Sau phiên tòa vụ bắn chết 3 người: Sự vô cảm của cán bộ địa phương?

Minh Phong Thứ sáu, ngày 05/01/2018 15:36 PM (GMT+7)
Nhiều luật sư lên tiếng về trách nhiệm của chính quyền địa phương phía sau vụ việc bắn chết 3 bảo vệ của Công ty Long Sơn tại Đắk Nông.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, chiều 3.1, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên án vụ nổ súng bắn chết 3 người tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) xảy ra vào năm 2016.

Theo đó, như đề nghị của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đặng Văn Hiến mức án tử hình, Ninh Viết Bình 20 năm tù, Hà Văn Trường 12 năm tù về tội Giết người; tuyên phạt Đoàn Văn Diện 9 tháng tù về tội Che giấu tội phạm.

Về nhóm bị cáo là người của Công ty Long Sơn, HĐXX tuyên phạt Nghiêm Xuân Thiên Sửu 6 năm tù, Phạm Công Thiện 4 năm tù về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

img

Bị cáo Đặng Văn Hiến (thứ ba từ phải sang) đã bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình

Tuy nhiên, ngay sau khi phiên tòa kết thúc, hàng chục người dân đã tỏ ra vô cùng bức xúc, gây mất trật tự ngay trước cửa TAND tỉnh Đắk Nông. 

Nhận xét về bản án của phiên tòa sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng: “Việc tuyên án tử về mặt pháp lý không sai nhưng cũng chưa thật sự ổn. Án tuyên phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, trừng phạt những hành vi vi phạm.

Nhưng sẽ không có tính giáo dục, cảm hoá khi không xem xét đến hoàn cảnh xảy ra vụ việc, chưa xem đến yếu tố lỗi của bị hại, chưa thực hiện đúng chính sách khoan hồng của pháp luật khi sự đầu thú, thành khẩn khai báo của bị cáo. Sự ám ảnh của những Luật sư, Nhà báo đã giúp bị cáo đầu thú sẽ có và không dễ gì nuốt trôi”.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, khi các Luật sư và Nhà báo được tin tưởng, đi xuyên đêm vào rừng để đưa các bị cáo ra đầu thú với cơ quan điều tra Bộ công an, họ đã tin vào sự khoan hồng của pháp luật, họ đã tin vào công lý.

“Từ năm 2009, vụ việc đã được đặt trên bàn của những người có trách nhiệm cao nhất, đã có những báo cáo đầy tâm huyết của các chuyên viên, cán bộ trong thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm, cảnh báo các hệ lụy có thể xảy ra tại vùng biên giới này. Tuy nhiên sự vô cảm, thờ ơ của các cán bộ được giao trách nhiệm đã dẫn đến hệ lụy này!” – luật sư Truyền nhận xét.

img

Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với bị cáo Đặng Văn Hiến là yếu căn cứ

Đồng quan điểm, Luật sư Vũ Thái Hà – Công ty TNHH luật YouMe cho rằng không thể lấy cái sai để biện minh cho cái sai, nhưng cần xem xét đến gốc rễ dẫn đến sai phạm của những người nông dân.

“Theo tôi, trong vụ việc nổ súng làm 3 người chết tại Đắk Nông, chúng ta không thể lấy cái sai người khác để biện minh cho cái sai của mình, ở đây pháp luật là thượng tôn.

Nhưng cũng chính vì yếu tố pháp luật là trên hết, chúng ta phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Khi có kẻ trộm vào nhà chúng ta cũng buộc phải tự vệ, bảo vệ tính mạng, tài sản gia đình mình. Vấn đề là sử dụng biện pháp và hành động tự vệ thế nào cho tương xứng” – Luật sư Vũ Thái Hà cho hay.

Theo Luật sư Hà, trong vụ việc cụ thể trên, cơ quan điều tra và tòa án có trách nhiệm điều tra, xem xét, phán xử theo đúng quy định pháp luật, căn cứ vào đúng các tình tiết để đưa ra phán quyết. Luật sư của các bị cáo trong vụ án cũng đã đưa ra những tình tiết, căn cứ giảm nhẹ để Hội đồng xét xử xem xét.

Cái gốc của vấn đề, theo luật sư Hà cũng chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Ở đây, cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc họ buông lỏng quản lý một thời gian dài, dẫn tới những việc từ tưởng chừng rất nhỏ đã biến thành việc lớn, rất nghiêm trọng.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương cần được xem xét nghiêm túc khi đã làm ảnh hưởng đến nhiều mạng người, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình ở khu vực đó” – Luật sư Hà đề nghị.

Là một trong những người từng trực tiếp vận động bị cáo Đặng Văn Hiến ra đầu thú, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với bị cáo Đặng Văn Hiến là yếu căn cứ.

“Do đó, tòa bác tình tiết phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân đối với Hiến cũng thiếu cơ sở. Hiến phạm tội do bị ức chế, dồn nén bởi hành vi trái pháp luật của Công ty Long Sơn trong 10 năm qua. Công ty Long Sơn đã nhiều lần san ủi phá hủy cây cối và nhà cửa của dân.

Hiến bị dồn vào đường cùng không còn sự lựa chọn nào khác, bởi nương rẫy là nguồn sống duy nhất, là chén cơm manh áo của gia đình. Tuyên Hiến tội chết không những không đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa của hình phạt mà thậm chí tạo ra ngọn lửa bức xúc âm ỉ cháy của người dân nơi đây” – Luật sư Hưng phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem