Bà Hồng miệng nói hay, tay làm giỏi

Chúc Ly Thứ bảy, ngày 16/07/2016 07:23 AM (GMT+7)
Cầm trên tay thư triệu tập của Phòng Dân tộc huyện Giồng Riềng để dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ 2, bà Hồng (ngụ ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) tự hào kể với chúng tôi chuyện trồng tiêu, trồng lúa, vươn lên làm giàu của hai vợ chồng...
Bình luận 0

Đi lên từ mô hình đa canh

Sau khi lập gia đình, vợ chồng bà Hồng được cha mẹ cho 5 công ruộng và 3 công đất vườn, tuy nhiên do đất bị nhiễm phèn, lại trồng lúa theo tập quán lạc hậu nên hai vợ chồng thường xuyên bị mất mùa, cố gắng lắm cũng chỉ được vài giạ lúa khô đủ ăn khi giáp hạt. Đêm nào bà Hồng cũng trăn trở với suy nghĩ: Mình cần cù, siêng năng lao động là vậy, chăm chỉ làm ăn là vậy..., sao cứ nghèo mãi? Không chấp nhận cảnh “dậm chân tại chỗ”, bà đã đi tìm tòi học hỏi kỹ thuật từ các hộ làm ăn đạt hiệu quả trong xóm để về áp dụng vào sản xuất tại gia đình.

img

Vợ chồng bà Thị Hồng bên những trụ tiêu cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Chúc Ly 

Với những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, bà Hồng đã vinh dự được tuyên dương tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ 2 (2014-2019)

“Sau nhiều năm tăng gia sản xuất, tôi đã phát triển kinh tế bền vững với mô hình đa canh tổng hợp. Hiện, ngoài việc sản xuất lúa trên diện tích 4ha, mỗi năm cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng, tôi còn tận dụng đất trống xung quanh nhà đào ao thả  cá và nuôi 1.500 con ba ba; đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn với quy mô tổng đàn gần 40 con lợn thịt và lợn nái” – bà Hồng chia sẻ.

Bình quân mỗi năm, mô hình vườn - ao - chuồng của bà Hồng cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, từ những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, 3 năm trở lại đây bà liên tục cải tạo đất để trồng dưa hấu. Thấy dưa không lời  lãi được bao nhiêu, lại gặp đúng thời điểm giá tiêu tăng liên tục, nhu cầu thị trường dồi dào nên bà Hồng đã bàn với chồng đầu tư 70 triệu đồng lên liếp, mua 7.000 cây tràm về làm trụ trồng thêm 17 công tiêu.

Hết lòng vì chòm xóm

Làm không ngơi tay, nhưng người phụ nữ 58 tuổi ấy vẫn ấp ủ biết bao dự định. “Trồng xong đợt tiêu này, tôi sẽ mua vài chục con bò giống về nuôi lấy phân bón cho cây, nuôi trùn quế để làm mồi nuôi cá thát lát, cá rô đồng… ” – bà vui vẻ nói.

Không những là một nông dân giỏi, bà Hồng còn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ với chị em xung quanh. Gặp lúc cân lúa, cân dưa bị thiếu tiền, bà cho mượn hàng chục triệu đồng mà không hề do dự. Đơn cử như năm 2013, bà Hồng đã giúp đỡ lúa giống, lợn con cho một số bà con chòm xóm, nhờ đó nhiều hộ đã thoát cảnh túng bấn. Thấy chị nào không có vốn, bà cho chịu cặp lợn giống, đến khi họ bán lợn thịt mới lấy tiền.

Trao đổi với phóng viên, bà Thị Siêng - Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa cho biết: “Ấp Hòa Phú có 57 hộ là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm gần 14% dân số toàn ấp. Đa số đời sống bà con Khmer trong ấp còn khó khăn. Riêng chị Hồng không những là hội viên phụ nữ sản xuất giỏi mà chị còn nhiệt tình giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên. Mỗi khi được đi họp hay đi dự các lớp tập huấn về, chị Hồng đều giảng giải, chia sẻ kiến thức học được cho bà con nghe. Cách trò chuyện của chị dễ hiểu, khéo léo, lồng ghép vào những câu chuyện đời thường nên chị em rất thích và tin tưởng học theo”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem