Báo động mất an toàn lao động ở công trường xây dựng
Báo động mất an toàn lao động ở công trường xây dựng: Trách nhiệm của những người liên quan?
Văn Hoàng
Thứ năm, ngày 05/01/2023 14:21 PM (GMT+7)
Liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em trong các công trường xây dựng đang thi công ở tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp... đã gây những hậu quá đáng tiếc. Điều đó cho thấy việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trường đáng báo động.
Nhiều vụ việc tai nạn liên quan đến trẻ em gần đây trong công trường xây dựng
Hơn 5 ngày qua, dư luận cả nước hướng về hành trình giải cứu cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu khoảng 35m tại tỉnh Đồng Tháp.
Cụ thể, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) nhặt sắt.
Tuy nhiên, bé Nam bất ngờ bị lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong (đường kính 25cm) đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Hiện trường cứu bé trai lọt vào trụ bê tông 35m chiều nay 4.1. Ảnh: Đ.T
Phép màu không phải lúc nào cũng có
Tháng 8/2020, một vụ việc thương tâm đã xảy ra khi bé 7 tuổi, trú tại khu phố 2, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cùng 3 cháu khác rủ nhau đến khu vực công trình đang san lấp mặt bằng thuộc dự án khu dân cư Bửu Long 3, thành phố Biên Hòa chơi. Sau đó, bé đến đoạn cống đang thi công sâu 3 đến 4m, chưa có nắp đậy rửa chân và không may trượt chân rơi xuống cống. Khi đưa được bé lên bé đã tử vong.
Phát hiện vụ việc, những em đi cùng đã báo vụ việc với người dân xung quanh. Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng có mặt để triển khai nhiều phương án cứu bé trai. Đến tối ngày 4/1, chính quyền địa phương thông báo cháu bé đã tử vong.
Trước đó, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 19/12/2022, một người dân ở thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai phát hiện bé gái 5 tuổi rơi xuống hố ép cọc bê-tông sâu khoảng 15m tại khu vực công trường đang thi công.
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an tỉnh Đồng Nai đã điều động 1 xe chỉ huy, 1 xe chuyên dụng cùng 14 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường triển khai ứng cứu.
Do miệng hố rất nhỏ, không thể trực tiếp tiếp cận bé gái nên lực lượng chức năng vừa trấn an tinh thần để nạn nhân không bị hoảng loạn, vừa cẩn trọng đưa dây và thiết bị chuyên dụng xuống để bé bám vào, kéo lên. Sau khoảng 30 phút, cháu bé 5 tuổi được giải cứu và đưa đến Trung tâm y tế huyện để chăm sóc.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ vấn đề trách nhiệm pháp lý
Theo quy định yêu cầu chung về mặt bằng công trường xây dựng an toàn, xung quanh khu vực công trường phải được rào ngăn và bố trí trạm gác không cho người không có nhiệm vụ ra vào công trường; Mặt bằng công trường và các khu vực thi công phải có hệ thống thoát nước đảm bảo mặt bằng thi công khô ráo, sạch sẽ. Giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng công trình phải được đậy kín đảm bảo an toàn cho người đi lại hoặc rào ngăn chắc chắn xung quanh với chiều cao tối thiểu 1m;…
Một công trường xây dựng mất an toàn lao động tại quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Văn Hoàng
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình nêu rõ: "An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình".
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Đặng Văn Khánh, Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Ở công trường theo quy định của pháp luật bao giờ cũng có nội quy, quy định cho những ai được phép vào công trường, ai không được phép vào, để bảo đảm an toàn cho công nhân và người dân. Mỗi công trường cần làm rào chắn để che chắn, có bảo vệ giám sát, cảnh báo cho phương tiện và người dân không liên quan vào khu vực đó. Tương tự ở những khu vực hố sâu phải có cảnh báo, che chắn ở xung quanh nhằm đảm bảo an toàn lao động".
Hồng Nhân ghi
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo NTNN, chiều 4/1/2023 tại một số công trường đang xây dựng vẫn chưa chấp hành những đầy đủ những qui định của pháp luật. Đây chính là cơ sở để lực lượng chức năng liên quan vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh.
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, với những vụ tai nạn xảy ra như đã kể trên thì việc cứu hộ là vấn đề đầu tiên phải thực hiện. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đông đảo, có chuyên môn, với nhiều biện pháp kỹ thuật cần thiết để sớm giải cứu người gặp nạn.
Bên cạnh công tác cứu hộ, vấn đề trách nhiệm pháp lý cũng sẽ được cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ. Trường hợp may mắn cứu sống được người bị nạn thì đơn vị thi công có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình về sức khỏe và tinh thần theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động cứu hộ.
"Trường hợp không may người bị nạn tử vong và cơ quan chức năng xác định có lỗi của đơn vị thi công thì sẽ khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động để xử lý đối với các cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật", Tiến sĩ Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các vụ việc xảy ra cho thấy lỗi từ nhiều phía. Đã đến lúc cơ quan chức năng, gia đình, xã hội cần nhanh chóng có những biện pháp, quy định, cách giáo dục, hướng dẫn các em nhỏ kiến thức, kinh nghiệm sống, cách nhận biết những nguy hiểm tiềm ẩn đang trực chờ con trẻ.
Chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu thi công các công trình có trách nhiệm hơn với bản thân mình và cả xã hội, tuân thủ mọi quy định của pháp luật, của đơn vị nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Không để "mất bò mới lo làm chuồng" tương tự như cháy quán karaoke khiến hơn 30 người chết mới siết chặt công tác quản lý trong thời gian vừa qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.