nổi tiếng.
Bình luận 0

Từ "thiếu gia" đến "người rừng" ở ẩn

Những năm gần đây, địa danh Khe Sanh Valley Farm ở khối 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá là điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách gần xa. 

Nơi đây có phong cảnh hữu tình, đồ ăn thức uống sạch sẽ theo hướng từ nông trại đến bàn ăn. Đằng sau vẻ đẹp ấy là câu chuyện khởi nghiệp với bao thăng trầm của chàng thanh niên 31 tuổi Hồ Hữu Thăng.

Chàng thanh niên Quảng Trị có thu nhập cao nhờ làm mô hình du lịch nông nghiệp - Ảnh 1.

Hồ Hữu Thăng - chủ nhân mô hình du lịch nông nghiệp Khe Sanh Valley Farm, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Xuất phát từ thành phố Đông Hà, chúng tôi có mặt tại Khe Sanh Valley Farm sau gần 2h đi xe ô tô. Đến đây, chúng tôi như lạc vào xứ sở thần tiên, tươi đẹp và huyền ảo dưới màn sương sớm.

Dẫn chúng tôi đi thăm nông trại kết hợp du lịch của mình, Thăng cho biết, để tạo được điểm đến hấp dẫn này, anh đã đổ biết bao tiền của, mồ hôi và nước mắt.

Sinh ra trong gia đình khá giả, Thăng được nhiều người gọi vui là "thiếu gia" miền Tây Quảng Trị. Thế nhưng, cuộc sống của Thăng trở nên xáo trộn khi cha mẹ làm ăn thất bát, phá sản. Biến cố này buộc Thăng phải bỏ ngang việc học đại học. 

Thay vì oán trách, than vãn, Thăng trở về nhà bươn chải với nhiều nghề làm thuê, ngày công ba cọc ba đồng, rất vất vả.

Thế rồi, sau những lần xem tin tức trên sách báo, tivi và mạng xã hội, Thăng thấy người dân ở thành phố Đà Lạt và nước Thái Lan rất thành công với mô hình nông trại kết hợp du lịch. So sánh khí hậu, thổ nhưỡng ở những nơi ấy với Khe Sanh có nét tương đồng, Thăng nảy ra ý định làm mô hình như thế.

Chàng thanh niên Quảng Trị có thu nhập cao nhờ làm mô hình du lịch nông nghiệp - Ảnh 2.

Một góc ở điểm du lịch Khe Sanh Valley Farm. Ảnh: Đinh Hữu Giao. Nguồn: Nhân vật cung cấp.

Đầu năm 2017, Thăng hồ hỡi đem ý tưởng của mình bàn với gia đình nhưng bị phản đối. Cha mẹ của Thăng thấy rằng mô hình này quá mới, ở địa phương chưa ai làm. Con trai mình sinh ra và lớn lên trong điều kiện đầy đủ, hiếm khi phải làm việc nặng, liệu có chịu nỗi sự vất vả khi làm nông hay không.

Chàng thanh niên Quảng Trị có thu nhập cao nhờ làm mô hình du lịch nông nghiệp - Ảnh 3.

Nông trại của Thăng nuôi, trồng rất nhiều nông sản để phục vụ du khách. Ảnh: NVCC

Dù vấp phải sự phản đối nhưng với sự quyết tâm của mình, sau 3 tháng kiên trì thuyết phục, cha mẹ Thăng đã đồng ý để anh đi theo con đường riêng của mình.

Được sự đồng ý của cha mẹ, Thăng thế chấp sổ đỏ vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Hướng Hoá. Ngày 10/3/2017, Thăng chính thức đặt chân đến khu đất 7ha của cha mẹ cách nhà 3km để khởi nghiệp.

Khu đất này có địa hình tốt, xung quanh là đồi cao, ở giữa có thung lũng với dòng suối khá lớn, nước chảy quanh năm. Thế nhưng, con đường dẫn vào đây chỉ là đường đất nhỏ hẹp, không điện, không nước sạch. 

Và một điều quan trọng hơn mà Thăng phải vượt qua, đó là sự cô đơn mỗi khi màn đêm buông xuống.

Có vốn, Thăng kéo điện lưới, thuê máy móc phong hoá đất để phân khu trồng cây ngắn ngày như khoai, sắn, môn, chăn nuôi gà, lợn rừng, dê, bò… và đào 5 ao nuôi các loại cá trắm, mè, rô, trê, diêu hồng cá lóc… Ngoài ra, Thăng còn trồng thêm cây cảnh, các loài hoa…

Chàng thanh niên Quảng Trị có thu nhập cao nhờ làm mô hình du lịch nông nghiệp - Ảnh 4.

Từ Tết Nguyên đán đến dịp lễ 30/4 - 1/5 là lúc hoa nở rộ, cũng là cao điểm đón khách ở nông trại kết hợp du lịch Khe Sanh Valley Farm, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một mình quần quật với đủ thứ việc, đêm về, Thăng vò vỏ trong cái lán bé nhỏ giữa bạt ngàn rừng núi. Niềm vui của Thăng là trước giờ đi ngủ được mọi người gọi điện hỏi thăm và học được kiến thức chăn nuôi, trồng trọt trên mạng.

Chú tâm làm việc đến nỗi có thời gian dài Thăng không rời khỏi nông trại, râu tóc dài như "người rừng". Khi vào thăm, thấy bộ dạng gầy rộc, đen đúa của Thăng, bạn bè, người thân không khỏi cảm thán: "Thằng này không ổn rồi".

Vậy nhưng, sau 2 năm chăm chỉ làm việc, nông trại của Thăng cơ bản được định hình.

Điểm đến không thể bỏ qua

Để hỗ trợ con trai thực hiện ước mơ, cha mẹ Thăng quyết định bán nhà ở trung tâm thị trấn để vào nông trại ở và làm việc cùng con.

Nhằm có vốn xây dựng khu du lịch nhỏ của mình, năm 2020, Thăng bán cả trăm con lợn rừng, bò, dê. Từ số tiền này cùng vốn vay ngân hàng, Thăng tập trung vào việc xây dựng khu dịch vụ ăn uống, làm đường bê tông dẫn vào nông trại. Vật liệu xây dựng khu dịch vụ ăn uống của Thăng chủ yếu bằng gỗ, tranh tre lá nứa, hoà quyện với thiên nhiên.

Chàng thanh niên Quảng Trị có thu nhập cao nhờ làm mô hình du lịch nông nghiệp - Ảnh 5.

Học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tham quan du lịch kết hợp tìm hiểu thực tế về cách nuôi, trồng ở Khe Sanh Valley Farm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lợn rừng, dê, gà, cá, rau xanh, các loại hoa quả ở nông trại được Thăng và nhân viên chế biến, phục vụ khách du lịch theo mô hình từ nông trại đến bàn ăn.

Điểm nhấn ở nông trại của Thăng là tràn ngập các loại hoa và phong cảnh núi rừng để du khách thoả thích chụp ảnh.

Thăng cho biết, dịp Tết Nguyên đán đến lễ 30/4 – 1/5 là mùa hoa nở rộ, đó cũng là cao điểm đón khách muôn nơi tìm về. Vào dịp này, mỗi ngày Khe Sanh Valley Farm đón hàng trăm lượt khách đến tham quan.

Ở đây, du khách có thể ở lại trong những căn nhà nhỏ dựng ở lưng chừng đồi để thả mình trong không gian xanh, ngắm hoa, hít thở không khí trong lành và thưởng thức những món ăn mang hương vị núi rừng. Khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn càng giúp nơi đây trở nên lung linh.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, số tiền kiếm được từ mô hình du lịch nông nghiệp hàng năm, Thăng đều tái đầu tư để hoàn thiện mô hình.

Chàng thanh niên Quảng Trị có thu nhập cao nhờ làm mô hình du lịch nông nghiệp - Ảnh 6.

Những ngôi nhà nhỏ dành cho khách có nhu cầu ở Khe Sanh Valley Farm. Ảnh: H.H.T

Nhờ vậy, từ một nơi hoang vu, chàng thanh niên Hồ Hữu Thăng cùng sự giúp đỡ của cha mẹ đã tạo nên một Khe Sanh Valley Farm hấp dẫn, mang đến thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm. 

Không những vậy, Thăng còn tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Lúc cao điểm, Thăng cần thêm 10 lao động thời vụ.

"Để có thành công bước đầu như hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân, gia đình, mình rất biết ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương, đoàn thanh niên, ngân hàng, người thân, bạn bè đã động viên, giúp đỡ.
Đặc biệt là sự ủng hộ của du khách gần xa. Số tiền đầu tư vào mô hình khá lớn nên thu nhập hiện tại chưa thể gọi là có lãi, nhưng mình tin tương lai kinh tế sẽ vững vàng" – Thăng bộc bạch.

Chàng thanh niên còn cho biết, bản thân rất vui khi thấy du khách tươi cười tạo dáng chụp ảnh, quảng bá du lịch địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hoài Ly – Phó Bí thư Huyện đoàn Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Hồ Hữu Thăng là thanh niên có nghị lực và sức sáng tạo rất lớn. Nhờ vậy, Thăng là một trong những thanh niên đi đầu làm mô hình du lịch nông nghiệp, bước đầu có hiệu quả, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem