Bàn thắng của Tuấn Hải: Sản phẩm trực tiếp từ lối đá áp đặt
Bàn thắng của Tuấn Hải: Sản phẩm trực tiếp từ lối đá áp đặt
Phạm Trần Oánh
Thứ tư, ngày 21/06/2023 08:10 AM (GMT+7)
Điểm yếu được nhắc đến rất nhiều của ĐT Việt Nam là sau khi kiểm soát được bóng phải làm gì đã được ông Troussier và các học trò trả lời trong trận đấu với ĐT Syria bằng rất nhiều phương án tấn công với điểm nhấn là bàn thắng của Tuấn Hải.
Giống như những gì diễn ra với đội U22 Việt Nam của ông Troussier, ĐT Việt Nam cũng lại có trận đấu thứ 2 hay hơn trận đấu trước. Các tuyển thủ Việt Nam đã ra sân thi đấu với đầy đủ sự tự tin. Cả đội giữ bóng, bình tĩnh phối hợp thoát pressing tốt, kiểm soát khu giữa sân, đẩy ĐT Syria phải lùi về phòng ngự.
Điểm yếu mà các chuyên gia bóng đá, giới truyền thông và người hâm mộ nhắc đến rất nhiều, đó là sau khi kiểm soát được bóng phải làm gì đã được ông Troussier và các học trò trả lời trong trận đấu này. Có rất nhiều phương án để tiếp cận khung thành đối phương được đưa ra trên nền tảng bóng được kiểm soát ở khu vực giữa sân. Từ những pha bật tường, chọc khe thẳng vào khu trung lộ đến những quả căng ngang tầm thấp của từ biên vào, hoặc lật bổng vào trung lộ, những quả đưa bóng ngược ra từ đáy biên để dứt điểm hay các pha sút xa cũng được ĐT Việt Nam thực hiện khá nhiều với chất lượng cao.
Điều thú vị là bàn thắng của Phạm Tuấn Hải ở trận này là sản phẩm trực tiếp của lối đá kiểm soát bóng, áp đặt thế trận. Khi các cầu thủ Syria có bóng, các cầu thủ Việt Nam lập tức chơi pressing, gây sức ép và cướp lại được bóng. Thái Sơn đã chuyền bóng để Phạm Tuấn Hải tung cú sút căng ghi bàn thắng rất đẹp. Chưa bao giờ một đội bóng Tây Á lại bị ĐT Việt Nam ép như trong trận này. Đây thực sự là thứ bóng đá kiểm soát, áp đặt mà người hâm mộ mong đợi.
Các miếng đánh của ĐT Việt Nam ở trận này cũng khá rõ ràng. Đầu tiên đó là các pha thay đổi nhịp độ, chọc khe tạo đột biến. Trận đấu trước của ĐT Việt Nam với Hong Kong (Trung Quốc) hay khá nhiều trận đấu trước đây của U22 Việt Nam, có quá nhiều những đường chuyền ngang, qua lại cùng nhịp điệu, không tạo được đột biến và cơ hội. Trong trận này, chỉ sau vài đường chuyền qua lại, đong đưa giữ bóng là các đường chuyền có xu hướng tấn công.
Đặc biệt là các pha chọc khe, bật tường, tăng tốc đột ngột tạo đột biến của các tiền vệ, nhất là của Quang Hải. Đương nhiên, tỷ lệ thành công từ những pha phối hợp này là không cao, và điều đó là bình thường. Quan trọng là các cầu thủ đã tự tin tung ra những đường chuyền trong các miếng phối hợp nhanh mà khả năng mất bóng là rất cao và có sẵn phương án để đối phó với tình huống mất bóng đó.
Bên cạnh những pha phối hợp nhỏ, chọc khe bật tường, chúng ta cũng được chứng kiến nhiều pha chuyền dài đổi hướng tấn công rất chất lượng của các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là của trung vệ Quế Ngọc Hải hay tiền vệ Tuấn Anh. Các miếng đánh biên cũng rất rõ ràng. Trong hiệp 1, các pha đưa bóng vào khu cầu môn đối phương của Văn Hậu từ biên trái đều là những quả căng ngang tầm thấp. Những quả căng ngang đó đã gây ra rất nhiều phiền toái cho hàng phòng ngự Syria. Chỉ sang hiệp 2 mới có những quả lật bổng từ biên trái vào. Trong khi đó, những quả đưa từ biên phải vào khu cầu môn của Văn Thanh lại hầu hết là lật bổng, khi Văn Hậu đã bó từ biên vào trong khu cầu môn để tham gia đánh đầu.
Tiền vệ Thái Sơn là phát hiện thú vị ở hàng tiền vệ đội tuyển, nơi đang có đầy những anh tài của bóng đá Việt Nam. Thái Sơn không chỉ có ưu thế so với các tiền vệ tài hoa của Việt Nam ở sức trẻ, thể lực bền bỉ, khả năng thu hồi bóng, hỗ trợ phòng ngự tốt mà dường như anh có thể chơi hợp bóng với mọi đồng đội ở tuyến tiền vệ trong lối đá kiểm soát bóng, đặc biệt là các pha phối hợp thoát pressing. Có lẽ đó là lý do mà nếu không tính bộ ba trung vệ Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tuấn Tài cùng thủ môn Văn Lâm, anh là cầu thủ duy nhất chơi đủ 90 phút.
Trong sơ đồ của ông Troussier, cả ở đội U22 và đội tuyển, ta nhận thấy vai trò của 2 cầu thủ chạy cánh rất quan trọng. Họ tạo ra sự đa dạng cho các phương án tấn công của đội bóng. Bằng sự lên xuống của mình, 2 vị trí này sẽ quyết định sơ đồ thi đấu là 3-5-2 trong tấn công và 5-3-2 trong phòng ngự. Đây cũng là địa chỉ thường xuyên nhận những đường chuyền dài đổi hướng tấn công từ tuyến dưới. Đương nhiên, đây cũng là những vị trí tiêu hao nhiều thể lực nhất. Mặc dù trong trận này, Văn Hậu bên cánh trái và Văn Thanh cánh phải thi đấu khá máy móc, nhưng dường như họ sẽ là những ưu tiên của ông Troussier ở 2 biên bởi ngoài kinh nghiệm thi đấu thì 2 cầu thủ này có nền tảng thể lực vào loại tốt nhất của đội bóng.
Đây là một trận đấu hay của các học trò ông Troussier. Tuy vẫn còn một số điểm cần rút kinh nghiệm như trong một số tình huống phối hợp phòng ngự chưa chặt chẽ, pha phạm lỗi cùi trỏ không cần thiết của Quế Ngọc Hải ngay sát vạch 16m50 dẫn đến thẻ vàng và quả phạt nguy hiểm hay sự thiếu tỉnh táo, thiếu chắc chắn của Văn Hậu khi về trám chỗ cho trung vệ Phan Tuấn Tài, có thể nói, đây là trận đấu này khá trọn vẹn của ĐT Việt Nam và đã tháo bỏ bớt những lo lắng của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Nhìn cách ban huấn luyện ĐT Việt Nam ăn mừng bàn thắng của Tuấn Hải, chúng ta hiểu rằng gánh nặng áp lực không đáng có của truyền thông và người hâm mộ bóng đá Việt Nam chất lên vai họ trong thời gian qua dường như đã được hạ xuống phần nào. Áp lực từ cái bóng của HLV Park Hang-seo cũng sẽ giảm bớt. Với niềm tin của người hâm mộ có được sau trận đấu tốt này của đội tuyển, dường như ông Troussier đang từng bước chinh phục được thách thức thực sự của ông "làm sao để khơi dậy ước mơ trong bóng đá Việt Nam". Và với 1 con đường đúng, 1 phương pháp đúng, bóng đá Việt Nam có quyền ước mơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.